Thầy Micael Nguyễn Văn Thiện: Dâu chân gieo hy vọng

THẦY MICAE NGUYỄN VĂN THIỆN, C.Ss.R. (tên gọi trong Dòng là Pauline)

DẤU CHÂN GIEO HY VỌNG

Cơn bão số 9 ngày 29.9.2009 đổ ập vào Quảng Ngãi gây lụt lội khủng khiếp, có nơi nước ngập đến mái nhà hai tầng, cây đổ tôn bay, nhiều vũng trũng trâu bò gà vịt chưa kịp lùa. Nhà DCCT Châu Ổ tan hoang, hàng chục cây sao cao hơn chục mét đổ rạp hay bật gốc. Hôm ấy là ngày lễ kính 3 Tổng lãnh thiên thần. Micae Nguyễn Văn Thiện cũng đang ở đó. “Thầy Micae mang tai họa đến cho chúng tôi” – Trêu thầy đang lúc dọn dẹp đống ngổn ngang, thầy đáp lại với nụ cười “khó mà giận”, tay giơ cao cỗ tràng hạt mà thầy luôn mang bên mình. Khi ấy thầy đang phục vụ ở cộng đoàn DCCT Huế, nhưng vào Châu Ổ chơi mấy tuần rồi.

Thầy Micael Nguyễn Văn Thiện lần Chuỗi Mân Côi trước tượng Đức Mẹ trong khuôn viên Tu viện DCCT Huế

Tối nào đám học sinh Châu Ổ, cả trai lẫn gái, hôm vài em, hôm vài chục quây quần trước phòng ông già Thiện nhìn ra tượng Mẹ Fatima trò chuyện và lần chuỗi Mân Côi. Thầy chỉ mới xuất hiện thôi, lôi kéo cách nào mà cả hai nhà nội trú nam nữ đều lân la đến với thầy. Nào phải người ăn nói có duyên, thông kim bác cổ – mà chắc gì những thứ ấy khiến bọn học trò chỉ mong có điểm đạt thành tích, thích thú được. Ối dào ! Về khoa ăn nói thì ông già Thiện zô ziên lắm cơ, chẳng biết tí thời sự thời trang gì sất, còn ngoại diện thì thấy rồi đấy: dáng điệu lững thững như lề mề, khuôn mặt đa cảm xúc đến thần tướng khó mà biết được, chẳng bù cho nụ cười lúc nào cũng hớn hở như chực sẵn cùng với tiếng ‘A’ thân quen cùng vòng tay mở rộng khi gặp … bất kỳ ai! – Vì ai đối với thầy đều là thân thương cả cho dù chưa hề gặp, vì là con Chúa con Mẹ mà! Tối nào cũng thế, hàng mấy tháng trời nhé, ông già và đám học sinh cứ tíu tít với nhau. Thầy lập nhóm cầu nguyện Mân Côi gồm mấy chị bếp và các em nội trú. Nhờ hun đúc tinh thần cầu nguyện đơn sơ của thầy, nhóm vẫn duy trì kinh Mân Côi ngay cả khi thầy đã về Huế vài năm. Những đứa con nhà có đạo, đi lễ ngày Chúa nhật chưa chắc đã xong, chưa nói quá nửa là bên lương, vậy mà bọn chúng không hẹn mà hàng tối lại quy tụ với ông già rề rà mấy lời kinh!

Thiên hạ kinh ngạc vì sao mà ông già lụ khụ lại quyến rũ được người trẻ khắp nơi trong các kỳ Đại hội giới trẻ thế giới – ĐGH Gioan Phaolô II chỉ say mê nói về Chúa Giêsu bằng lòng yêu mến.

Phải chăng nơi góc nhỏ Châu Ổ, tu sĩ già “anh Thiện” cũng khơi một mạch sống cho những người trẻ chưa dám mơ về tương lai bằng lòng yêu mến Mẹ Maria? Trong số bạn trẻ đó, có một em mới bậc thềm phổ thông – chưa thanh tẩy – say sưa với thầy hàng tối, rồi được làm con Chúa, vào Đệ tử Huế, gặp lại “anh Thiện”, và thầy Tađê, khấn Dòng …

“… từ nhóm Mân Côi mà tạo nên chuỗi sự sống, như thầy thường nói ‘mỗi người cứ đọc kinh Kính Mừng, nhớ nhau trong lời cầu nguyện từ đó hình thành nên chuỗi sự sống’. Chúng em học được nơi thầy không phải từ những lời giảng dạy, nhưng qua cách sống đơn sơ của thầy và tâm tình với Mẹ Maria”.

