Ai ở Sài Gòn đã từng chạy xe trên hai bờ kênh Nhiêu Lộc đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt khi hè sang. Những hàng cây lớn xanh ngát sau những cơn mưa, những màu hoa tô điểm đầy màu sắc dọc hai bên bờ kênh. Nhiều nhất có thể nhìn thấy là sắc tím của bằng lăng và vàng tươi của bò cạp vàng; tiếp đến là những cây hoa sứ trắng cùng với hàng phượng đỏ thắm trước cổng Vạn Thọ Cổ Tự. Sắc hoa đua thắm trong những cơn gió nhẹ và trời trong xanh lạ thường. Cái nóng là lẽ tất nhiên của thời tiết, nhưng trời cũng có cách làm cho cái nóng ấy dịu nhẹ đi nhiều.
Đối với các Kitô hữu, tháng năm là tháng kính Đức Mẹ theo truyền thống của Giáo hội Công Giáo. Nhưng đất trời dường như cũng không muốn đứng “ngoài lề” mà ủng hộ bằng những sắc hoa, sắc hoa của “mùa” tươi thắm trong nắng hạ. Đó đây trong các giáo xứ, lục tục từ tháng tư đã chuẩn bị những đội dâng hoa, chuẩn bị tập múa, tập dâng để qua tháng năm là “dâng hoa”. Cả một bầu khí rộn ràng trên khắp các xứ đạo trong giáo hội Việt Nam. Người ta tự hỏi, tại sao lòng sùng kính Đức Mẹ của các Kitô hữu lại sốt sáng thế? Sao các Kitô hữu Việt Nam dễ có lòng cảm mến Đức Mẹ một cách đặc biệt như thế? Trả lời những câu hỏi trên đây một cách đầy đủ đâu dễ dàng, nhưng lòng đạo đức được thể hiện ra bên ngoài trong việc tôn kính Đức Maria thì tất cả đều nhìn thấy rất rõ.
“Mẹ” là tiếng thiêng liêng không chỉ của người Việt Nam, nhưng còn của bao tộc người khác trên khắp thế giới. Với người Việt Nam, trải qua dòng lịch sử phát triển, từ đạo thờ “tự nhiên” đến Đạo Mẫu là cả một quá trình phát triển lâu dài, trong đó chúng ta nhận thấy những nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Ngô Đức Thịnh sau nhiều năm nghiên cứu, trong cuốn “Đạo Mẫu Việt Nam” cho rằng: “Người Việt và các dân tộc khác ở nước ta vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa ở vùng nhiệt đới gió mùa, do vậy, từ ngàn đời nay, từ quan niệm, lối nghĩ đến nếp sống của họ cơ bản vẫn là nông dân. Quan niệm vũ trụ luận Phương Đông cổ đại vẫn là âm dương tương khắc, tương sinh. Trong tiềm thức của họ, việc tôn thờ thần Đất, thần Nước, thần Núi, thần Lúa đều đồng nhất với Âm và nhân hóa thành nữ tính – Mẹ. Hơn thế nữa, nhiều hiện tượng vũ trụ và tự nhiên cũng được người Việt gắn cho nữ tính, mà thuộc tính của nó là bảo trữ, sinh sôi, sáng tạo.”[1] Chính vì thế, người Việt từ việc tôn kính các “Nữ Thần” đến việc hình thành và phát triển thành “Đạo Mẫu” đã xuất phát một cách rất tự nhiên từ những gì là nếp sống và quan niệm của cư dân nông nghiệp. Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt, danh sách các Nữ thần, Mẫu thần – thánh Mẫu đặc biệt phong phú. Trong cuốn Nữ thần và thánh Mẫu Việt Nam [2], của các tác giả Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc và Phạm Hồng Hà biên soạn có tới 117 nữ thần thần thoại, các thánh Mẫu và các chư thần khác nhau. Điều đó chứng tỏ sự phong phú về việc thờ Mẫu trong văn hóa tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam.
