Trước tình trạng bạo lực, các lãnh đạo tôn giáo ở Pháp kêu gọi đối thoại và hoà bình

Bạo loạn trên đừng phố ở Pháp sau khi Nahel bị cảnh sát bắn chết

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo tôn giáo Pháp đã yêu cầu hòa bình và đối thoại. Theo Đức cha Matthieu Rougé, cần trở lại đối thoại, nơi mà sự tức giận có thể được bày tỏ và lắng nghe, để hòa bình trở lại.

Sau cái chết của Nahel vào thứ Ba 27/6/2023 ở ngoại ô thành phố Nantes, tại Pháp đã xảy ra những đêm bạo loạn và cướp bóc, thiệt hại và đụng độ với cảnh sát ở các thành phố lớn và vừa của Pháp. Khoảng 45.000 cảnh sát đã được triển khai để ngăn chặn đám đông bạo loạn khi nhiều người đốt xe, cướp phá các cửa hàng và tấn công vào các toà nhà thị chính và đồn cảnh sát. Hơn 2.800 người đã bị bắt trong những ngày vừa qua. Làn sóng biểu tình đã lan sang các nước châu Âu khác như Bỉ và Thuỵ Sĩ.

Hôm thứ Sáu 30/6/2023, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã kêu gọi cha mẹ của những kẻ bạo loạn, thường còn rất trẻ, nhận trách nhiệm của họ, cũng như các mạng xã hội, trong đó có Snapchat và TikTok, những ứng dụng mà theo ông là được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực.

Lời kêu gọi của Giám mục giáo phận Nantes

Hôm thứ Năm 29/6/2023, Đức cha Matthieu Rougé, giám mục giáo phận Nantes, đã đưa ra lời kêu gọi chung cùng với các nhà lãnh đạo địa phương của các hệ phái tôn giáo khác, kêu gọi sự bình tĩnh: “Là các nhà lãnh đạo tôn giáo của thành phố Nantes, với cam kết lâu dài đối với tình huynh đệ, chúng tôi muốn cùng nhau kêu gọi, trong những giờ phút khó khăn này đối với thành phố và đất nước của chúng ta, hãy đối thoại và hòa bình”. Sau đó, lời kêu gọi này đã dẫn đến lời kêu gọi từ các đại diện tôn giáo khác nhau ở cấp quốc gia.

Lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo tôn giáo của Pháp 

Hôm thứ Sáu ngày 30/6/2023, Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo của Pháp (CRFC) đã chia sẻ lời kêu gọi đối thoại và hòa bình. Văn bản được ký bởi Đức cha Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Pháp; Rabbi trưởng Haïm Korsia của Do Thái ở Pháp; giám đốc Đền thờ Lớn ở Paris và chủ tịch Mohammed Moussaoui của Hồi giáo, cũng như Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chính thống giáo; Chủ tịch Liên đoàn Tin lành và Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo bày tỏ sự gần gũi với gia đình của Nahel và bảo đảm cầu nguyện đặc biệt cho mẹ của cậu. Họ đồng thanh khẳng định rằng bạo lực không bao giờ là một con đường tốt. Họ cũng kêu gọi giữ gìn và củng cố “mối quan hệ tin cậy cần thiết giữa người dân và lực lượng trật tự”, những người “đã cống hiến rất nhiều trong những thử thách mà đất nước đã trải qua”. Hết sức lấy làm tiếc về việc phá hủy trường học, cửa hàng, tòa thị chính và phương tiện giao thông, họ nhấn mạnh rằng “những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả là cư dân, gia đình và trẻ em của những khu dân cư này”. Trong khi khuyến khích các nhà lãnh đạo quốc gia và các đại diện dân cử “làm việc cùng nhau một cách có trách nhiệm để khôi phục lại công lý và hòa bình”, các nhà lãnh đạo cộng đồng tôn giáo đã cam kết đóng góp vào nỗ lực này. Các ngài nói: “Xin cho tất cả các tín hữu ngày nay, hơn bao giờ hết, trở thành những người phục vụ cho hòa bình và công ích. Tất cả chúng ta cùng nhau sẵn sàng đóng góp cho công ích.”

Kinh cầu nguyện

Sau lời kêu gọi chung, các vị giám chức Pháp đã đề nghị các cộng đồng Công giáo trên toàn quốc, trong tất cả các buổi cử hành cuối tuần qua, đọc kinh này: “Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa ban bình an và hòa bình trở lại cho đất nước chúng con. Chúng con phó thác Nahel cho Chúa và cầu nguyện cho những người thân yêu của cậu. Xin Thánh Thần ánh sáng và bình an nâng đỡ họ. Chúng con phó thác cho Chúa những người bị thương trong những đêm bạo loạn này, và những người có nơi sinh sống hoặc làm việc đã bị phá hủy hoặc hư hại. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho những người đang tham gia vào các cơ quan thực thi pháp luật và các dịch vụ của nhà nước, đang chịu áp lực lớn và đôi khi bị tấn công. Xin truyền cảm hứng cho chúng con, để cùng với các tín hữu của các hệ phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác cũng như tất cả đồng bào của chúng con, biết cách trở thành những kiến ​​trúc sư của đối thoại và hòa bình. Chúng con cũng xin Chúa: qua những bùng nổ hiện nay, xã hội của chúng con có thể xác định rõ ràng nguyên nhân của bạo lực và tìm ra biện pháp để khắc phục nó.”

Phỏng vấn Đức cha Matthieu Rougé, Giám mục Nantes

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức cha Matthieu Rougé, Giám mục Nantes, thành phố tâm chấn của bạo lực, đã mời tất cả các tín hữu trở thành những người phục vụ hòa bình, tái khẳng định bằng cách đồng thanh, cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, nói “rằng bạo lực không bao giờ là một con đường tốt để đi theo”.

* Thưa Đức cha, tình cảnh tại giáo phận của Đức cha thế nào sau những đêm bạo lực?

– Một vài nơi tôi có thể đến thăm vào sáng thứ Sáu đã bị tàn phá hư hại, những chiếc xe bị cháy và người dân ở những khu vực nhạy cảm nhất rất xúc động. Vào cuối Thánh lễ, trong nhà thờ nhỏ ở giữa quận Picasso, tôi đã gặp gỡ một số tín hữu. Họ kiên trì cầu nguyện, trong hy vọng và ước muốn góp phần vào hòa bình, nhưng họ đã rất xúc động.

Ngoài Nantes, nhiều thành phố khác của Pháp cũng chìm trong bạo lực. Những biến cố này gợi lên cho ngài điều gì?

– Trong xã hội Pháp đã có một bạo lực lớn tiềm ẩn và gia tăng từ vài năm nay. Nguyên nhân thì nhiều và cần được xác định rõ hơn. Một tia lửa là đủ để bạo lực và các khu dân cư bùng cháy. Hôm nay chúng ta phải hoàn toàn mở lại những con đường dẫn đến hòa bình. Chúng nhất thiết ngụ ý một cuộc đối thoại trong đó mọi người có thể bày tỏ sự tức giận của mình, trong đó mọi người đều có thể được lắng nghe, trong đó điều gì đó có thể xảy ra để phá vỡ vòng luẩn quẩn này.

* Bản chất của tình trạng bất ổn sâu sắc và tiềm ẩn này của xã hội Pháp là gì?

– Có một khía cạnh xã hội, giáo dục và gia đình. Nói chung là thiếu tôn trọng phẩm giá con người trong mọi mặt của đời sống cộng đồng. Kết quả là không ai tôn trọng ai nữa. Từ quan điểm của gia đình, người ta nói nhiều về người mẹ của chàng trai trẻ đã chết, nhưng không đề cập đến người cha. Tôi rất ấn tượng bởi thực tế là ở những khu vực nhạy cảm nhất trong giáo phận của tôi có rất nhiều người mẹ tuyệt vời và can đảm. Họ đấu tranh cho con cái của họ, nhưng họ chỉ có một mình. Sự mất cân bằng gia đình này chắc chắn là một trong những nguyên nhân của bạo lực.

* Giáo hội Công giáo có thể đối diện với thách thức bạo lực này như thế nào?

– Hiện tại, tôi có thể chỉ ra ba khía cạnh. Đầu tiên là cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện và quy tụ các tín hữu để cầu nguyện, cùng nhau xin ơn hòa bình, để Chúa giải trừ vũ khí của các tâm hồn và mở ra con đường đối thoại. Thứ hai, sự quan tâm huynh đệ là trách nhiệm của chúng ta. Các tín hữu trong các cộng đồng của chúng ta ở những khu dân cư nhạy cảm nhất sống giữa những người khác ở những nơi mà trong ba đêm đạn cối xuất hiện, xe hơi bị cháy, cửa hàng bị hư hại và trường học bị phá hủy. Tất cả những điều này gây chấn thương cho những người thường xuyên tự hỏi liệu một vụ nổ có sắp đốt cháy căn hộ của họ hay không. Cuối cùng, chúng ta cần làm việc với tất cả các chủ thể khác trong xã hội để đưa cuộc đối thoại trở lại. Cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau của thành phố Nantes, các Kitô hữu ngoài Công giáo, người Do Thái và người Hồi giáo, chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết và đối thoại vào thứ Năm. Bất kể lòng trắc ẩn to lớn của chúng ta đối với gia đình có người mất, chúng tôi khẳng định rằng bạo lực không bao giờ là một phản ứng thích hợp để vượt qua những thảm hoạ vốn có thể dẫn đến sự tức giận hoặc đau khổ.

* Làm thế nào chúng ta có thể làm cho tình huynh đệ được cảm nhận trong một bối cảnh như vậy?

– Tôi rất vui vì chúng ta đã tìm được một sự đồng thuận nhanh chóng với tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo của thành phố Nantes. Tôi hy vọng rằng trong vài giờ tới chúng ta sẽ có thể mở rộng phạm vi. Và đây là một tín hiệu quan trọng. Tình huynh đệ hợp thời hơn bao giờ hết. Khi khó khăn, chúng ta phải phục vụ nó. Đây là những gì tôi đang nghĩ đến và làm ngay bây giờ: xem xét tất cả những gì có thể làm để khuyến khích đối thoại và quay trở lại hòa bình.

Vatican News