Nhóm sắc tộc này truyền lại đức tin cho các thế hệ sau trong khi phải chịu nhiều hạn chế và không có linh mục
Người Công giáo H’Mông hát thánh ca trong buổi cầu nguyện tại nhà nguyện Ngọn Lành thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hôm 31-3. Ảnh: Phêrô Trần
Bố mẹ anh và mẹ vợ cũng tham gia các giờ kinh tối với họ, vốn là truyền thống lâu đời trong gia đình này và các gia đình người H’Mông khác tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
“Chúng tôi cho tất cả các con mình rửa tội tại nhà thờ, sau đó dạy cho chúng làm dấu thánh giá, đọc kinh Lạy Cha trước các bữa ăn và đọc kinh hàng ngày trước khi đi ngủ”, anh Sang cho biết.
Con út của anh mới một tuổi còn người con cả 17 tuổi. Bốn người con gái lớn đã rước lễ lần đầu và thêm sức.
Họ còn là thành viên ca đoàn do vợ anh Sang hướng dẫn tại nhà gần nhà nguyện Ngọn Lành, phục vụ 200 người Công giáo dân tộc H’Mông trong vùng xa xôi này.
“Chúng tôi cố gắng dạy con cái các việc làm dựa trên đức tin chúng tôi học được từ bố mẹ, những người đã trải qua nhiều thập niên gian khổ, chứng kiến nhiều hạn chế áp đặt lên tôn giáo của họ”, theo anh Sang, 37 tuổi, thành viên ban giáo họ.
Bố mẹ anh nằm trong số 20 người H’Mông định cư trong vùng này năm 1993 và theo đạo Công giáo. Họ không biết chữ nhưng cố gắng học thuộc lòng kinh nguyện và lần hạt Mân Côi, theo anh Sang.
“Khi tôi ba tuổi, bố mẹ dạy tôi làm dấu thánh giá trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tôi bắt đầu lần hạt Mân Côi khi lên 5 tuổi”, anh cho biết thêm.
Anh nhớ lại đã cùng 3 người anh chị em ruột lần hạt và hát thánh ca trước bàn thờ vào những đêm tối không có điện. Những người trẻ được khuyến khích cám ơn Chúa – “uo trau” trong tiếng H’Mông, đã đưa họ đến thế giới này và ban cho họ có sức khỏe, thời tiết thuận lợi và vụ mùa bội thu.
Vợ anh Sang là chị Maria Ho Thi La cho biết ông bà của họ theo đạo Công giáo do các thừa sai nước ngoài. Sau đó đức tin của họ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Vì thế giờ đây chúng tôi có bổn phận truyền lại đức tin cho con cái”.
Chị La mặc trang phục dân tộc truyền thống và nói lưu loát tiếng H’Mông và tiếng Việt, chia sẻ trước đây gia đình chị phải đi bộ 15 km đến nhà thờ Vĩnh Quang mỗi khi có linh mục đến vùng này dâng Thánh lễ.
“Tôi nhớ có một lần tôi bồng đứa con 3 tháng tuổi đi bộ đến đó, người mệt nhoài nhưng rất vui vì được tham dự Thánh lễ”.
Chị La điều khiển ca đoàn và dạy giáo lý, cho biết đa số người dân địa phương nuôi gia súc và trồng hoa màu trên đồi núi để kiếm sống. Nhiều người bị thiếu lương thực trầm trọng trong khoảng ¼ năm.
Người H’Mông truyền bá và duy trì đức tin Công giáo trong vùng này qua nhiều thập niên, với gần như không có sự giúp đỡ gì nhiều từ các linh mục, chị La nói và thêm rằng kinh nguyện được truyền miệng lại cho các thế hệ sau.
Những người được học hành tốt hơn trong số họ dạy kinh bằng tiếng H’Mông để giúp bảo tồn văn hóa và đặc biệt là chữ viết của họ, vốn do các thừa sai nước ngoài sáng tạo ra. Tiếng H’Mông không được dạy trong các trường công lập ở Việt Nam.
Nhiều người đeo tràng hạt trên cổ để bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ.
