Thời đại của Chúa Thánh Thần – Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C

Do Thái giáo được so sánh như một cây cổ thụ, và Kitô giáo là nhánh chồi non mọc lên từ cây cổ thụ đó. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Ngài đã có ý định thiết lập Giáo Hội từ ngàn xưa, khi Ngài tạo dựng đất trời. Trong lịch sử, Ngài đã chuẩn bị một dân. Từ dân riêng đó, Đấng Cứu độ là Đức Giêsu đã xuất hiện. Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã quy tụ những người tin vào Người và lập nên Giáo Hội. Trước khi về trời, Đức Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ đến hướng dẫn Giáo Hội. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là khởi điểm thời đại của Giáo Hội, cũng là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Trước cuộc khổ nạn và Phục sinh, Chúa Giêsu chỉ hiện diện nơi vùng đất xứ Galilêa. Khi đã về trời, Người lại hiện diện cách huyền nhiệm và thiêng liêng ở bất cứ nơi nào có cộng đoàn tín hữu, như Người đã hứa: “Này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Như vậy, nếu Chúa Giêsu không hiện diện hữu hình nơi trần thế, thì Giáo Hội là chính sự hiện diện của Người. Nói cách khác, Giáo Hội chính là hiện thân của Chúa, làm cho sự hiện diện của Người lan rộng. Qua Giáo Hội, Chúa Giêsu không còn hiện diện ở một nơi nào cố định, mà Người hiện diện trên toàn thế giới.

Các tông đồ ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã ý thức được vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài hoạt động giữa các ông. Bài Sách thánh thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ kể lại cuộc gặp mặt quan trọng quy tụ các tông đồ. Cuộc gặp mặt này được gọi là Công đồng Giêrusalem, tức là cuộc họp chính thức đầu tiên của Kitô giáo. Được tổ chức vào khoảng năm 46, với mục đích giải quyết những vấn nạn liên quan đến việc các tín hữu gia nhập Giáo Hội. Thời đó, có những tranh cãi giữa các tín hữu và ngay cả giữa các tông đồ. Có người chủ trương phải cắt bì và tuân giữ Luật Môisen. Kết quả của cuộc tranh luận này được ghi ngắn gọn: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác, ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn máu, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”. “Văn kiện” của Công đồng đầu tiên của Giáo Hội ngắn gọn đơn sơ là thế, mà đánh dấu một bước tiến mới quan trọng: Giáo Hội Kitô như một mầm non tách khỏi cây cổ thụ Do Thái giáo để từ nay từng bước độc lập về hệ thống giáo lý cũng như về cơ cấu tổ chức. Đức tin Kitô giáo vẫn dựa nền tảng trên giáo huấn của Cựu ước, nhưng được canh tân đổi mới theo giáo huấn của Chúa Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa hiện diện như linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lớn mạnh nhanh chóng.

Ngày lễ Ngũ Tuần khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần, cũng là thời đại của Giáo Hội. Bởi lẽ Chúa Thánh Thần hoạt động thúc đẩy mỗi thành viên của Giáo Hội. Nhờ sức mạnh của Ngài mà người tín hữu can đảm tuyên xưng Đức tin, làm chứng cho Đức tin dù có phải đổ máu. Cùng với Thánh Thần, Đấng Phục sinh đã ban cho các môn đệ bình an của Người. Bài Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại tâm tình thương mến của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Những tâm tình thật thắm thiết và thiêng liêng. Người căn dặn các ông đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, “vì Thầy đi và Thầy sẽ đến cùng anh em”. Đó cũng là những tâm tình Chúa Giêsu dành cho chúng ta, là những môn đệ của Người sau hai mươi thế kỷ. Bởi lẽ chúng ta cũng được mời gọi mạnh dạn làm chứng cho Chúa qua việc thực thi giáo huấn của Người. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho chúng ta, để nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Mỗi tín hữu đều được trao sứ mạng loan truyền Đức Giêsu Phục sinh. Vì vậy, thời của Giáo Hội và cũng là thời của chúng ta, vì chúng ta làm thành Giáo Hội. Mỗi người đều là chi thể của thân thể, là Giáo Hội có Chúa Giêsu là Đầu.

Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Được Chúa Cha và Chúa Con hiện diện trong tâm hồn, đó là vinh dự lớn lao đối với người tín hữu. Vinh dự này là kết quả đến từ lòng mến Chúa. Lòng mến ấy được chứng minh qua cố gắng nỗ lực thực thi lời Chúa dạy. Hạnh phúc của những ai mến Chúa không chỉ ở đời này, mà còn tồn tại vĩnh viễn trong thế giới mai sau. Thánh Gioan tông đồ trong thị kiến đã thấy thiên đàng. Nơi đây không còn cần đến ánh sáng vật chất của mặt trời và mặt trăng, vì vinh quang Thiên Chúa toả rạng và Chiên Con là ngọn đèn chiếu soi”. Người công chính sẽ được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Họ sẽ trở nên bất tử, như Thiên Chúa, và được cùng sống mãi mãi với Ngài.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên