Cộng đoàn di dân dự lễ thân mến,
Đại lễ Di Dân năm nay được cử hành cách trọng thể, trong ba buổi tối, với chủ để: “Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, người xa quê ra đi loan báo Tin Mừng”. Thánh lễ khai mạc tối hôm nay cầu cho công cuộc Phúc Âm hoá trên quê hương đất nước chúng ta. Tôi xin trình bày 3 điểm để kêu gọi anh chị em thực hành sứ mạng này xét như là những người di dân.
1. Điểm thứ nhất: Chúng ta hẳn đã biết sứ mạng loan báo Tin Mừng không chỉ của các thừa sai, linh mục, tu sĩ hay dòng truyền giáo…, mà là của mọi tín hữu, khởi đi từ lệnh truyền của Chúa “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thánh Phaolô như gào to lên rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Mọi kitô hữu không phân biệt nam nữ, lớn bé, già trẻ, có học hay ít học, đi tu hay lập gia đình, ở thành phố hay thôn quê…, đều tham gia vào sứ mạng này.
a. Khía cạnh thứ nhất: Trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong nghịch cảnh, kit ô hữu vẫn có thể loan báo Tin Mừng. Thánh Phalô ở trong tù viết cho môn đệ Timothê như sau: “Cha khuyên con hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…, với tất cả lòng nhẫn nại…Con hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng” (2Tm 4,1-5).
– Các thánh Tử Đạo Việt Nam, dù bị tù đày, bị tra tấn, chờ án tử, vẫn không thôi loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh rao giảng Tin Mừng bằng cách tôn vinh Thánh Giá. Ở chỗ nào, ngài cũng khắc vẽ hình Thánh Giá, làm Thánh Giá treo lên, đến nỗi người ta nói: “Ông cụ này nghiện Thánh Giá”. Thánh Schoeffler Đông trong tù vẫn giảng Đạo khiến nhiều lính canh cảm mến Đạo. Có một anh lính ngỏ ý xin theo Đạo, ngài nói: “Khi nào tôi bị xử rồi, tôi sẽ nhớ đến anh, và nếu anh muốn hạnh phúc thật thì tìm nơi nào có Đạo mà tin theo.” Người lính này sau đó đã xin chịu phép rửa tội, lập gia đình, sống đạo hạnh.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng thế, ở trong tù ngài giảng giải giáo lý cho cán bộ, và cảm hoá được nhiều người. Ngài thuật lại câu chuyện như sau trong cuốn sách “ Năm chiếc bánh và hai con cá”:
“Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi: Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.
Tôi tin long thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Đức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã nhận được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ lung nữa là lời lẽ của ông như sau:
“Anh Thuận than mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chúa Nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.
Đó là loan báo Tin Mừng rồi. Loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm Hoá là làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào cuộc sống người tín hữu và thấm nhập vào đời sống xã hội, như muối-mem-ánh sáng, chứ không hẳn phải là theo đạo. Việc theo đạo là việc của người đó với Chúa. Chúa có ban ơn thì họ mới có đức tin. Phần chúng ta, hãy sống thế nào để đời sống của chúng ta trở thành Phúc Âm, làm theo Lời Chúa dạy trong Phúc Âm.
b. Khía cạnh thứ hai: Tuổi nào cũng có thể thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta có ngờ đâu một em bé nhỏ xiú mà đã loan báo Tin Mừng có kết quả. Câu chuyện sau đây do cha Piô Ngô Phúc Hậu kể: Có một em bé học Mầm non, bé thỏ thẻ với cô giáo: “Cô ơi, em thương cô lắm. Đêm nào em cũng cầu nguyện cho cô”. Cô giáo hỏi: “Em cầu cho cô điều gì?” – “ Thưa cô, em xin Chúa cho cô đẹp, cho cô dễ thương hoài hoài”. Cô giáo thích lắm, và khi mẹ bé đến đón, bé xin mẹ mời cô giáo đến nhà chơi. Bà mẹ đồng ý, thế là cô đến thăm gia đình bé. Dần dần, giữa cô giáo và mẹ em bé có mối thiện cảm, quý hoá lẫn nhau. Một hôm bé nói với cô: “Em muốn mời cô đi lễ Chúa nhật với em”. Cô đồng ý. Chúa nhật đó, em tung tang đến nhà thờ, tay trong tay mẹ và cô giáo . Nhờ đi lễ, cô giáo cảm mến Chúa, và cô theo đạo. Qua câu chuyện này, ta tự hỏi chẳng lẽ người lớn chúng ta lại thua kém một em bé thơ ngây trong việc thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng sao?