“Ngày đầu tiên vào Đệ tử Huế, thầy dắt em xuống nhà cơm đệ tử chào cha Dũng Giám đốc và anh em với những lời giới thiệu đơn sơ: ‘Đây là người anh em mới biết Chúa, muốn theo ơn gọi DCCT. Xin anh em hướng dẫn, dạy bảo cho Thức được khôn ngoan, hiểu biết hơn, và đón nhận Thức như người anh em trong nhà’”.

“Sau mỗi bữa ăn lên cầu thang, nơi có một tượng Đức Mẹ, thầy (Thiện) đều nắm tay em đến chào Mẹ bằng một kinh Kính Mừng, chiều / tối ra trước hang đá Mẹ lần một chuỗi. Thầy cầu nguyện như đang trò chuyện: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đang ở đây với chúng con, vì nơi nào có Mẹ là có Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ôm lấy từng người chúng con như Mẹ ôm Chúa Giêsu vào lòng’. Dần dần em cảm thấy những lời cầu nguyện rất đơn sơ như vậy, không phải những tư tưởng thần học, nhưng lại chất chứa cả một kinh nghiệm đức tin sống động’.

“Ở Huế, em được sống với thầy Thiện và thầy Tađê. Mỗi sáng, nơi một góc riêng, hai thầy ngồi nghe đài Chân Lý Á Châu “để cầu nguyện cho Hội thánh, cho ĐGH, cho nhà Dòng”. Sau đó thầy Thiện lần chuỗi – tràng chuỗi luôn trên tay, và viết thư.”

Những con người mang trong mình các thương tích phận người từ khắp nơi tìm đến với Mẹ La Vang, thì qua lớp áo tu sĩ vụng về chẳng có gì trổi trang, Mẹ đã dùng đôi môi không biết lời lẽ văn hoa, chẳng quen thời thế thời sự, và những trang giấy đơn sơ không phải tư tưởng uyên bác cao sâu, để mang niềm hy vọng cho bao kẻ mòn mỏi. Hầu như mỗi ngày thầy đều có những cánh thư đến và đi – những nét chữ nắn nót rất đẹp như thấm đẫm lời cầu nguyện.

“Mình cùng đọc với nhau kinh Kính Mừng nhé” – Mỗi khi gặp ai thầy thường mời họ thế, cả khi gọi điện thoại cũng bắt đầu bằng lời kinh này. Khổ nỗi “tiếp thị” kiểu này nhiều lúc oái oăm lắm. Hồi ấy các nhà mạng chưa có khuyến mãi như bây giờ, tiền nạp card đắt lắm. “Alô, thầy ơi ! Á… – 50 kinh nhé”. Thế là bay véo mấy trăm như chơi ! Nghe nói thế thôi chớ chắc cũng tùy hoàn cảnh, lúc 10, có khi 3 hay 1 kinh Kính Mừng rồi mới vào đề. Người kia có bao nhiêu tâm sự ngổn ngang muốn nói, thầy cũng chỉ chuyển giao hết cho Mẹ – thì đã biết ông già Thiện zô ziên lắm, chẳng biết ăn nói tí thời sự thời tiết gì đâu !

Thầy còn là một tu sĩ “đa nhân cách” nữa, theo những gì chúng tôi biết về thầy những năm sau này: Trong tu viện thầy cứ đủng đỉnh như thể cháy nhà cũng cứ khoan khoan với nụ cười trề ra như được lập trình sẵn. Ấy thế mà bước chân không sải lại giang rộng khắp nơi: thoắt cái La Vang, đã thấy in dấu bậc cấp Trà Kiệu, vừa thấy nắm tay thân thiết với các o tay xách nách mang ở lăng Khải Định, đã thấy xoa đầu các em bán hàng ở Phong Nha. Cái khuôn mặt bền bệt với nụ cười vô số cảm xúc đó – chỉ trừ oán giận, ganh ghét – quả là khuôn đa năng với hầu hết mọi người vì ai cũng thấy dễ gần, thân quen. Thế nên gặp bất kỳ ai đều vẫy tay thân ái, còn kẻ nào lỡ dại đến gần mà để ông già nắm xoa tay thì bùa nhập ngay!