Các Kitô hữu Việt Nam mang lấy tâm thức của truyền thống văn hóa Việt Nam. Khẳng định đó tưởng như dư thừa, nhưng lại lý giải được cách cơ bản về lòng mộ mến như sẵn có đối với Thánh Maria – Đức Mẹ Chúa Trời. Không chỉ là danh xưng, nhưng là tấm lòng đạo đức và hơn thế nữa là đức tin ngay từ buổi đầu sơ khai khi các nhà truyền giáo đến Việt Nam. Việc đạo đức phổ biến đầu tiên có lẽ phải kể đến là việc lần chuỗi Rosa (Mân Côi). Ngay từ những dòng sử đầu tiên về công việc truyền giáo chúng ta đã nhận thấy hình thức kính Đức Maria rất bình dân này. Cha Đắc Lộ tóm tắt về lòng sùng đạo của các Kitô hữu Đàng Ngoài như sau: “Trên bàn thờ ngoài thánh giá và các ảnh tượng được làm bằng chất liệu quý hóa, nghệ thuật, chạm khắc trên ngà, mu rùa, họ còn treo một chiếc bình đẹp đẽ có nước thánh, cùng với chàng hạt Mân Côi…” [3]. Danh xưng Thánh Mẫu dành cho Đức Maria cũng xuất hiện từ rất sớm trong kinh truyện “Cảm Tạ Niệm Từ” [4] của Thầy Phan-chi-cô (Phanxicô), là thầy trợ giảng đắc lực cho nhà thừa sai là Linh mục Majorica:
A! Thần Chủ Datô, thục tội chi ân chi đại
– nhân từ Thánh Mẫu vị kỳ xá quá chi đa. (câu 18, phiên âm Hán tự)
Ôi! Chúa Kitô! Ban ơn chuộc tội lớn lao
– Lạy Đức Mẹ nhân từ, khấng xin tha thứ. (bản diễn nghĩa)
Thật khó có thể kể hết những dấu tích trong lịch sử mà các Kitô hữu Việt Nam đã thể hiện lòng sùng kính Đức Maria. Cho đến ngày nay, các Trung Tâm Thánh Mẫu trải dài trên quê hương vẫn là nơi thu hút cách mạnh mẽ những người con của Mẹ Maria đến hành hương kính viếng.
Trở lại với “sắc hoa tháng năm”, việc dâng hoa kính Đức Mẹ là truyền thống về lòng đạo đức của Giáo Hội dạy các Kitô hữu. Tại Việt Nam, lòng sùng kính này dễ dàng tăng lên gấp bội, vì sẵn có nơi đây trong tâm hồn các tín hữu, lòng yêu kính Thánh Mẫu. Lần chuỗi Rosa (Mân Côi), dâng hoa lòng kính Mẹ là những việc đạo đức được yêu thích và ngày càng phong phú.
Nhớ về thời gian sau năm 1954 và cả sau 1975 tại Miền Bắc, khó khăn trăm bề bủa vây Giáo Hội Việt Nam nói chung và tại Miền Bắc nói riêng. Thiếu linh mục, thiếu giáo lý viên, các giáo xứ không có cha quản xứ, chỉ còn lại các ông trùm, bà trùm, các giáo lý viên (không qua đào tạo bài bản) cố gắng quy tụ nhau giữa những cấm cách của chính quyền để thực hành các việc đạo đức. Cả năm mỗi giáo xứ có khi được một hai thánh lễ vào các dịp lễ trọng. Vậy cái gì đã nuôi dưỡng đời sống đức tin của các Kitô hữu Miền Bắc suốt một thời gian dài? Đó chính là việc đọc kinh sớm tối, việc lần chuỗi Mân Côi, việc nguyện ngắm, việc dâng hoa kính Đức Mẹ, phong trào nghĩa binh Thánh Thể vào lúc một giờ trưa, giờ tôn Nữ Vương gia đình (trước thời gian di cư 1954) và rất nhiều việc đạo đức khác.
Sắc hoa tháng năm – dâng hoa kính Đức Mẹ, như là câu chuyện theo mùa của các Kitô hữu Miền Bắc. Nếu “loa kèn tháng tư” báo hiệu cho những gì khởi sắc của tiết trời và mùa phục sinh thì tháng năm lại là tháng của những sắc hoa của người Công Giáo. Những câu chuyện về việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong thời gian khó khăn này thật không kể hết được. Như mẹ tôi đã dạy dâng hoa tại Giáo xứ Phùng Khoang (TGP Hà Nội) khoảng 18 năm, không kể trước đó vào đội dâng hoa của các chị lớn tuổi hơn trong giáo xứ. Các bộ vãn dâng hoa cổ “hoa năm sắc”, “hoa tứ cảnh” và các bộ “Vãn Đức Bà” hiện nay còn trong cuốn Thánh Ca IV của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1921-1990). Với âm điệu quan họ Bắc Ninh (i ì i í ì i…) vẫn còn in sâu trong tâm trí của một đứa bé như bản thân tôi.
Cứ thế! Đến tháng năm là sẽ nghe âm vang “tháng Đức Bà, tháng Đức Bà, ấy mở hội là hội dâng hoa…”. Mà đúng dâng hoa ngày xưa với các bài vãn cổ, các bài mang âm điệu quan họ Bắc Ninh là một gia sản quý giá của Giáo Hội. Cái đúng và ý nghĩa thực sự mà những lời ca ngày nay chúng ta còn nghe được như “con hái hoa dâng Mẹ”, không chỉ là “hái hoa”, nhưng còn “tìm kiếm hoa”. Giữa thời buổi khó khăn, các “con hoa” phải đi xa, phải tìm đúng nơi đúng chỗ mới có đủ “ngũ hoa” để dâng kính Đức Mẹ. Như mẹ tôi kể lại, các chị em “con hoa” phải đi bộ ra Nhà thờ Lớn Hà Nội (cách xa 9 km) để hái hoa đại (Miền Nam gọi là hoa sứ) cho sắc hoa màu trắng. Hồi ấy, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn rất cổ vũ việc dâng hoa, Ngài có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Các sắc hoa khác thì sao, như hoa thiên lý sẽ dùng cho sắc hoa xanh, hoa hồng giàn sẽ sử dụng cho màu hoa đỏ, hoa vàng sẽ hái hoàng lan. Mẹ tôi cũng kể lại, phải là các “con hoa” nhanh nhẹn, lanh trí để leo trèo mà hái những sắc hoa này. Bản thân tôi vẫn nhớ những trưa nắng hè, nhễ nhãi mồ hôi lẽo đẽo theo các chị đi chơi, nhưng thực ra là đi khắp làng để “hái hoa” dâng Mẹ vào chiều tối thứ bảy (đầu hoặc cuối) của tháng năm.
