Trong lòng người Việt, Đức Hồng Y Thuận đã là một vị thánh

81nGM5nncOL._SL1500_

Thái Hà (25.05.2017) – Những “nhân đức anh hùng” của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã công nhận hôm 4/ 5 vừa qua, không chỉ là Đức tin, Hy vọng và Bác ái mà ngài đã sống và làm chứng trong suốt 13 năm tù giam mà còn là bởi sự tận tụy của Đức Hồng Y đối với Học thuyết xã hội Công giáo. Thực tế, khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, ngài đã đưa ra Bản Tóm lược quan trọng về vấn đề này, và nó đã được xuất bản hai năm sau khi ngài qua đời.

Ở Việt Nam và cả hải ngoại, nơi người Việt Nam sinh sống, tin tức về việc Đức Hồng Y Thuận tiến gần hơn tới việc tuyên chân phước khiến mọi người rất đỗi vui mừng và hân hoan. Ai cũng biết câu chuyện về cuộc đời ngài cũng như các “nhân đức anh hùng” của ngài, trên hết đó là yêu thương. Một bạn trẻ chia sẻ: “Một lần, Đức Hồng Y đã nói với một lính canh tù rằng: Ngay cả khi các anh muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh bởi vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.”

Đối với bạn Giuse Vinh, một sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội, Đức Hồng Y Thuận “đã là một vị thánh.” Vinh nói: “Khi ở trong tù, ngài đã luôn cố gắng cử hành Thánh lễ cho chính mình và các tù nhân khác. Mỗi ngày ngài dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay của mình để cử hành Bí tích thánh thể, rồi ngài chuyền Thánh thể cho các tù nhân khác trong im lặng và bí mật. Đây quả là một đức tin mãnh liệt vời ngập tràn tình yêu!”

Một bạn trẻ khác cũng chia sẻ, ngài cũng là một chứng nhân của niềm hy vọng bởi lẽ “ngài luôn luôn yêu thương và nở nụ cười với các lính cai tù trẻ tuổi. Chính vì lý do này, lãnh đạo nhà tù đã cấm các lính cai tù trẻ này không được nói chuyện với ngài. Ban đầu, họ ban lệnh cứ 15 ngày phải đổi lính canh một lần, bởi lãnh đạo nhà tù sợ rằng các lính canh này có thể bị “nhiễm” các nhân đức của ĐHY, và sẽ kết bạn với ngài nếu như họ ở lại với ngài quá lâu. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại quyết định không đổi lính canh nữa, bởi sợ rằng toàn bộ lực lượng lính canh sẽ bị ngài ‘lây nhiễm’.”

Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Việc tưởng nhớ về Đức Hồng Y Thuận không chỉ dừng lại ở những câu chuyện về ngài, mà còn đi xa hơn nữa là sự noi gương, bắt chước các nhân đức của ngài. Vào ngày 24 tháng 4 năm 2014, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội, đã thành lập “Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận” để làm sáng danh “một đầy tớ xuất sắc của Chúa”.

Sau khi cha Mátthêu qua đời ngày 2 tháng 3 năm 2016, cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong tiếp tục công việc với vai trò chủ nhiệm hiện tại của CLB. Cha nói: “Công lao của Đức Hồng Y Thuận rất lớn, trong đó ngài đã biên soạn Bản tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo. Ngài thực sự là một đầy tớ xuất sắc của Chúa, ngài đã trải qua những tình huống mục vụ khắc nghiệt, bị kết án 13 năm tù giam mà không qua xét xử. Nhưng ngài luôn luôn sống trong đức tin và hy vọng.”

Tất cả thành viên của Câu lạc bộ luôn luôn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện và tiếp cận mục vụ. Câu lạc bộ có 4 mục đích cụ thể sau: 1. Cổ võ sứ điệp Hy vọng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận; 2. Phổ biến Bản tóm lược học thuyết Xã hội của Công Giáo; 3. Cầu nguyện cho tiến trình tuyên chân phước và tuyên thánh cho Đức Hồng Y; 4. Tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề trong Học thuyết Xã hội của Công Giáo.

CLB cũng theo đuổi mục tiêu thúc đẩy hy vọng giữa những người trẻ tuổi Việt Nam, giúp họ phát triển trình độ văn hóa. Như Đức Hồng Y Thuận vẫn thường mời gọi: “Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay hôm nay.”

Đến nay CLB đã thành lập được 3 năm và hiện trụ sở của CLB được đặt tại Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội. Nơi đây, các thành viên thành lập thành các nhóm tình nguyện để thu thập và quyên góp sách trong chương “Tủ sách Hy vọng”. Chương trình này sẽ được mở rộng đến các giáo xứ trong Tổng giáo phận Hà Nội trong thời gian tới.

Cha Gioan Phong chia sẻ: “Chúng tôi cần sự tham gia của giáo xứ để phát triển chương trình này. Bằng cách này, chúng tôi sẽ truyền bá sứ điệp hy vọng của Đức Hồng Y Thuận, giúp tăng cường vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh của Giáo Hội. Khi Giáo hội truyền giáo, thì Giáo hội trưởng thành.”

Những người Việt ở Mỹ

Đối với những người Công giáo Việt Nam đã di cư sang Mỹ, niềm hy vọng mà Đức Hồng Y Thuận mang nơi mình cũng chạm đến đất nước này. Ông Ngô Đình Thu, thuộc giáo xứ Thánh Barbara, nhớ lại khi ông tham dự thánh lễ với Hồng Y. “Tôi đã gặp ngài vào năm 2000 tại Missouri, tôi vẫn nhớ lời khích lệ của ngài cho tất cả chúng ta: “Anh chị em hãy luôn vui vẻ, đừng buồn phiền và hãy luôn mỉm cười với nhau. Anh chị em hãy tin Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúa Giêsu và Mẹ Maria sẽ luôn mang lại niềm vui và sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam. Ngay lúc này, chúng ta hãy cầu nguyện cho tự do của đất nước chúng ta.”

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo của Mỹ, bà Phạm Thanh Tâm chia sẻ: “Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một vị thánh và là một mẫu gương cho tất cả chúng ta. Chính nhân đức của ngài thúc đẩy tôi nỗ lực hết mình để làm sáng danh Chúa và mang Tin Mừng đến cho người khác.”

Anna Huê (theo Asianews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.