Phát biểu trong Phiên họp toàn thể cuối cùng của Hội nghị cấp cao vì hòa bình ở Ucraina được tổ chức tại Thụy Sĩ vào ngày 15-16/6/2024, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhắc lại xác tín của Đức Thánh Cha rằng cách thức duy nhất có thể đạt được hòa bình thực sự, ổn định và công bằng, là đối thoại giữa tất cả các bên liên quan. Tòa thánh cam kết duy trì “liên lạc thường xuyên với chính quyền Ucraina và Nga” và hỗ trợ các sáng kiến hòa giải có thể.
Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng Y Parolin dẫn đầu, được tháp tùng bởi Sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ, Đức Tổng Giám mục Martin Krebs, và Đức ông Paul Butnaru, một quan chức của Bộ ngoại giao và Tổ chức Quốc tế của Phủ Quốc vụ khanh, đã hiện diện với tư cách là một quan sát viên tại Hội nghị thượng đỉnh khi nhận lời mời chung của Chủ tịch Liên bang Thụy Sĩ và Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelenskyy.
Trong khi tái khẳng định sự hiện diện và ý chí của mình để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao và nhân đạo dưới bất kỳ hình thức nào, theo tư cách quan sát viên, Tòa Thánh đã không ký Thông cáo cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh.
Phải tìm cách chấm dứt xung đột
Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài hoan nghênh sáng kiến mà ngài nói là “đã được Ucraina chuẩn bị kỹ lưỡng, quốc gia này, trong khi thực hiện những nỗ lực to lớn để tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược, cũng đã hoạt động liên tục trên mặt trận ngoại giao, mong muốn đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài”. Ngài bày tỏ niềm tin rằng khi đối mặt với chiến tranh, điều quan trọng là phải tiếp tục tìm cách chấm dứt xung đột “với ý định tốt, sự tin tưởng và sáng tạo”.
Cách thức duy nhất có thể đạt được hòa bình là đối thoại
Đức Hồng y nhắc lại rằng thông điệp này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô truyền đi nhiều lần trong các lời kêu gọi, đặc biệt nói với các nhà lãnh đạo các quốc gia, nhấn mạnh rằng “cách thức duy nhất có thể đạt được hòa bình thực sự, ổn định và công bằng là đối thoại giữa tất cả các bên liên quan”. Ngài lưu ý rằng “theo tư cách của mình, Tòa Thánh đang tham gia với tư cách là Quan sát viên, đặc biệt chú ý đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các vấn đề nhân đạo”. Vì vậy, liên quan đến khía cạnh thứ nhất, ngài tái khẳng định “giá trị của nguyên tắc cơ bản là tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của nó”.
Quan tâm của Tòa Thánh đối với trẻ em và tù nhân
Đức Hồng Y cũng cho biết Tòa Thánh rất quan tâm đến những hậu quả nhân đạo bi thảm của chiến tranh “và đặc biệt dấn thân tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương trẻ em và khuyến khích thả các tù nhân, đặc biệt là những binh sĩ và thường dân bị thương nặng”.
Hỗ trợ các sáng kiến có thể cho hòa giải
Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh “duy trì liên lạc thường xuyên với chính quyền Ucraina và Nga, đồng thời vẫn sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các sáng kiến hòa giải tiềm năng được tất cả các bên chấp nhận và mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng”. Đồng thời, ngài khuyến khích các quốc gia và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế “khám phá các cách cung cấp hỗ trợ và tạo điều kiện hòa giải, dù mang tính chất nhân đạo hay chính trị”.
Vatican News