Về các bộ trang phục cho việc dâng hoa thì còn khó khăn hơn. Nhà xứ không đủ phải ra Nhà thờ Thái Hà để mượn Cha Giuse Vũ Ngọc Bích. Giáo xứ Phùng Khoang cách Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội khoảng 5 km, thời ấy vẫn là đi bộ. Nào chỉ có mượn áo dài, còn xin luôn cả nến, vì giáo xứ không có và cũng chẳng có gì dễ dàng mua được vào thời bao cấp. Có một câu chuyện khác mà tôi không thể không kể, đó là câu chuyện của Ông cố Giuse Nguyễn Huy Giảng [5]. Ông kể cho tôi nghe cũng về khoảng thời gian này, thời gian mà các giáo họ, giáo xứ vùng ngoại thành Hà Nội còn cơ cực hơn trong nội thành. Không cha xứ, không giáo lý viên, muốn dâng hoa thì chính ông cố phải là người tập hát, tập múa những điệu vũ đơn giản. Ông cố kể cho tôi nghe về một lần, mãi mới xin được đủ bộ áo dài dâng hoa, mà phải được chiếu cố lắm từ Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn để mang về vùng trong. Giáo xứ ấy tôi không còn nhớ tên (Gò Cời, Gò Cáo, Kẻ Xổ, Kẻ Nghệ…) nhưng khi mang được về đến nơi thì bị chính quyền tịch thu. Ông cố nói, không sao, vẫn phải “dâng hoa”. Thế làm gì bây giờ? Thôi, trải chiếu trên nền đất, lấy bát ăn cơm đủ màu hết (vì bát ăn cơm đâu đủ bộ) cho hoa nến vào đó; quần áo thì cứ quần vải, chẳng có áo dài thì mặc áo ngắn – thế là dâng hoa kính Đức Mẹ. Thời ấy, sinh hoạt tôn giáo của các Kitô hữu bị cấm cách đủ kiểu, nhiều người sợ hãi xa lánh nhà thờ, xa lánh các sinh hoạt đạo đức cơ bản; nhưng cũng nhiều người hy sinh duy trì sớm tối nguyện kinh, rồi cứ đến tháng năm thì lại Vãn Đức Bà.
Những câu chuyện như trên đây, tôi thiết tưởng có một mẫu số chung cho các giáo xứ, giáo họ tại Miền Bắc vào thời gian ấy! Những khó khăn, gian khổ trong việc cố gắng để tồn tại, cố gắng để duy trì đời sống đức tin vẫn mang những nét hạnh phúc và tươi vui thực thụ. Dâng hoa kính Đức Mẹ – Vãn Đức Bà – sắc hoa của tháng năm, của những ngày hè tiếng ve kêu râm ran vừa cuộn chảy trong đó Mẫu Tính của người Việt nhưng cũng lại chan hòa tấm lòng đạo đức của các Kitô hữu trong việc dâng hoa kính Đức Mẹ.
Ký ức ùa về, thoáng trong tâm trí vang lên những tiếng trống khẩu, hiệu lệnh để các “con hoa” di chuyển đội hình. “Hoa năm sắc, đoàn con kính dâng trước tòa, ngợi khen Nữ Vương Thiên Đàng Mẹ là bình minh ơn phúc chan hòa…”, cứ thế, từng chữ AVE MARIA hiện lên giữa lòng nhà thờ, lung linh ánh nến vàng, lung linh những sắc hoa của tháng năm.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Sài Gòn, 14/05/2021)
—
Chú thích:
[1] x. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam – Tập 1, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 27
[2] x. Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc và Phạm Hồng Hà biên soạn, Nữ thần và thánh Mẫu Việt Nam, NXB Thanh Niên, 2020
[3] x. Đỗ Quang Chính, Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr. 56
[4] Một bản tuyên xưng đức tin vắn gọn theo thể kinh truyện – Cảm Tạ Niệm Từ – dùng trong dịp niệm giỗ cầu hồn.
[5] Ông cố Giuse có một người con hiện nay đang làm Chính xứ Gx. Công Xá thuộc TGP Hà Nội, là người con của Giáo xứ Phùng Khoang.