Những người cao niên ở những nơi thầy từng phục vụ xưa Châu Ổ Quảng Ngãi, Tân Châu Bình Tuy đều hình dung thầy Thiện, con người bé nhỏ, nhưng có mặt ở đâu là khơi lên sức sinh động ở đó, không phải khả năng sinh hoạt hay kỹ thuật lôi cuốn – trong kho từ điển của thầy chẳng có những khoản ấy – bèn là cái đơn sơ ấp ủ niềm hy vọng trong tâm hồn tu sĩ, và lan tỏa sức sống ấy. Họ nói rằng: ông thầy truyền lửa.

Tu sĩ Micae Pauline Thiện hằng theo chân Mẹ Maria, đặc biệt trong linh đạo thăm viếng, nên cộng đoàn chính của thầy là tất cả những chốn, những người mà thầy lân la chuyện vãn. Cha bề trên Nhà Huế, người bạn cùng thế hệ với thầy, cũng cảm thấy khó xử với người anh lớn ngoài 70 rất đỗi “nhỏ bé” đó: “Không biết ông thầy Thiện ở đâu. Mới thấy đọc kinh với đoàn hành hương ở hang đá Đức Mẹ đã đi La Vang rồi. Có khi ra đến Phong Nha. Ông ni đi khắp nơi, hay tới lui chỗ mấy bà góa”. Thầy đáp lại bằng nụ cười hiền lành “vô số tội”. Cha BT nói không oan. Chỗ mấy bà góa nghèo cô đơn, già yếu bệnh tật, nơi các gia đình ăn nhờ ở đậu con cái nheo nhóc, mấy o bán rong chốn du lịch lăng tẩm vua chúa hay Phong Nha, đều biết mặt ông thầy Thiện cả, hầu hết là bên lương. Từ xa thầy đã chào “A!” reo vui, gọi tên từng người vanh vách, xoa tay nắm chân ra chiều thân thiết lắm. Ấy cái khoản xoa tay này không biết có ở trong linh đạo thăm viếng chăng, nhưng cũng lắm sự to nhỏ, nhất là với anh em trong nhà. Người thì bảo ông thầy chỉ nắm tay phụ nữ, kẻ nói nắm tay các sơ lâu thế!

Xem ra môn phái thăm viếng này có hai tuyệt chiêu tuy dễ hấp thụ nhưng lại chẳng có môn sinh là “Á…” chào đón reo vui, và nắm xoa tay, còn nội công thâm sâu chắc là nhờ Mân Côi. Nói chẳng có môn sinh phải chăng vì linh đạo thăm viếng và chiêu thức xoa tay có vẻ không nằm trong kỷ luật đời tu, hay ít là dung mạo tu sĩ DCCT? Nhưng xem chừng các vị tổ phụ cũng có nét tương tự cả. Sarnelli ít ở trong cộng đoàn và chết tại nơi ở của “mấy cô gái lâm vòng nguy hiểm”, Giêrađô hay “lách” quy định dành cho các thầy trợ sĩ thời đó, Clemente Hofbauer “suốt ngày ồn ào” khiến cha tập sư Passerat khó có giờ cầu nguyện …

Còn về bước chân thăm viếng của thầy, người cảm thán “quả là tu sĩ DCCT, bạn của lớp người bần cùng”, kẻ lại chép miệng “việc nhà thì nhác việc chú bác lại siêng”. Có trách thầy cũng huề, bực bội sao được, nói gì cũng cười hiền lành, nhẫn nhục, như thể biết lỗi hay vâng lời lắm vậy!

Có người thắc mắc chẳng thấy thầy chi tiêu ăn uống mua sắm gì, trêu thầy: “Cho gái hết à? Mua thứ này thứ kia, mời nhau một bữa xem …” Vẫn nụ cười tựa ngây ngô. Tán chuyện: có thấy ông thầy Thiện cho ai cái gì đâu, chỉ có viết gửi nhiều thư từ, gọi điện thoại thì thường người khác gọi đến, và đi theo các đoàn hành hương … Thế tiền nhà Dòng cho hàng tháng?

