Có ơn gọi có nghĩa là gì? Thuật ngữ này được dùng trong giới tu hành cũng như trong giới thế tục và mọi người đều nghĩ ý nghĩa của nó đã rõ ràng. Vậy thì ơn gọi là gì?
Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Karl Jung đã định nghĩa như sau: “Ơn gọi là một yếu tố phi lý giúp cho con người tự giải phóng khỏi bầy đàn và các đường mòn xưa cũ”. Nhà giáo nổi tiếng Frederick Buechner thì cho rằng: “Ơn gọi là niềm vui của bạn đáp trả cho cơn đói của thế giới.”
Nhà báo thời danh David Brooks suy nghĩ về ơn gọi trong quyển sách gần đây của ông Ngọn núi thứ nhì (The Second Mountain) cho chúng ta vài câu trích dẫn này của Jung và của Buechner, sau đó ông viết: Ơn gọi không phải là cái gì chúng ta chọn. Ơn gọi chọn chúng ta. Khi chúng ta cảm nhận ơn gọi như một khả thể trong đời sống của mình, thì chúng ta cũng cảm nhận mình không có chọn lựa, và chúng ta chỉ có thể hỏi: đâu là trách nhiệm của tôi ở đây? Đây không phải là câu hỏi mà chúng ta chờ trong cuộc sống, nhưng đúng hơn đó là câu hỏi mà cuộc sống chờ chúng ta. Hơn nữa, theo nhà báo Brooks, một khi chúng ta hiểu ơn gọi của mình, thì chúng ta không thể quay lưng với ơn gọi, và chúng ta sẽ nhận ra, mình sẽ có lỗi nếu mình quay lưng. Ông trích dẫn lời của nhà thơ William Wordsworth để hỗ trợ:
Lòng tôi đầy tràn, Tôi không khấn hứa
Nhưng lời khấn hứa, Được tạo cho tôi
Liên kết với tôi mà tôi không biết
Lời khấn hứa đó được trao cho tôi
Và tôi phải nên, và tôi phải theo
Nếu không tôi sẽ vô cùng phạm tội.
Ông Brooks gợi ý rất nhiều chuyện có thể giúp tâm hồn chúng ta nhận thức được ơn gọi của mình: âm nhạc, kịch nghệ, nghệ thuật, tình bạn, được ở bên cạnh trẻ con, được đẹp và nghịch lý thay, là nạn nhân của bất công. Ông còn đưa ra thêm hai quan sát: quan sát đầu tiên, chúng ta chỉ thấy và hiểu rõ ràng tất cả những chuyện này khi chúng ta lớn tuổi và khi chúng ta nhìn lại đàng sau đời sống, đàng sau các lựa chọn của mình; và thứ hai, dù tiếng gọi là một cái gì thiêng liêng, một cái gì thần nghiệm nhưng cách chúng ta thực sự sống với nó thường lộn xộn, trệch đường, bị lãng phí và chung chung là không cảm thấy linh thiêng gì cả.
Đúng vậy, tôi đã khá lớn tuổi và tôi nhìn lại đàng sau. Câu chuyện ơn gọi của tôi có giống như các mô tả này không? Chủ yếu là giống.
Lớn lên trong nền văn hóa công giáo la mã của những năm 1950 và đầu những năm 1960, tôi thuộc thế hệ công giáo mà mỗi em bé lớn lên được hỏi một cách nghiêm túc: “Tôi có ơn gọi không?” Ở thời buổi đó, câu hỏi này chủ yếu muốn nói: “Tôi có được gọi để làm linh mục, làm tu sĩ nam nữ không?” Trên thực tế, lập gia đình hay ở độc thân không được xem là ơn gọi, chỉ là chuyện thứ yếu. Ơn gọi cao cả là đời sống thánh hiến.
Vì vậy khi lớn lên trong môi trường này, tôi nghiêm túc đặt câu hỏi sau: “Tôi có ơn gọi làm linh mục không?” Và câu trả lời đến với tôi, không phải trong một cái nhìn sâu sắc, hay một cái gì quảng đại của trái tim, hay cuốn hút theo một lối sống nào đó. Không có gì trong các điều này. Câu trả lời đến với tôi như cái móc trong lương tâm tôi, như thử có một cái gì mà tôi không thể quay lưng cả về mặt đạo đức lẫn tôn giáo. Điều này đối với tôi như một bắt buộc, một trách nhiệm. Mới đầu tôi chiến đấu và cự lại với câu trả lời này. Đó không phải là những gì tôi muốn.
Nhưng đó là những gì tôi cảm thấy tôi được gọi. Có một cái gì đòi hỏi vượt ngoài các giấc mơ riêng của tôi. Đó là tiếng gọi. Dù khi đó tôi mới 17 tuổi, tôi quyết định vào Dòng Anh Em Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm và tôi được đào tạo để làm linh mục. Tôi ngờ ít có nhà cố vấn hay tâm lý nào đặt tin tưởng vào một quyết định như vậy với tuổi của tôi hồi đó; nhưng sau 50 năm, với một độ lùi, tôi nghĩ đó là quyết định trong trắng nhất và bất vụ lợi nhất tôi đã làm trong đời.
Và tôi không bao giờ nhìn lại. Tôi không bao giờ nghiêm túc cân nhắc việc từ bỏ cam kết này dù đôi khi tôi có đủ loại cảm xúc bất an, ám ảnh, khuấy động, chán nản và tội nghiệp mình, ám ảnh và hành hạ tôi. Tôi chưa bao giờ hối tiếc quyết định này. Tôi biết đây là những gì tôi được gọi để làm và tôi hạnh phúc theo cách mà các chuyện này diễn tiến. Nó mang lại cho tôi sự sống và giúp tôi phục vụ người khác. Và với các đặc điểm, các tổn thương và các yếu đuối cá nhân, tôi ngờ tôi sẽ tìm một con đường cũng sâu đậm như ơn gọi này đã cho tôi trong cuộc sống và trong cộng đoàn, dù nó có thể mang lợi ích cá nhân.
Tôi chỉ chia sẻ câu chuyện cá nhân để có thể hữu ích trong việc minh họa khái niệm ơn gọi. Nhưng đời sống tu trì và chức thánh chỉ là một ơn gọi. Có rất nhiều ơn gọi khác, tất cả đều lành mạnh và quan trọng. Ơn góp có thể là một nghệ sĩ, một nhà nông, một văn sĩ, một bác sĩ, một người cha, một người mẹ, một người vợ, một cô giáo, một người bán hàng và vô số các việc khác. Ơn gọi chọn chúng ta và làm lời khấn cho chúng ta – và các lời khấn này đặt chúng ta vào nơi này ở đây, nơi mình được đặt tốt nhất để phục vụ người khác và để có hạnh phúc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch