Cứ đến ngày 27 tháng 6 hằng năm, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và con cái của mẹ Maria ở khắp nơi trên thế giới lại long trọng mừng kính lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lịch sử của bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu giúp gắn liền với lịch sử của Dòng Cứu Thế. Từ hơn 150 năm trước đây, Đức giáo Hoàng Piô IX đã trao bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cho các tu sĩ DCCT cùng với lệnh truyền: Hãy Làm cho thế giới biết Mẹ. Kể từ khi đó, các thừa sai DCCT dù đi đến đâu, tới bất cứ nơi nào, các ngài sẽ luôn luôn cổ võ lòng sùng kính ĐMHCG.
Nếu ai có dịp ghé qua Philippines, xin hãy ghé đến Nhà thờ Baclaran tại thủ đô Malina. Nhà thờ này được gọi là Đền Thánh Quốc Gia kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đây là một trong số những ngôi Đền thánh nổi tiếng nhất tại Philippines. Vào ngày thứ Tư hàng tuần, nơi đây có tới 10 phiên hành hương kính Đức Mẹ, bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng trải dài cho đến 7giờ30 tối. Mỗi phiên hành hương diễn ra từ 30-40 phút. Hàng ngàn lượt người, nhất là vào mỗi thứ Tư đầu tháng con số ước tính lên tới hàng chục ngàn, đã đến nhà thờ Baclaran để hành hương kính Đức Mẹ.
Hoặc nếu có điều kiện đến với Singapore, xin đừng bỏ lỡ cơ hội đến với ngôi nhà thờ có tên là Novena Church, tên tiếng Việt gọi là “Nhà Thờ Tuần Cửu Nhật”. Cái tên “Nhà Thờ Tuần Cửu Nhật” được trích từ kinh nguyện tuần cửu nhật mà chúng ta vẫn thường đọc để làm việc kính Đức Mẹ. Tại nơi đây, giờ kinh tuần cửu nhật được cử hành vào thứ bảy hàng tuần thường thu hút nhiều người trong cũng như ngoài nước tới tham dự.
Còn ở Việt Nam chúng ta, có 3 ngôi đền lớn mang tên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ấy là Đền ĐMHCG tại Thái Hà, Hà nội- tại thành phố Huế, và tại 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn. Ngoài ra còn có Đền Đức Mẹ La Mã bến tre cũng là một nơi hành hương được rất nhiều người lui tới.
Những ngôi đền này, tất cả đều được chăm sóc bởi các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Việc liệt kê một số Đền Thánh như vậy là để giúp chúng ta thấy được phần nào sự phổ quát của lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Có người thắc mắc: Vì sao vậy? Vì sao giữa bao nhiêu tước hiệu đẹp đẽ dành cho mẹ, người ta lại yêu mến Mẹ cách đặc biệt dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu giúp đến như thế. Thưa, có rất nhiều lý do để giải thích. Cha Thành Tâm trong nhà Dòng chúng con đưa ra một nguyên do như thế này:
“Nhìn lên ảnh Mẹ tay bồng Giêsu, con như chợt thấy một trời yêu thương, bao la hạnh phúc một vực sâu khoan dung, nơi ánh mắt Mẹ từ nhân biết bao!”
Vâng, bức linh ảnh có rất nhiều điểm để người ta yêu mến, năng đến cầu nguyện nhưng điểm thu hút người ta chiêm ngắm nhiều nhất, có thể nói là linh hồn của bức linh ảnh, ấy chính là đôi mắt sâu thẳm ân tình của Mẹ.
Như người ta vẫn nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhìn vào đôi mắt của Mẹ, người ta có thể cảm nhận ít nhất ba điều toát ra từ ánh mắt ấy.