“Tiền hàng tháng nhà Dòng cho, mần chi cho ngạ…?” (làm gì cho hết – nói theo kiểu người Huế), có anh em tỏ ra hoài nghi. Nhưng nụ cười ngây ngô đó chỉ khỏa lấp lời xưa : Việc tay phải đừng cho tay trái biết ! Ai nào có lần theo những dấu chân lặn lội lắng nghe tiếng nỉ non ? Số tiền ít ỏi trích ra hàng tháng gửi về cho em gái cảnh ngộ ngặt nghèo ở quê nhà, góp nhặt giúp người đói ăn, kẻ cô quạnh, thuê xe cho các chị em bán hàng rong nơi các lăng tẩm đi viếng Mẹ La Vang … Tu sĩ hèn mọn vẫn rong ruổi mang niềm hy vọng đến cho những mảnh đời cơ nhỡ.

Vụng về tỏ lộ bên ngoài cùng nụ cười tựa ngây ngô cũng là đề tài cho anh em mến yêu trêu chọc ; thầy chỉ biết đáp lại bằng … nụ cười như thể : tớ chỉ thế thôi mà ! Có lần một cha trẻ nặng lời sỉ nhục thầy trong bàn ăn trước mặt các cha thầy trong cộng đoàn – lớn tuổi rồi tay chân run rẩy – “ăn gì vương vãi, người nghèo không có mà ăn. Thầy có phải là tu sĩ không ? Thầy không biết gì đến người nghèo à?”. Thầy nhỏ nhẹ trả lời: “Anh ơi, tôi bằng này tuổi rồi, mà anh bảo không biết người nghèo là sao ?” Đó là lần hiếm hoi mà thầy đáp lại những lời xúc phạm mình. Không chắc cha trẻ với tâm huyết vì người nghèo đầy tính thần học đó có dịp nào ghé qua nơi thôn xóm nhớp nháp, thăm hỏi người già đau bệnh, cám cảnh đám trẻ mồ côi thiếu ăn thiếu học ngay trong giáo xứ chưa …

Tội nghiệp, là ông thầy “nhỏ bé”, tu sĩ không chức, không cả dáng mạo, không lời lẽ đưa đẩy, chỉ có nụ cười “vô số cảm xúc” đáp lại những lời chì bấc, xách mé, những thái độ hoài nghi, coi thường. Nhưng với những người bé nhỏ nghèo hèn, nụ cười đó lại tỏa sáng niềm hy vọng.

Nụ cười tuy bé nhỏ với câu chuyện chẳng biết tí thời sự nhưng chan chứa tâm tình Maria đã mang đến cho anh em mình đang yếu liệt một sự an ủi và niềm hy vọng. Khi trong cộng đoàn có người anh em già yếu, bệnh tật, “anh Thiện bé nhỏ” luôn hiện diện bên cạnh giường bệnh, trò chuyện và đọc kinh Mân Côi, lắm khi đọc và xướng luôn, và có lẽ là người duy nhất trong nhà luôn ở bên cạnh người anh em khi ốm đau. Linh đạo thăm viếng không chỉ với người ngoài. Ai bảo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nào?

Rồi đến ngày linh đài La Vang nhớ dấu chân quen, sân nhà Dòng Huế vắng tiếng ‘A’ reo vui, thì bệnh tật cầm cố thân xác cũng không làm vơi đi hy vọng gắn với nụ cười vẻ ngây ngô. Hy vọng đó không muốn làm phiền ai qua tuổi tác bệnh tật của mình. Chẳng nghe rên rỉ, phiền trách. Chỉ thoáng chút nhăn mặt khi chăm sóc tư thế khó khăn, đến nỗi y tá nói chưa thấy ai nhẫn nhục chịu đau và vui tươi như ông cụ này. Thầy ôm nỗi đau như ôm tràng chuỗi và linh ảnh Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp trong lòng. Chính Mẹ là niềm hy vọng cho ‘nụ cười hy vọng’ bé nhỏ đã mang niềm hy vọng cho bao người, và giờ đây hy vọng được bước qua ngưỡng cửa hy vọng muôn đời. Khi tràng chuỗi Mân Côi tháng hoa dâng Mẹ chưa dứt, thì Mẹ đã đón người con yêu của Mẹ về, giữa niềm vui Tỉnh DCCTVN đang mừng 100 năm hiện diện, trong đó cũng khắc ghi dấu chân gieo hy vọng của thầy Pauline bé nhỏ.

Antôn Nguyễn Thành Thông, C.Ss.R.