Khi được bổ nhiệm vào Hội đồng Hồng y của Đức Phanxicô ngày 15 tháng 10 năm 2020, Hồng y Dòng Capuxinô Fridolin Ambongo, 60 tuổi, chỉ trong vòng một năm đã trở thành nhân vật quan trọng trong chính phủ của Giáo hội hoàn vũ. Tổng giám mục giáo phận Kinshasa, nước Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ là tiếng nói cho người dân Congo bị tổn thương qua nhiều thập kỷ xung đột.
cath.ch, 2020-10-16
Hồng y là người bảo vệ trung thành cho nhà nước pháp quyền ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Đức Phanxicô vừa bổ nhiệm Hồng y Fridolin Ambongo vào Hội đồng Hồng y với nhiệm vụ giúp ngài lãnh đạo công cuộc cải cách Giáo triều.
Việc bổ nhiệm một giám chức người Congo là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng của Đức Phanxicô vào người đã không mệt mỏi là tiếng nói cho dân tộc của mình bị vùi dập trong đau khổ. Chắc chắn đây cũng là lý do Rôma muốn duy trì sự cân bằng trong nhóm các hồng y từ khắp nơi trên thế giới. Đại diện châu Phi duy nhất và là người nói tiếng Pháp duy nhất có mặt ở Hội đồng, Hồng y Ambongo giữ vị trí của người tiền nhiệm của ngài ở Kinshasa, Hồng y Monsengwo bị bỏ trống từ năm 2018 vì đến tuổi hưu.
Sự thăng tiến của Hồng y đã tăng nhanh trong ba năm vừa qua. Ngài được Đức Gioan Phaolô II phong giám mục năm 2004 khi 44 tuổi, năm 2010 ngài ở trong Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Congo.
Từ đầu năm 2018, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của giáo phận Kinshasa để hỗ trợ Hồng y Monsengwo sắp rời nhiệm vụ và sẽ thay thế ngài sau này. Tháng 11 năm 2018, ngài về tòa giám mục của thủ đô. Trong công nghị tháng 10 năm 2019, ngài được Đức Phanxicô phong hồng y. Ngài cho biết đã ngạc nhiên trước quyết định này và xem quyết định này như một khích lệ để Giáo hội tiếp tục sứ mệnh mục tử của mình, mang tiếng nói đến cho một dân tộc không có tiếng nói.
“Congo rơi vào tay kẻ cướp”
Hồng y Ambongo là con của một người chặt cây cao su, từ rất sớm ngài đã đưa công lý vào chương trình làm việc của mình. Trong một đất nước bị ảnh hưởng nặng vì sự khốn cùng về xã hội, kinh tế và sinh thái, nhà thần học đạo đức này đã nổi bật qua các cuộc chiến chống lại giai cấp chính trị gia, cùng với các cường quốc kinh tế quốc tế, chiếm đoạt nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Trong Đêm Chứng tá năm 2019 do Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tổ chức, ngài lên án “Congo đã rơi vào tay kẻ cướp.”
Không đứng về phía “những kẻ săn mồi” khai thác đất nước, Giáo hội đã chọn đứng về phía người dân của mình, trong đường hướng suy nghĩ của Đức Phanxicô. Một đường hướng thành hiện thực vì Giáo hội công giáo bù đắp cho các thiếu sót của Nhà nước. Vì thế một nửa cơ cấu y tế và giáo dục của đất nước được giao cho Giáo hội quản lý.
Đối thủ vững mạnh của chế độ Kabila
Là người phản đối mạnh mẽ chế độ của tổng thống Kabila (trị vì từ năm 2001 đến năm 2019) Hồng y lao vào cuộc chiến trong lần bầu cử dân chủ năm 2019. Nhưng vô ích. Trước đó ngài đã lên án việc “phủ nhận sự thật” sau một cuộc bỏ phiếu dẫn đến việc bầu chọn ông Felix Tshisekedi trong các điều kiện đáng ngờ.
Ngay hôm sau thất bại này, vị tổng giám mục trẻ đã biện minh trên báo Figaro, rằng Giáo hội cần phải đứng lên chống lại nước Cộng hòa Dân chủ Congo như một thế đối lập: “Đối diện với một dân tộc bị bỏ rơi, bị bỏ mặc tự xoay xở, dù nước Congo có tài nguyên phong phú, Giáo hội đã hành xử như người Samaritanô nhân hậu, cứu giúp người bị thương ở bên vệ đường, cứu một dân tộc đang kêu cứu”.
Một hình ảnh gần gũi với Đức Phanxicô mà trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti mới nhất của ngài, ngài đã dành trọn một chương để nói về hình ảnh người Người Samaritanô nhân hậu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch