Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, trong năm 2023, tổ chức này đã quyên tặng khoảng 144 triệu euro để giúp đỡ các Kitô hữu đang đau khổ ở 138 quốc gia trên thế giới.
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết số tiền nhận được của tổ chức từ quyên góp và thừa kế vẫn bằng với các năm trước, nhờ đó họ có thể tài trợ cho các hoạt động dành cho các Kitô hữu nghèo trên khắp thế giới.
Tổ chức cho biết: “Sự quảng đại của gần 360.000 nhà hảo tâm mà tổ chức có ở hơn 23 quốc gia trên thế giới đã giúp cho khoản viện trợ này trở nên khả thi, vì Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ không nhận được viện trợ của nhà nước hoặc các tổ chức Giáo hội”.
Các quốc gia và châu lục được tài trợ nhiều nhất
Theo báo cáo, các quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất từ tổ chức là: Ucraina (7,5 triệu và trong hai năm liên tiếp), Syria (7,4 triệu) và Libăng (6,9 triệu).
Còn tại Châu Phi, nổi bật là các dự án và sáng kiến được thực hiện nhờ sự tài trợ của tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Burkina Faso.
Bà Regina Lynch, Chủ tịch điều hành của tổ chức, lưu ý: “Theo những con số gần đúng, lục địa này (Châu Phi) là quê hương của 1/5 số người Công giáo, 1/8 số linh mục, 1/7 số nữ tu và gần 1/3 tổng số chủng sinh trên thế giới. Hơn nữa, sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở một số quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Sahel, là nguyên nhân gây ra nhiều đau khổ cho các Kitô hữu trên lục địa này”.
Những con số trong năm 2023
Trong năm 2023, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã hỗ trợ cho 40.767 linh mục với 1,75 triệu euro, chủ yếu là bổng lễ. Tổ chức cho biết: “Cứ 18 giây thì có một Thánh lễ được cử hành ở đâu đó trên thế giới theo ý nguyện của các ân nhân của tổ chức”.
Tổ chức cũng hỗ trợ 11.000 chủng sinh: 5.793 chủng sinh ở Châu Phi, 2.103 ở Châu Mỹ Latinh, 1.996 ở Châu Á và 1.099 ở Châu Âu (trong đó có hơn 600 chủng sinh ở Ucraina).
Bà Lynch cho biết, trong năm 2024, tổ chức sẽ tập trung vào nhu cầu chăm sóc mục vụ và điều trị chuyên nghiệp cho những người bị chấn thương do chiến tranh và đàn áp khủng bố, và tăng cường sự giúp đỡ ở khu vực Sahel, nơi khủng bố thánh chiến đang lan rộng và các Kitô hữu ngày càng trở thành nạn nhân của bạo lực. (ACI Prensa 20/06/2024)
Hồng Thủy – Vatican News