Chờ Hài Nhi

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mừng đón Chúa Hài Đồng vào Lễ Giáng Sinh. Nhưng trong một thời đại của những ham muốn vô tận và phiền nhiễu, thật đáng để suy ngẫm xem Hài Nhi đó chính xác là ai.

Tôi đến Ba Lan với tư cách là một biên tập viên trẻ vào năm 1989, một thập niên sau chuyến thăm đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II tới quê hương của ngài với tư cách là giáo hoàng, và chỉ vài tháng trước khi chế độ được Liên Xô hậu thuẫn bị sụp đổ. Tôi vẫn nhớ nó có vẻ ảm đạm như thế nào. Nhiều tòa nhà ở Warsaw đứng trên nền cao hơn mặt đường khoảng gần 1m. Lý do rất đơn giản. Quân Đức rút lui đã san bằng hầu hết thành phố vào năm 1944, theo đúng nghĩa đen, như một hành động ác ý thuần túy. Sự tàn phá mà họ để lại rất lớn. Việc dọn dẹp hậu quả chiến tranh tốn kém đến mức các công trình kiến trúc mới ở Warsaw chỉ được xây dựng trên nền đống đổ nát.

Những vết sẹo hằn sâu trong văn hóa Ba Lan. Đường chân trời của thành phố – ở mức độ tồn tại của nó – bị chi phối bởi hai công trình kiến trúc. Một là trụ sở Đảng Cộng Sản giống như lăng mộ, hai là Cung Văn Hóa và Khoa Học, một “món quà” của Joseph Stalin. Cả hai đều theo phong cách kiến trúc tàn bạo được nhiều tên côn đồ có tư tưởng ngưỡng mộ. Ngược lại, các nhà thờ là những ốc đảo nhỏ xinh đẹp. Chúng giống như những bông hoa trong những vết nứt của thế giới xi măng, và chúng không bao giờ trống rỗng. Chúng cũng là những hòn đảo của sự tỉnh táo, cam kết ghi nhớ quá khứ một cách lặng lẽ nhưng chính xác trong bầu khí dối trá về chính trị.

Đó là thế giới của Đức Gioan Phaolô II. Những gì Ba Lan đã trải qua trong những năm 1939-1989 là sự đóng đinh của cả một quốc gia. Nó được thực hiện bởi hai hệ thống độc hại, khác nhau chủ yếu ở lý thuyết xã hội mà chúng sử dụng để biện minh cho sự vô nhân đạo của họ. Ý tưởng là sự trừu tượng, nhưng chúng có hệ lụy, và ở Ba Lan họ đã làm được điều đó một cách dã man.

Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, những khó khăn ngài phải chịu đựng trong đời và đau khổ mà ngài chứng kiến ở rất nhiều người khác, được dùng như một loại tắm axít. Nó làm tan biến mọi thứ không cần thiết trong tính cách của ngài, ngoại trừ lòng can đảm và tư tưởng sáng suốt, tất cả mọi thứ đã cho phép ngài tin vào con người bởi vì ngài đã tin và trông cậy vào Thiên Chúa – một Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Ngài đến để cứu chuộc nó.

Ngài đã đem theo tất cả những điều đó khi lên ngôi giáo hoàng vào tháng 10 năm 1978. Điều đó cho chúng ta bối cảnh cho thông điệp đầu tiên của ngài là “Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Con Người.” (1979)

Đối với Đức Gioan Phaolô II, con người của Chúa Giêsu và mối quan hệ của chúng ta với Ngài luôn được đặt lên hàng đầu. Luân lý và đạo đức bắt nguồn từ mối quan hệ đó rất quan trọng. Nhưng chúng đến thứ hai. Chúa Giêsu Kitô mặc khải cho chúng ta bản chất và phẩm giá của nhân tính chúng ta. Những nhiệm vụ đi cùng với nhân tính chúng ta sau đó sẽ theo sau cuộc gặp gỡ đang diễn ra đó.

Đức Gioan Phaolô II dành cả sứ vụ giáo hoàng của ngài để làm rõ và làm mới Giáo Hội, vì Chúa Giêsu Kitô. Đối với Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội không phải là một tập hợp những điều trừu tượng về tôn giáo, mà là Hiền Thê của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa trong thế gian này.

