Sau ngày lễ mừng kính trọng thể Các Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta, cùng với chư thánh hiển vinh trên Thiên quốc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời, những người đã đi trước chúng ta và đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế.
Hôm nay Giáo hội như mẹ hiền, kêu gọi những người con đến các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã lìa cõi thế. Một cuộc thăm viếng trong thân tình và ơn nghĩa, bởi dù xa mặt cách lòng, âm dương cách biệt, không phải là sự vĩnh biệt hãi hùng, mà vẫn cảm thấy lòng quăn thắt và nước mắt lại chực chờ tuôn rơi.
Các đẳng nằm yên trong lòng đất, hay được gởi trong các “nhà chờ phục sinh” vẫn là nơi để người ta bày tỏ lòng yêu mến, để cảm nhận sự gần gũi giữa người chết với người sống, trong sự hiệp thông nhờ đức tin.
Đứng trước phần mộ của người thân, ký ức ùa tràn những kỷ niệm, khoảng thời gian cách biệt tưởng như mới hôm nào đó thôi, người sống chợt nhận ra, người chết “đã sống” thế nào, đã yêu mến ai, đã trân trọng những gì, đã hy vọng và ghét bỏ điều gì… còn mình thì “đang sống” thế nào…
Sự chết không phải là đề tài cấm kị đối với người tín hữu, người ta vẫn tưởng nhớ đến “sự hiện hữu – vắng mặt”, và nghiệm rằng, các ngài vẫn có đó mà mắt thường không thấy, không nắm bắt sự hiện diện của các ngài bằng giác quan nhưng lại nắm giữ bằng “cảm quan”, nhờ sự hiệp thông trong Đức Kitô.
Nhờ đức tin vào ơn cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá mà sự chết, dù vẫn mang dáng vẻ ghê sợ, vẫn được người tín hữu “ôm vào, hôn kính”, như người thân của họ đã trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sự chết với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,11)
Đối diện với mầu nhiệm về sự chết, người tín hữu thấy cánh cửa niềm hy vọng mở ra cho tất cả mọi người, mà người thân của họ đang hân hoan tiến vào. Đó là một dấu chỉ cho thấy niềm an ủi, mở ra một chân trời, cho chúng ta một tương lai về sự vĩnh hằng.
Người không có đức tin sợ hãi khi đối diện với cái chết bởi vì họ sợ hãi hư vô, vì người thân của họ đi đến cái mà họ không hiểu biết chút gì về nó. Vì thế, tự thâm tâm họ không chấp nhận cái chết, sợ cái chết, không chấp nhận tất cả những gì đẹp đẽ, lớn lao mà họ đã gầy dựng trong suốt cuộc đời, nay đột nhiên bị xoá bỏ, bị sụp đổ trong vực thẳm hư vô ấy.
Họ sợ hãi khi đối diện với sự chết bởi vì khi cận kề cái chết, bản thân và cả cuộc đời họ bị “lột trần”, điều mà trước đây, họ đã khéo léo che đậy, biết cách lẩn trốn khỏi khỏi sự nhắc nhở và phán xét của tiếng lương tâm.
Sự hiển vinh của Các Thánh trong ngày lễ hôm qua, và tháng cầu nguyện cho các tín hữu qua đời nói với chúng ta rằng, sự chết không phải là dấu chấm hết, nhưng chỉ những ai nhận ra niềm hy vọng khi đối diện với sự chết, người đó mới có thể sống một cuộc sống mới, khởi đi từ niềm hy vọng.
Vì thế, khi hướng đến những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ ngang qua việc làm mới lại đời sống đức tin nơi bí tích hoà giải, vừa đem lại ân xá cao trọng cho các đẳng, giúp chúng ta “chạm” đến đời sống vĩnh cữu và chia sẻ niềm vui sâu thẳm của các ngài . Có thế, tương quan của chúng ta với các ngài tiếp tục được củng cố trong tình yêu và ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
Cuộc đời không chỉ có chiều kích “dài – rộng” mà còn chiều kích “cao – sâu” của nó. Không khao khát sự vĩnh cửu, mọi giá trị khác đều là phù vân; sự vĩnh cửu ấy có được do tin vào Đức Kitô, Đấng đã công bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Cái chết của người tín hữu là cuộc hành trình cuối cùng đến với Sự Sống; là việc nhận chìm mình trong vực thẳm của sự chết của Chúa Kitô và tin rằng, với sự hiện diện – ở cùng của Người, họ vững dạ an tâm tiến về Cõi Sống.
Khi đến nghĩa trang vì tình nghĩa để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta được nhắc nhở canh tân đời sống đức tin với một niềm hy vọng lớn lao vào sự sống đời đời, để xác quyết như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Tôi không chết, nhưng bước vào cõi sống.”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT