Chân dung người truyền giáo hôm nay

 

Ảnh minh hoạ. google

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Những ai bước theo “vết chân” của Đức Giêsu trên hành trình Truyền giáo sẽ nhận được sức mạnh từ Trời, nhờ đó, họ sẽ hăng say không mệt mỏi, có mệt mỏi nhưng không thoái lui, và dù gặp sự chống đối và bách hại, họ cũng không bỏ cuộc.

Cả Hội thánh Công giáo cần trở về với mầu nhiệm Đấng Emmanuel, để cảm nhận tâm hồn Đức Giêsu, Nhà Truyền Giáo tiên khởi đã “đem lửa đến thế gian”, để dõi theo ánh mắt của Người đang hướng về nơi xa xăm, nơi Người ước mong “lửa bùng lên” (x.Lc 12,49) qua đôi chân của những môn đệ được Người sai đi, đi truyền giáo. Vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (x.Ga 15,5)

Nếu bản chất của Hội Thánh Chúa Kitô là truyền giáo, và tâm điểm Đức tin Kitô giáo mang đậm nét truyền giáo, thì việc “anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu (x.Ga 15,26) là chuyện tất nhiên.

Hội thánh Công giáo chỉ thực sự tồn tại trong thế giới, và lý giải được lý do sự hiện diện của mình, nếu Hội thánh trở nên hữu hình cho căn tính và sứ mạng của mình, là Muối và Ánh sáng cho thế giới ngày nay; một thế giới đang bị tác động từ những khuynh hướng chạy theo những trào lưu của những ý thức hệ duy vật, sống ích kỷ và hưởng thụ, tục hóa và tương đối hóa trong bối cảnh cụ thể của đời sống xã hội và con người.

Cả Hội Thánh phải luôn nhớ thao thức của Đức Giêsu và thực thi lệnh truyền truyền giáo của Người một cách đầy hứng khởi, sáng tạo và đầy trách nhiệm. Điều này thấy rõ nơi lòng nhiệt huyết thừa sai của những người, những cộng đoàn, những hội đoàn được Thần Khí của Đấng Phục Sinh tác động, được Tin Mừng biến đổi.

Những ai bước theo “vết chân” của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, trên hành trình Truyền giáo sẽ nhận được sức mạnh từ Trời, được kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu và với Chúa Cha (x.Ga 14,23), nhờ đó, họ hăng say không mệt mỏi, có mệt mỏi nhưng không thoái lui, và dù có gặp sự chống đối và bách hại, họ cũng không bỏ cuộc.

Những người truyền giáo trong một Hội thánh truyền giáo, là những người biết mình tin vào Ai (x.2Tm 1,12), trong diệu cảm “chạm vào sự hiện diện của Chúa” ngay trong đêm tối của trần gian. Người ta dễ dàng tin vào Chúa khi được những sự tốt lành, mãn nguyện trong đời sống, nhưng giữa cơn phong ba bão táp của cuộc đời, để vững tin và tín thác vào quyền năng của Chúa, Đấng luôn hiện diện. Đức tin ấy phản ánh sự kiên cường đến mức anh hùng vào Đấng có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được trao phó cho Hội thánh, cho tới ngày Người Quang lâm (x.2Tm 1,12)

Vì thế, công cuộc Truyền giáo của Hội Thánh không nhằm mục đích truyền bá một ý thức hệ tôn giáo để lôi kéo tín đồ, hoặc công bố một học thuyết làm thỏa mãn tư duy của những người học thức, nhưng làm cho Đức Giêsu hiện diện trong thế giới, với những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn nạn của lịch sử, của con người hôm nay.

Do đó, qua việc công bố Tin Mừng của Hội Thánh, Danh Thánh Đức Giêsu Phục Sinh được tôn vinh trong quyền Chúa của Người, và quyền năng vinh hiển của Người được suy tôn ngay giữa lòng trần thế này (Pl 2,10-11), để những ai mở lòng tiếp nhận Người với đức tin và lòng yêu mến, sẽ trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Người.

Sức mạnh của sự biến đổi ấy không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là cuộc gặp gỡ với một Đấng Dũng Mãnh đến độ, ngay cái chết cũng không khuất phục được Người, và được thông ban chính sự sống thần linh của Người.

Thế giới, nơi đầy rẫy những tin buồn, đang rất cần Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,14-15).

Đó là thao thức của thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, cũng là thao thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm nay, khi một đàng, ngài khích lệ những tấm gương được Tin Mừng biến đổi, luôn sẵn sàng hiến thân vì Đức Giêsu và vì Tin mừng, đàng khác ngài khích lệ họ vượt qua được tính ích kỷ, hẹp hòi và xung đột của chủng tộc và quốc gia, để cổ vũ tinh thần yêu thương và hoà giải.

Những tấm gương truyền giáo hôm nay luôn là nguồn hứng khởi thúc đẩy người tín hữu lên đường “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 20), và khám phá ra những cách thức mới nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.