Đi đại phúc nghĩa là sao? Ghi chép về kỳ đại phúc ở Kalandagan (3)

Đại phúc là công tác tông đồ đặc trưng riêng biệt của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây đó cũng có nơi này nơi kia lấy lại mô hình đoàn đại phúc để áp dụng nhưng hầu như chỉ dừng lại ở mức độ tĩnh tâm tập thể và có nhiều cha giải tội cùng một lúc. Họ gọi đó là đại phúc, nhưng tôi thấy đại phúc của Dòng Chúa Cứu Thế thì không chỉ dừng lại ở việc giải tội tập thể mà thôi.

Nếu được phép so sánh, đại phúc có thể ví như một cuộc linh thao dành cho người dân quê. Đối tượng hướng đến của đại phúc là số đông những người bình dân, những người nguội lạnh, những người mà cả đời chưa từng được một linh mục hay tu sĩ tới thăm, hỏi chuyện. Họ chính là số đông đảo những người nghèo, vốn là gia tài của giáo hội. Những con người ấy rất cần đến sự quan tâm, ghi nhận và viếng thăm của những con người đại diện cho Hội Thánh mà nhờ đó đức tin của họ được làm mới, hâm nóng lại ngọn lửa nhiệt thành. Nếu dùng đúng ngôn ngữ riêng của Dòng Chúa Cứu Thế thì đây chính là những con người bị bỏ rơi hơn hết.

Đại phúc là từ dịch từ “Mission” tiếng Anh. Mission có nhiều hàm nghĩa. Chẳng hạn, đó có thể là sứ vụ, là giáo điểm, là truyền giáo. Cá nhân tôi thấy dịch mission là đại phúc thì hay hơn trong bối cảnh linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Đại là lớn, phúc là ơn lành. Đại phúc chính là biến cố ơn lành trọng đại từ Trời Cao đổ xuống trên giáo xứ, giáo điểm nơi mà đoàn đại phúc đợi mời gọi bước tới (Đạo phúc của người Công Giáo đó chính là Chúa Giêsu, ơn cứu độ và sự sống của Người).

Tôi liên tưởng đến những ngôi nhà người Hoa thường treo trước cửa nhà chữ Phúc đảo ngược, với ước mong Phúc bởi trời ngự đến. Phúc đảo đồng âm với phúc đáo. Đáo nghĩa là đến. Đại phúc còn hơn cả thế nữa.

Tùy vào từng quốc gia, văn hoá và phong tục mà đại phúc được thực hiện trong thời gian ngắn dài khác nhau. Ở Việt Nam, mỗi kỳ đại phúc thường kéo dài trong 1 tuần, tập trung vào hai dịp là Mùa Chay và Mùa Vọng.

Ở Indonesia, thời gian đại phúc dài hơn. Có khi là một, hai cho tới 6 tháng. Ở Philippines, kỳ đại phúc ở mỗi giáo điểm luôn kéo rất dài có khi tới cả một năm.

Lần này vì đi đại phúc ở Kalangdagan chúng tôi gói gọn trong vòng tháng 5 và kéo dài tới đầu tháng 6. Lí do vì nơi này sẽ không có tàu bé qua lại trong nhiều tháng sắp tới do thời tiết không thuận lợi, mưa bão và biển động. Cha xứ sẽ không thể viếng thăm được trong khoảng thời gian này.

Đoàn đại phúc của chúng tôi có 9 thành viên, gồm 3 linh mục, 2 nữ tu, 2 thầy khấn tạm, 1 thầy dự tập và một thừa sai giáo dân.

Nói về công việc trong thời gian đại phúc thì có rất nhiều mảng khác nhau. Chúng tôi lên lịch xen kẽ các hoạt động để sau thời gian lưu lại nơi này, những mục tiêu căn bản đề ra sẽ được hoàn thành. Một vài công tác tông đồ căn bản sẽ được tôi kể lại chi tiết trong những bài tiếp theo, ví dụ như thăm viếng các gia đình, phổ biến lòng yêu mến Đức Mẹ, làm mới lại tinh thần của các hội đoàn, giải tội và cử hành các bí tích.

Sau kì đại phúc ở Kalandagan chúng tôi sẽ tiếp tục đi tiền trạm ở một hòn đảo khác cách đây khoảng 6 tiếng chạy thuyền. Ở đó, đoàn sẽ lưu lại trong thời gian một năm để giúp giáo phận củng cố, sắp xếp và xây dựng các cộng đoàn.

Những cuộc đại phúc này được tổ chức liên tục và thường xuyên theo kế hoạch chung của phụ tỉnh Manila. Trong 4 năm tới dưới nhiệm kỳ của tân giám phụ tỉnh, đoàn đại phúc này sẽ tạp trung mọi nỗ lực và hoạt động vào vùng nói tiếng Tagalog ở phía Nam của Miền Bắc Philippines.

Khi đang viết những dòng này, Kuya Jonathan mời tôi tới phía sau nhà nguyện Truyền Tin để xem chiếc máy phát điện mà cha John Nguyen nào đó đã quyên tặng cộng đoàn nơi này. Chiếc máy phát điện cỡ nhỏ nhưng thật hữu dụng và sinh lợi ích cho sinh hoạt của nhà nguyện.

Tôi đoán ông trùm trẻ của Kalandagan muốn nhắn nhủ điều gì đó với mình. Mong rằng nếu sau này có thể, ngôi làng này sẽ trở thành một phần trong cuộc đời thừa sai của tôi.

Mong là như vậy.

Vu Duc Trung, C.Ss.R