Mẹ dâng mình để phụng sự Thiên Chúa – Con tận hiến xin noi gương Mẹ hiền

Thật ý nghĩa khi lễ Đức Mẹ Dâng Mình mệnh danh là Ngày Cầu Nguyện – Pro Orantibus, ngày cầu cho ơn gọi tu trì, ơn gọi sống thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, giữ thinh lặng, sống ẩn dật để có thể chỉ nói với Chúa và nói về Chúa mả thôi.

Đức Mẹ không đi tu nhưng còn hơn là tu sĩ, là mẫu gương cho giáo sĩ và tu sĩ. Khi mới được 3 tuổi, Ái Nữ Maria đã được song thân là Ông Bà Gioakim và Anna đưa lên Đền Thờ để dâng kính cho Thiên Chúa. Từ đó, Cô Bé Maria là người-của-Thiên-Chúa, thuộc về Thiên Chúa theo sự quan phòng và tiền định của Ngài.

Lễ Đức Mẹ Dâng Mình nhắc nhở các bậc cha mẹ về việc dâng con cái mình cho Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta về việc tận hiến cho Thiên Chúa và Đức Mẹ – vì mỗi chúng ta cũng là “người của Thiên Chúa” theo kế hoạch mầu nhiệm của Ngài.

Lễ này bắt nguồn từ Giáo hội Đông phương, dịp kỷ niệm Thánh hiến Thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Giáo hội Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc tiến vào Đền Thờ của Thánh Mẫu Thiên Chúa, mừng lễ từ ngày 20 đến 25-11, dựa vào ngụy thư tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê, được soạn vào giữa thế kỷ thứ II: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ… Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho con trẻ, nó đã nhảy mừng, mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ…” Sách có kể câu chuyện về Đức Maria thuở ấu thơ được dâng hiến vào Đền Thờ và ở lại đó cho đến lúc 12 tuổi.

Lịch sử cho biết rằng từ thế kỷ IX, lễ này được cử hành tại các đan viện ở Ý, sau đó lan tràn tới Anh. Năm 1373, khi sống tại TP Avignon, Pháp, ĐGH Grêgôriô XI đã cho cử hành lễ này. Đây cũng là công lao của hiệp sĩ Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống ở Đông phương, ông trở về và phổ biến lễ Đức Mẹ Dâng Mình tại Tây phương, hy vọng nối kết lại với anh em Hy Lạp. Năm 1472, ĐGH Sixtô IV đã ghi lễ này vào lịch phụng vụ.

Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng mỗi người là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa, và Ngài có kế hoạch riêng đối với mỗi người, như Ngài đã cho biết: “Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có tương lai và hy vọng.” (Gr 29:11) Ngài có kế hoạch mầu nhiệm về việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ ngay từ thuở nhỏ và tiếp diễn theo đúng kế hoạch của Ngài.

Chắc hẳn lễ Đức Mẹ Dâng Mình là dịp tốt để chúng ta xem lại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Chúng ta không theo văn hóa và luật lệ Do Thái, nhưng chúng ta cũng đã được dâng cho Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy theo luật Công giáo. Tuy còn nhỏ, chúng ta chẳng biết gì, nhưng cha mẹ đã thay chúng ta tuyên xưng tin kính MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi và từ bỏ ma quỷ. Tất nhiên chúng ta phải chăm sóc đức tin đó không ngừng.

Cha mẹ đã dâng chúng ta cho Thiên Chúa, suốt đời chúng ta chỉ tôn thờ và phụng sự một mình Ngài mà thôi. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, không có thần nào khác. (Xh 20:3; Đnl 4:35 và39; Is 45:21; Is 46:9) Không chỉ vậy, chúng ta cũng không được phép kêu Danh Chúa tùy tiện: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.” (Đnl 5:11) Đó cũng là khoản luật thứ nhất và thứ nhì trong Thập Giới – Mười Điều Răn.

Khi Ông Bà Gioakim và Anna đem con gái lên Đền thờ để kính dâng Thiên Chúa theo luật dạy, Ái Nữ Maria còn nhỏ, chưa đủ hiểu. Tuy nhiên, càng khôn lớn thì Ái Nữ càng nhận thức được sự dâng mình để phụng sự Thiên Chúa. Đó là gương sáng cần soi vào để tự “trang điểm” lại dung nhan của mình cho phù hợp với ơn gọi Kitô hữu là tự hoàn thiện và nên thánh.

