Cùng ngồi xuống và cảm nhận (2): Bức tượng Pietà

Đức Mẹ Sầu Bi- của Michelangelo.

Bức tượng này được biết đến với tên gọi là tượng “Đức Mẹ Sầu Bi,” mô phỏng theo bản nguyên gốc Pietà của Michelangelo. Nếu ai có dịp qua Rôma, viếng đền thánh Phê-rô, sẽ thấy bức tượng được tạc bằng đá hoa cương, có tuổi đời hơn 500 năm tuổi được đặt trang trọng trong Đền Thánh.

Bức tượng này chẳng những là một tác phẩm điêu khắc xuất sắc, nhưng quan trọng hơn, nó diễn tả được rất nhiều điều về sự bình an và niềm hi vọng của người tín hữu khi đứng trước những đau khổ, mất mát trong cuộc đời.

Thường thì khi vẽ về khoảnh khắc đau buồn khi Đức Maria ôm thi hài Chúa Giêsu vừa gỡ xuống từ thập giá, các họa sĩ đương thời với Michelangelo luôn tập trung diễn tả sự bi thương, thống thiết của Đức Ma-ri-a trước cái chết oan khiên, tức tưởi của Giê-su, con mình.

Tuy nhiên, nếu chiêm ngắm bức tượng của Michelangelo, chúng ta sẽ có một cảm nhận khác biệt. Tên của bức tượng là Đức Mẹ Sầu Bi, tuy vậy tôi vẫn thấy sầu thì có nhưng bi thương ai oán thì không. Nói cách khác, có buồn đau nhưng không có sầu thảm. Trái lại, bức tượng lại gợi cho chúng ta một cảm giác thanh thản đến lạ lùng.

Có được cảm xúc này là do những nét trạm trổ tài hoa của người nghệ nhân khiến bức tượng trở nên chân thực tới mức tưởng chừng như Chúa và Đức Mẹ đang xuất hiện trước mắt chúng ta như người thật vậy.

Cụ thể, cánh tay Chúa Giê-su thả lỏng buông bỏ. Khuôn mặt Ngài thanh thản, yên bình như đang say giấc ngủ hơn là bị bầm dập, loang máu sau nhiều giờ bị tra tấn đầy đau đớn.

Về Đức Ma-ri-a thì có ba điểm đáng chú ý. Trước hết, Ngài có vẻ trẻ hơn, như chỉ mới đôi mươi chứ không phải là một người phụ nữ lớn tuổi ở thời điểm diễn ra cuộc Thương Khó. Đức Mẹ được thể hiện trẻ trung vì hai lý do: Thứ nhất, Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả các vẻ đẹp và Maria là một trong những người thân cận nhất với Thiên Chúa; thứ hai, người nghệ nhân thể hiện vẻ đẹp bên ngoài nhằm ẩn dụ cho vẻ đẹp nội tâm của Ma-ri-a.

Thứ đến, khi nâng đỡ Chúa Giê-su, đôi bàn tay của Đức Ma-ri-a không tiếp xúc trực tiếp với thân thể của Chúa Giê-su, nhưng thay vào đó, được bao phủ bởi một miếng vải. Điều này cho thấy sự thiêng liêng của thân thể Chúa Giê-su. Tay phải Đức Mẹ nâng nhẹ thân hình mảnh dẻ của Chúa. Tay trái của Mẹ đưa ra, hướng về phía người xem, như muốn trao ban người con yêu dấu của mình tới toàn thể nhân loại.

Trên hết, chúng ta ngạc nhiên trước sự tĩnh lặng trên khuôn mặt của Đức Ma-ri-a, dù Mẹ đang ôm lấy di hài của người con dấu yêu đã chết cho tội lỗi của con người. Đức Ma-ri-a dường như rất bình thản, bất chấp những đau thương đã xảy ra. Ta có cảm giác như được nhìn thấy hình ảnh người Mẹ đang ru trẻ thơ đi vào giấc ngủ an bình.

Nơi Đức Ma-ri-a toát lên sự toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi, không có một chút nào gọi là uất hận, cay đắng. Đó là sự thánh thiện, từ bi của một con người đã nhìn thấu mọi sự, đã hiểu rõ đây là cái giá phải trả của ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang lại cho con người.

Cuộc sống của con người ta trên trần gian này có rất nhiều khó khăn thử thách. Người ta nói “đời là bể khổ.” Đau khổ vì bệnh tật, vì bất công, vì thiên tai, vì cả nhân tai nữa. Đời sống của người tin theo Chúa cũng là một chuỗi ngày rèn thử, cho nên chúng ta đừng ngã lòng khi những sự khó xảy đến. Nếu ai đó nghĩ rằng theo Chúa thì Chúa giải quyết hết mọi nan đề cho mình, Chúa ban cho mọi sự, để mình trở nên giàu có trước con mắt thế gian thì đó là sai rồi, bởi đây không phải là mục đích cao cả của những người tin theo Chúa Giê-su. Chúng ta tin Chúa không phải là để xóa hết mọi sự khó khăn, nhưng là trong mọi sự, dù là buồn hay vui, chúng ta luôn thấy có Chúa đồng hành, có Chúa ở cùng, và mình không cô đơn, lạc lõng giữa muôn trùng con sóng đang bủa vây.

Khi chiêm ngắm Đức Ma-ri-a dưới tước hiệu Đức Mẹ sầu bi, chúng ta một lần nữa cũng được mời trở nên bình an, mang nơi mình niềm hy vọng vào Thiên Chúa khi đối diện trước những khó khăn trong cuộc đời, để nhưng nỗi khổ đau không thể làm xơ cứng và bóp chết con tim ngập tràn yêu mến và hy vọng của chúng ta. Amen

Duc Trung Vu, CSsR

Cùng ngồi xuống và cảm nhận (1): Bức tranh Truyền tin của Henry Ossawa Tanner