Trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh kính lòng Chúa thương xót, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã, luôn chờ chúng ta dâng những đau khổ cho Người. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác về thứ virus nguy hiểm trong thời gian này, đó là virus dửng dưng ích kỷ, bỏ người khác lại đàng sau và chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Ngài mời gọi cùng nhau xây dựng thế giới mới khi thương xót những người nghèo khổ nhất.
Vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 19/04/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót tại đền thánh Lòng Chúa Thương xót ở khu vực Sassia của Roma.
Giống như những Thánh lễ trong Tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua, trong Thánh lễ hôm nay cũng không có giáo dân tham dự, ngoài một số ít người như 4 ca viên của ca đoàn giáo phận Roma và một thầy giúp lễ.
Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, là người phụ trách về linh đạo lòng Chúa Thương xót; và Đức ông Josef Bart, quản đốc đền thánh.
Lòng thương xót của Chúa là khởi nguồn sự phục sinh của môn đệ
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa Giêsu Phục Sinh đối với “sự phục sinh” của người môn đệ. Dù đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh, nhưng một tuần lễ sau, các môn đệ vẫn sợ hãi, vẫn ở trong nhà đóng kín cửa. Trước sự sợ hãi cứng lòng tin của các ông, Chúa Giêsu đã bắt đầu lại từ đầu. Người đến, đứng giữa họ như lần đầu, cùng câu nói “bình an cho anh em!” Đức Thánh Cha nhận xét: “Sự phục sinh của người môn đệ bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ việc khám phá ra rằng Thiên Chúa không mệt mỏi đưa tay nâng chúng ta đứng dậy trong những lần chúng ta vấp ngã.”
Chúa biết chúng ta luôn vấp ngã và Người luôn sẵn sàng nâng chúng ta đứng dậy
Đức Thánh Cha giải thích rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thấy Người là người Cha, luôn nâng chúng ta đứng dậy. Mỗi khi chúng ta, như đứa bé chập chững tập đi, té ngã, rồi lại té ngã, thì Chúa lại nâng chúng ta đứng lên. Bàn tay nâng chúng ta đứng dậy chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa biết chúng ta không ngừng vấp ngã và Người sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên. Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu: “Chúa không muốn chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về những vấp ngã của mình, nhưng muốn chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng nhận ra những đứa con cần được nâng dậy trong những lần té ngã, nhìn thấy những đứa con cần được yêu thương và thương xót trong đau khổ.” Và Đức Thánh Cha mời gọi hãy tin tưởng đón nhận sứ điệp Chúa Giêsu đã nói với thánh Faustina: “Ta là tình yêu và cũng là lòng thương xót; không có đau khổ nào có thể so sánh với lòng thương xót của Ta” (Nhật ký 14/09/1937).
Chúa chờ đợi ta dâng những đau khổ cho Người
Chúa Giêsu muốn thánh Faustina dâng cho Người sự đau khổ, điều thực sự là của chính chúng ta. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tôi đã dâng cho Chúa đau khổ của tôi chưa? Tôi có cho Người thấy những lần tôi vấp ngã để Người nâng tôi dậy không? Hay là có điều gì đó tôi còn giữ trong lòng? Một tội lỗi, một sự hối hận về quá khứ, một vết thương trong lòng, bất hòa với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể … Chúa chờ đợi chúng ta mang đến cho Người những đau khổ của chúng ta, để Người giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Người.”
Liên kết với thử thách mà chúng ta đang sống, Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta cũng như Tôma, với sự sợ hãi và nghi ngờ của chúng ta, chúng ta nhận ra mình yếu đuối. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể thay thể nơi chúng ta bên trên những yếu đuối của chúng ta.
“Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau”
Chúa đã đợi thánh Tôma, người đến sau. “Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau.” Đức Thánh Cha nhắc rằng trong đại dịch này chúng ta có nguy hiểm là quên những người bị bỏ lại đàng sau. Có một thứ virus nguy hiểm hơn, đó là tính ích kỷ dửng dưng. Người ta lấy mình làm tiêu chuẩn: điều gì tốt cho mình thì là tốt, từ đó họ đi đến việc chọn lựa và loại trừ người nghèo, hy sinh những người thụt lùi trên bàn thờ của sự phát triển. “Thật ra, đại dịch này nhắc chúng ta rằng không có sự khác biệt và biên giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mỏng dòn yếu đuối, bình đẳng và quý giá. Điều đang xảy ra đánh động chúng ta từ nội tâm: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, hàn gắn sự bất công.”
“Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh”
Đức Thánh Cha nhận định rằng khi Chúa sống lại, chỉ có một người đến sau còn những người khác thì chờ người này. Nhưng ngày nay chỉ có một phần nhỏ của nhân loại tiến bước trong khi quá nhiều người bị bỏ lại đàng sau. Ai cũng có thể cho rằng việc chăm sóc người nghèo không phải là nghĩa vụ của mình, mà là của người khác. Nhắc lại lời thánh Faustina: “Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chứ không phải là một ký sinh trùng, một gánh nặng”, Đức Thánh Cha mời gọi đón nhận đại dịch như cơ hội để chuẩn bị tương lai cho tất cả. “Bởi vì không có một hướng nhìn chung thì sẽ không có tương lai cho ai cả.” “Chỉ khi chúng ta thương xót những người yếu đuối nhất thì chúng ta mới xây dựng một thế giới mới.”
Hồng Thủy – Vatican