Dòng Tên kêu gọi bảo vệ người tị nạn ở Anh

Tổ chức trợ giúp người tị nạn của Dòng Tên (JRS) tại Vương quốc Anh nhắc lại lời kêu gọi bảo vệ người tị nạn khi chính phủ công bố các kế hoạch khiến cho việc tị nạn đang trở nên bất khả thi.

Hôm thứ Tư vừa qua, bốn người đã chết đuối trên eo biển Anh khi một chiếc thuyền nhỏ chở đầy người di cư bị lật trong vùng nước băng giá giữa Anh và Pháp. 43 người được cứu sống, trong đó có hơn 30 người được vớt lên từ biển.

Thảm kịch xảy ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố các kế hoạch mới về luật ngăn chặn người di cư xin tị nạn. Ông Rishi Sunak cũng nói về việc áp đặt các lệnh từ chối đối với người Albania đang xin tị nạn và cho biết những người đến Vương quốc Anh bất hợp pháp sẽ nhanh chóng bị giam giữ và gửi trả lại.

Tổ chức trợ giúp người tị nạn của Dòng Tên tại Vương quốc Anh cho biết, thông báo nàycủa ông Rishi Sunak là thông báo mới nhất trong một loạt các kết quả nhằm trừng phạt những người tị nạn về cách họ di chuyển, tạo ra các rào cản đối với việc tị nạn và gia tăng những khó khăn mà người di cư và người tị nạn phải đối mặt.

Ngay sau thông báo của Thủ tướng Anh vốn khiến cho việc tị nạn trở nên bất khả thi, bàMegan Knowles, Phó Giám đốc tạm thời của JRS tại Vương quốc Anh phát biểu: “kế hoạch này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và là một bi kịch hoàn toàn có thể tránh được, điều này đang khiến nhiều người trong chúng ta vô cùng đau buồn.”

Bà Megan bác bỏ những đề xuất của chính phủ và cho rằng những đề xuất này xuất phát từ “quan điểm sợ hãi”. Bà cũng chỉ trích quan điểm coi người tị nạn và những người tìm kiếm nơi trú ẩn là “căn bệnh của đất nước, và là điều mà đất nước cần chống lại.” “Những bức tường cao hơn, việc kiểm soát và bỏ tù những người tìm kiếm sự an toàn sẽ không ngăn được họ thực hiện những hành trình nguy hiểm khi họ không còn lựa chọn nào khác.”

Trong tuyên bố của mình sau thông báo của Thủ tướng hôm thứ Ba, Tổ chức trợ giúp người tị nạn của Dòng Tên tại Anh lưu ý rằng các quốc gia có nhiều người vượt biên bằng thuyền nhỏ bao gồm: Afghanistan, Eritrea, Syria và Iran, tất cả đều là những quốc gia có xung đột và thiếu tự do.

Chào đón người tị nạn

Trái với quan điểm của chính phủ, bà Megan cho biết các Giáo hội và các cộng đồng địa phương ở Vương quốc Anh vẫn thể hiện sự chào đón và lòng hiếu khách đối với những người tị nạn trong cộng đồng của họ.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng đó là điều mà chính phủ Vương quốc Anh có thể học hỏi, nếu họ nhìn vào những gì thực sự hoạt động trong cộng đồng và họ lắng nghe những người thực hiện những điều đó, và hỗ trợ những sáng kiến đó.”

Bà Megan cho biết thêm rằng các kế hoạch của tổ chức là tiếp tục vận động hành lang chính phủ và chia sẻ thông điệp mời gọi mọi người chào đón để bảo vệ, thúc đẩy, hòa nhập những anh chị em đang gặp khó khăn.

Hiếu khách hơn là thù địch

Bà Megan cũng nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi muốn làm trong tương lai và bắt đầu từ bây giờ, là làm việc nhiều hơn nữa trong các cộng đồng để thấy được lòng hiếu khách, thay vì sự thù địch,” và thực sự xây dựng điều đó bằng cách làm việc cùng nhau và cuối cùng là có thể đề nghị lên chính phủ.

Cuối cùng, bà bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người “đang thể hiện lòng hiếu khách và sự hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày đối với những người tị nạn và tất cả những người dễ bị tổn thương.” “Đó là cách duy nhất mà chúng tôi có thể cho chính phủ quốc gia thấy rằng việc ngăn cản người tị nạn không phải là điều chúng tôi muốn.”

Văn Cương, SJ – Vatican News