Hành trình đức tin của Đức Maria

vo.nhiem_.nguyen.toi_

Thái Hà (06.02.2016) – Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái. Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian. Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.

Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ nhất: Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa. Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé. Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế. Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô. Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai. Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng”. Lời thưa ‘xin vâng’ của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham. Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ hai: Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ. Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ. Làm sao giải thích cho Giuse hiểu. Làm sao tránh được búa rìu dư luận. Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết. Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện. Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.

Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật.

Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy. Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ? Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi?

Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc: Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao? Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ ba: Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu. Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một. Con là tất cả của mẹ. Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ. Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ. Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm. Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.

Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ. Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày. Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc. Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư?”. Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.

Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống: “Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.

Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.

Cuộc thanh luyện cuối cùng: Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con.Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân. Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham. Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất. Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình. Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất. Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ. Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.

Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante. Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Hãy kể ra những cuộc thanh luyện của Đức Mẹ.

2) Tại sao con người phải chịu thanh luyện? Có phải vì Chúa muốn hành hạ con người không?

3) Thanh luyện hệ tại điều gì? Chịu khổ sở hay từ bỏ mình, điều nào quan trọng hơn?