Từ năm 2011, người Công giáo trong vùng này bắt đầu đến nhà chị La vào ngày Chủ nhật để đọc kinh chung. Họ cũng thường cùng nhau tham dự Thánh lễ khi có các cha khách đến thăm và dâng Thánh lễ tại đây, chị cho biết.
Tuy nhiên, chính quyền không công nhận họ là các thành viên hợp pháp của giáo họ Ngọn Lành cho đến năm 2014. Hiện nay họ được các linh mục từ các nơi khác trong nước đến dâng Thánh lễ một hoặc hai lần một tháng tại ngôi nhà thờ bằng gỗ, được dựng lên hồi đầu năm nay trên lô đất rộng 3.000 mét vuông.
Chị La cho biết gia đình chị đã hiến đất và một phần ngôi nhà để cất nhà thờ. Hiện nay họ sống trong nhà bếp.
Chị kể người dân địa phương tập trung tại đó để đọc kinh vào các ngày cuối tuần nhưng vào các ngày trong tuần họ cầu nguyện tại nhà. Vào mùa hè, các nữ tu và giáo lý viên còn dạy giáo lý cho thiếu nhi và giúp các đôi bạn trẻ yêu nhau chuẩn bị đời sống hôn nhân.
Anh Sang cho biết những người H’Mông theo đạo Công giáo chẳng bao lâu đã bỏ các hủ tục như mời pháp sư chữa bệnh cho bệnh nhân hay tổ chức tang lễ tốn kém.
Họ là một cộng đồng đặc biệt gắn bó khăng khít, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, và chúc mừng nhau khi có nhà mới, cưới hỏi hay sinh con, anh chia sẻ.
Anh Sang là thành viên trong nhóm truyền giáo của giáo họ, cho biết họ còn tổ chức các chương trình truyền giáo cho những người ở các huyện khác. Kết quả là có 31 người H’Mông ở huyện Mù Cang Chải gần đó được rửa tội vào Lễ Phục sinh vừa rồi.
Sơ Maria Cu Thi Huynh Hoa thuộc dòng Đa Minh, người dân tộc H’Mông đến từ giáo xứ Giàng La Pán, biết ơn bố mẹ đã dạy sơ đọc kinh và hướng dẫn sơ đi theo ơn gọi tu trì. Mẹ của sơ đã 83 tuổi nhưng vẫn còn viếng thăm dân làng và chia sẻ đức tin Công giáo với họ.
Sơ Hoa, 41 tuổi, cho hay người Công giáo H’Mông ở địa phương thường nghe các chương trình phát thanh Công giáo nước ngoài và âm thầm thực hành đức tin tại nhà mà không có sự giúp đỡ từ các giáo sĩ từ khi họ di cư đến đó vào những năm 1960 cho đến khi có linh mục được bổ nhiệm đến vùng này năm 2003.
Cha Phêrô Phan Kim Huấn, chánh xứ giáo xứ Lai Châu, nói có 2.300 người Công giáo bao gồm 800 người dân tộc H’Mông sinh sống trong 15 cộng đồng ở tỉnh Lai Châu gần đó.
Ngài bị chính quyền cấm tổ chức sinh hoạt mục vụ cho 10 trong các cộng đồng đó vì chính quyền không công nhận các cộng đồng này.
Tháng 7-2017, giáo xứ của ngài mở các lớp dạy giáo lý, kỹ năng sống và cung cấp chỗ ở cho 60 trẻ em người H’Mông tại nhà xứ. Cha Huấn cho biết có nhiều em suy dinh dưỡng nặng.
Hai giáo xứ khác thuộc tỉnh Điện Biên và Lào Cai cũng tổ chức các chương trình mùa hè và các khóa học tiếng H’Mông cho trẻ em địa phương.
Cha Huấn cho biết các linh mục địa phương đối thoại với chính quyền và xin phép họ tổ chức sinh hoạt tôn giáo cho các cộng đồng không được chính quyền chính thức công nhận.
Giáo phận Hưng Hóa trông coi 8 tỉnh tại Việt Nam bao gồm một vùng thuộc Hà Nội, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Giáo phận phục vụ 250.000 người Công giáo bao gồm 20.000 người dân tộc Dao, H’Mông, Mường, Tay, và Thai. Họ chủ yếu sống ở các giáo điểm và giáo họ không có linh mục thường trú.