Ái Nữ Maria được cha mẹ dâng cho Chúa và trở thành “người của Chúa.” Tương tự, mỗi chúng ta được dâng cho Chúa để thuộc về Chúa, vì Ngài là chủ: “Chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi.” (Nkm 9:6)

Đức Maria là thụ tạo hoàn hảo được tuyển chọn để làm Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của chúng sinh, đã được tiên báo: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” (Dcr 2:14-15)

Sấm ngôn tiếp tục cho biết: “Đức Chúa sẽ lấy Giuđa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.” (Dcr 2:16-17) Thiên Chúa vĩ đại, vượt ngoài trí tuệ của phàm nhân.

Sau thời gian dài sống trong Đền Thờ, Ái Nữ Maria đính hôn với Chàng Giuse, và rồi Sứ thần Gabriel báo Hỉ Tín là sẽ thụ thai và làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Maria rất bất ngờ vì “không biết đến việc vợ chồng,” (Lc 1:34) thế nhưng Đức Mẹ vẫn “xin vâng cho trọn Thiên Ý.” (Lc 1:38) Quá đỗi vui mừng, Đức Maria đã phải thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:49) Đức Maria tự nhận là Nữ Tỳ hèn mọn nhưng được Thiên Chúa nâng lên cao, trở thành người có phúc hơn mọi phụ nữ, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa.

Có đức nên có phúc, có phúc rồi có thêm phúc nữa. Đức Mẹ diễm phúc không chỉ vì đã tín thác và vâng lời hoàn toàn, mà còn diễm phúc khác, như Chúa Giêsu đã xác định: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28) Ai biết lắng nghe và giữ Lời Chúa thì cũng được diễm phúc như vậy. Chuyện hoàn toàn có thật, không hoang tưởng hoặc mơ hồ.

Trong lúc Chúa Giêsu đang nói với đám đông, có mẹ và anh em của Ngài đến tìm cách nói chuyện với Ngài. Thấy vậy, có người báo cho Ngài biết có mẹ và thân nhân đứng ngoài, muốn nói chuyện với Ngài. (Mt 12:47) Nhưng Ngài vẫn thản nhiên đáp lại bằng một câu nghi vấn: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12:48) Không ai hiểu gì hết. Thiên Chúa luôn có những động thái vượt ngoài và vượt trên tầm hiểu biết của phàm nhân.

Đặt vấn đề vậy rồi Ngài chỉ tay vào các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:49-50) Điều kiện trở thành thân nhân của Chúa rất đơn giản: Thi hành Ý Chúa. Đó cũng là cách vâng lời: Sẵn sàng và mau mắn vâng lời vô điều kiện, không so đo, không tính toán. Trong ba lời khấn của các tu sĩ, vâng lời đứng hàng đầu, vì “vâng lời trọng hơn của lễ.” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9) Vâng lời là nhân đức có liên quan ba nhân đức đối thần.

Quả thật, đức vâng lời cũng quan trọng hơn những thứ khác trong các trường hợp khác, chẳng hạn trong gia đình: “Vâng phục cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa.” (Cl 3:20) Ngày xưa, Tổ phụ Ápraham đã tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa nên ông sẵn sàng và mau mắn vâng lời mà ra đi để đến Đất Hứa, thậm chí ông cũng không hề do dự khi Thiên Chúa truyền lệnh sát tế chính đứa con trai yêu dấu. (x. St 22:10) Đức tin lớn lao mới có thể vâng lời tuyệt đối như vậy.

Lạy Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin giúp chúng con xứng đáng là thân nhân của Ngài bằng cách tuân phục và mau mắn thi hành Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, can đảm sống chứng nhân giữa đời. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin giúp chúng con dâng mọi sự cho Thiên Chúa hằng ngày, dù vui hay buồn. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp chúng con, bây giờ và lúc lâm chung, xin Mẹ dẫn chúng con đến với Con Yêu Dấu của Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU