Mùa Phục Sinh kéo dài bao lâu?

Phục Sinh là một mùa phụng vụ tràn đầy niềm vui, tiên báo về tiệc cưới Nước Trời mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi tham dự.

50 Ngày Hân Hoan

Trước hết, Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày – dài hơn Mùa Chay 10 ngày – như một khoảng thời gian để Dân Chúa chiêm ngưỡng và hưởng nếm vinh quang Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Mùa Chay kéo dài 40 ngày, được lấy cảm hứng từ chính Đức Giêsu. Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, Người “được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ. Người đã ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,1-2).

Đức Giêsu, trong sự nối kết với truyền thống của dân Chúa, đã dành 40 ngày để cầu nguyện và ăn chay, chiến đấu chống lại cám dỗ và chuẩn bị tâm hồn để loan báo Tin Mừng.

Trong khi Mùa Chay là thời gian sám hối và hy sinh, thì Mùa Phục Sinh lại là mùa của hoan ca và tiệc mừng. Việc Mùa Phục Sinh kéo dài hơn Mùa Chay mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc: Nước Trời – nơi đầy tràn hoan lạc vĩnh cửu – sẽ vượt trên mọi khổ đau của trần thế này.

Phục Sinh nhắc nhớ chúng ta rằng: “Người sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên mọi khuôn mặt, và sẽ cất nỗi ô nhục của dân Người khỏi toàn cõi đất, vì Đức Chúa đã phán như vậy” (Is 25,8).

Lễ Ngũ Tuần

Điểm đặc biệt kế tiếp là việc các Kitô hữu thiết lập mùa Phục Sinh dựa trên số ngày dẫn đến lễ Ngũ Tuần của người Do Thái.

Bởi lẽ, chính vào ngày lễ Ngũ Tuần ấy, các Tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như được kể lại trong sách Công vụ Tông đồ: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi” (Cv 2,1).

Trong Kinh Thánh, lễ Ngũ Tuần còn được biết đến như là kết thúc của mùa gặt lúa mạch. Sách Lêvi mô tả cách tính thời gian cho lễ này: “Các ngươi phải đếm từ ngày sau ngày sa-bát, từ ngày dâng bó lúa đầu mùa làm lễ tiến động; bảy tuần lễ trọn, tức là năm mươi ngày sau ngày sa-bát thứ bảy, các ngươi sẽ tiến dâng của lễ mới bằng hoa màu cho Đức Chúa” (Lv 23,15-16).

Do đó, đối với các Kitô hữu, lễ Ngũ Tuần được cử hành 50 ngày sau Chúa Nhật Phục Sinh và là điểm kết thúc của mùa Phục Sinh.

Philip Kosloski