Thứ nhất, ánh mắt của Mẹ hiền hòa, trìu mến, cảm thông và từ bi. Ánh nhìn của Mẹ không hướng đến Con Mẹ, Người mà Mẹ đang ôm vào lòng trên cánh tay trái của mình. Ánh mắt của Mẹ lại qui hướng về phía chúng ta, về phía thế giới nơi chúng ta đang sống.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trình bày cảm nhận của ngài về ánh mắt của Đức Maria như thế này: “Ánh mắt của Mẹ tiếp nối ánh mắt của Chúa Cha, Đấng đã nhìn Mẹ như một trẻ thơ và ban cho Mẹ thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa; ánh mắt mà Mẹ đang nhìn chúng ta cũng chính là ánh mắt của Chúa Con từ thập giá, từ nơi mà Ngài đã trăn trối Mẹ làm Mẹ nhân loại.” Sau đó, ngài nói thêm rằng “ánh mắt của Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nhìn nhau theo một cách khác. Chúng ta học được cách thế để trở nên con người hơn, bởi vì mẹ nhìn chúng ta. Chúng ta học cách nhìn thấy chính mình trong ánh mắt của Mẹ, trở thành ánh mắt của sự tìm kiếm để cứu vớt, đồng hành và bảo vệ.”
Thứ hai, chúng ta nhìn vào ánh mắt mẹ sẽ thấy đây là một ánh mắt nghiêm nghị, kiên quyết. Ánh mắt mẹ rất nhân ái dịu hiền, nhưng mà lại hết sức nghiêm nghị và đòi hỏi chúng ta phải thoát ra khỏi cái tội lỗi, thoát ra khỏi u mê, thoát ra khỏi cái bóng tối, chứ không phải như những bà mẹ dỗ dành nuông chiều con cái: ối trời ôi con của mẹ, thôi không sao đâu con, rồi mẹ lo cho con thế này thế kia. Không, Mẹ rõ ràng là thương yêu cứu giúp chúng ta nhưng không hề dễ dãi nuông chiều.
Thứ ba, nhìn kỹ nữa, chúng ta thấy ánh mắt mẹ có thoáng một chút buồn. Hình như ánh mắt của người mẹ nào trên trần gian này cũng buồn, bởi vì không có bà mẹ nào mà không gặp đau khổ. Hết đau khổ với chồng, lại đau khổ với con, rồi thậm chí là đau khổ với cháu. Vâng, thật đúng là vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ, để con vui, mẹ gánh hết đau buồn. Con dù lớn vẫn là con của Mẹ, đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.
Mẹ của chúng ta ở đời còn như thế, huống chi là Mẹ Maria. Hỏi tại sao mẹ buồn? Thưa, Ta có thể hiểu được. Cả mấy ngàn năm nay rồi, mẹ hiện ra ở khắp nơi trên thế giới. Mẹ để lại cho chúng ta bao lời mời gọi. Mẹ nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Giê-su. Chẳng hạn ở Fatima, Mẹ nhắn nhủ con cái mẹ hãy ăn năn đền tội, sám hối canh tân đời sống. Vậy mà thế giới này vẫn còn loạn lạc, xung đột, anh em tranh chấp bất hòa, vợ chồng đổ vỡ, con cái bất hiếu, và cha mẹ vô trách nhiệm.
Giống như trong tiệc cưới tại Cana, chúng ta vẫn đang ở trình tình trạng “thiếu rượu” đấy. Và Mẹ vẫn đang tiếp tục tha thiết nói với Giê-su, con của Mẹ rằng: con ơi họ hết rượu rồi. Con ơi Hội Thánh ở chỗ này, chỗ kia hết rượu rồi. Con ơi, linh mục này, bà sơ kia, giáo dân nọ hết rượu rồi. Như năm xưa, nhờ lời mẹ can thiệp, mà Chúa Giê-su đã làm phép lạ nước hóa thành rượu, thì hôm nay đây, chạy đến với Mẹ Hằng Cứu giúp, chúng ta xin Chúa lại hóa nước thành rượu, để chúng ta được dư tràn ân tình, ân nghĩa và lòng thành tín, cậy trông hơn nữa.
Mỗi lần nhìn lên linh ảnh của Mẹ, lòng người ta được cảm thấy sự bình an, che chở. Mẹ như mời gọi con cái của mình chạy đến với mẹ không chỉ những lúc bình an, những khi cuộc đời êm trôi đã đành, nhưng càng những lúc sóng gió, những lúc gian nan thử thách, chúng ta lại càng cần chạy đến nương nhờ, khép mình bên tà áo chở che của mẹ hơn nữa.
Lạy mẹ Maria, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con mình cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.
Duc Trung Vu, CSsR
Cùng ngồi xuống và cảm nhận (1): Bức tranh Truyền tin của Henry Ossawa Tanner