Lời Chúa là một con người, không chỉ là một cuốn sách hay một ý tưởng. Ngài đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta. Vì yêu thương, Ngài đã để lại Giáo Hội cho chúng ta, như người hướng dẫn chúng ta về ngôi nhà đích thực trên Thiên Đàng. Nhưng Giáo Hội vẫn là Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội chỉ thuộc về chúng ta theo nghĩa trước tiên chúng ta thuộc về Giáo Hội với tư cách là con cái của Giáo Hội, chứ không phải là chủ nhân hay kiến trúc sư của Giáo Hội.

Trọng tâm thông điệp của Đức Gioan Phaolô II chỉ đơn giản thế này: “Con người không thể sống nếu không có tình yêu. Anh ta vẫn là một sinh vật mà chính anh ta không thể hiểu được, cuộc sống của anh ấy sẽ vô nghĩa nếu tình yêu không được bộc lộ với anh ấy, nếu anh ấy không gặp được tình yêu, nếu anh ta không trải nghiệm nó và biến nó thành của riêng mình, nếu anh ta không tham gia mật thiết vào đó. Đó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế ‘mặc khải con người một cách trọn vẹn cho chính mình’… Đó là chiều kích nhân bản của Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Trong chiều kích này [của tình yêu hy sinh] con người tìm lại được sự cao cả, phẩm giá và giá trị thuộc nhân tính của mình.” [số 10]

Thông điệp Redemptor Hominis làm nền tảng cho triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Mọi thứ trong nội dung giảng dạy tiếp theo của ngài đều được xây dựng từ văn bản này. Tất cả đều ở đó, một cách rõ ràng hay ngụ ý dưới dạng hạt giống: thực tế của sự thật khách quan, sự phụ thuộc lẫn nhau của đức tin và lý trí, sự thánh thiện của sự sống từ thai nhi đến người yếu đuối và người già, bản chất của nhân quyền và tiến bộ, ưu tiên lòng thương xót, ý nghĩa tự do của con người, phẩm giá của công việc, sự cần thiết của công bằng kinh tế, và tính trung tâm của Bí tích Thánh Thể cho cuộc sống trong Chúa Kitô.

Có sự uy nghiêm của tâm trí và tinh thần trong văn bản, sự uy nghiêm mà ngày nay đã bỏ lỡ, khiến người đọc cảm động thậm chí nhiều thập niên sau đó. Có nhiều lý do để gọi Thánh Gioan Phaolô II là “vĩ đại.” Thông điệp Redemptor Hominis chắc chắn là một trong số đó. Tôi sẽ kết thúc bằng một quan sát nhanh.

Một số suy nghĩ hấp dẫn nhất trong Thông điệp Redemptor Hominis diễn ra ở phần 15 và 16. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng những tiến bộ về công nghệ của con người rất mau chóng và ấn tượng. Nhưng sự trưởng thành về đạo đức và tư duy đạo đức của chúng ta không thể theo kịp. Do đó, sự nhiệt tình của chúng ta về quyền lực đối với thiên nhiên có thể dẫn đến những bước đi tinh tế khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chính kiến thức của mình. Công nghệ có hiệu ứng Mephistopheles. [*] Nó luôn gây ra những hậu quả không lường trước được.

Trong thời gian kể từ Thông điệp Redemptor Hominis, những thay đổi mà chúng ta đã thấy trong kỹ thuật di truyền, trí tuệ nhân tạo, công cụ giám sát, vũ khí và hàng chục công nghệ có tác động mạnh khác đã biến đổi. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những tưởng tượng xuyên nhân loại và “che khuất con người,” theo học giả Charles Rubin của Đại học Duquesne, đang trở thành những vấn đề cấp bách. Vì vậy, những thách thức chính mà Giáo Hội hiện nay phải đối mặt không phải là vấn đề môi trường hay các vấn đề về cơ cấu và tiến trình của Giáo Hội, chúng mang tính nhân loại học – nói cách khác, con người là ai và là gì.

Năm 2024 kỷ niệm 45 năm Thông điệp Redemptor Hominis. Mùa Vọng này, chúng ta cần sự khôn ngoan của thông điệp này hơn bao giờ hết. Bởi vì Hài Nhi mà chúng ta mong đợi chính là Đấng Cứu Chuộc Con Người.

FRANCIS X. MAIER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

[*] Mephistopheles còn gọi là Mephistophilus, Mephistophilis, Mephostopheles, Mephisto, Mephastophilis, và một số tên gọi biến thể khác. Đó là một ác quỷ đặc trưng trong văn hóa dân gian Đức, ban đầu nó xuất hiện trong văn học như con quỷ trong huyền thoại Faust, và sau đó xuất hiện trong một số tác phẩm khác.