2. Điểm thứ hai: Hoàn cảnh di dân là cơ hội tốt để loan báo Tin Mừng. Thưa anh chị em, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà anh chị em buộc phải rời gia đình đến thủ đô để làm ăn. Tôi mong rằng, giữa cuộc sống vất vả cơ cầu ở đây, anh chị em vẫn giữ được đức tin và lòng đạo, đừng mải kiếm tiền mà lơ là kinh tế. Đồng thời, tôi cũng mong anh chị em, ngay trong cảnh sống di dân ở thủ đô Hà Nội này, không quên trách nhiệm loan báo Tin Mừng, để người lương dân biết và tin Chúa.
– Ngày xưa, thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu ở Palestina, để tránh cơn bách hại đạo, đã đi đến Tiểu Á, Hy Lạp, La Mã. Nhờ việc di dân đó mà đạo Công giáo đã lan rộng khắp đến quốc La Mã. Hôm nay cũng thế, việc anh chị em di dân kinh tế cũng là cơ hội để đạo được lan truyền, còn hơn là túm tụm trong các họ đạo như ở Bùi Chu, Thái Bình, Phát Diệm.
– Thờ các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mở mang thuộc địa ở Châu Á như Ấn Độ, Trung Hoa, người ta có câu châm ngôn: “Hương liệu, hạt tiêu và các linh hồn”, nghĩa là họ vừa đi tìm lợi qua việc chiếm đất đai và làm ăn buôn bán, nhưng họ cũng mang Tin Mừng đến các nước Châu Á.
3. Khía cạnh thứ ba: Anh chị em loan báo Tin Mừng bằng cách nào? Dĩ nhiên trước hết là bằng cách nói về Chúa, về Đạo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng người Công giáo Việt Nam, do điều kiện khách quan và chủ quan, ít hiểu biết Lời Chúa và giáo lý. Cái này thật đáng ngại. Ít hiểu biết về Chúa, về Đạo, thì ít mến Chúa, dễ mất đức tin hoặc niềm tin bị lệch lạc thành ra mê tín dị đoan, và không thể mạnh dạn nói về Chúa được. Vì thế, xin anh chị em cố gắng tham dự các khoá giáo lý, đọc Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện để Phúc Âm hoá chính mình, rồi mới mong nói về Chúa, về Đạo cho anh chị em lương dân.
Có một cách khác cũng hữu hiệu, đó là làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống kit ô hữu tốt lành của anh chị em. Xã hội chúng ta hiện nay thật đảo điên, làm con người mất phương hướng, không còn khao khát đi tìm Đấng Chân Thiện Mỹ để chạy theo danh lợi thú. Người ta sẵn sang dùng bạo lực, dối trá, giant ham, lừa đảo… để trục lợi bất chính…Còn tín hữu chúng ta thì được Chúa dạy: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,13-16), là “men trong bột” (Mt 13, 33). Thánh Phêrô khuyên: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, an hem hãy chiếu sang như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Người kitô hữu sống lương thiện chứ không bất lương, sống tử tế chứ không sa đoạ, sống cao thượng chứ không nhỏ mọn, sống yêu thương chứ không oán thù. Thưa anh chị em, đó là Phúc Âm Hoá, là rao giảng Tin Mừng rồi vậy.
Chúng ta không bi quan về xã hội Việt Nam hôm nay, vì vẫn còn những con người cao thượng, tử tế, tốt lành, tha thứ, biết trả lại món tiền kếch xù ai đó đánh rơi, biết nâng đỡ chia sẻ tinh thần và vật chất với người túng thiếu, biết an ủi người sầu khổ thất vọng, thương yêu chăm sóc người bệnh, cơ nhỡ…. Người tín hữu Công giáo khi sống theo giáo huấn của Tin Mừng theo Tám Mối Phúc Thật, theo kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối thì đang nên thánh theo Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan” về việc nên thánh trong thế giới hôm nay, vừa góp phần loan báo Tin Mừng.
Tôi chỉ dám mong ước nơi anh chị em điều này, là mỗi người hãy cố gắng bằng lời nói, bằng cách sống đạo thật tốt đẹp, đưa được một người đến với Chúa, với Giáo Hội.
Cha ông chúng ta đã dám chết và để làm chứng cho niềm tin vào Chúa và góp phần loan báo Tin Mừng, theo câu nói thời danh của Tertulianô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các kitô hữu”, phần chúng ta, hãy sống thế nào để làm chứng cho niềm tin vào Chúa, và nhờ đó, làm cho Giáo Hội Việt Nam tăng trưởng thêm đông, thêm vui, thành một cây nho xum xuê hoa trái. Amen.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giáo mục Phụ tá Hưng Hoá