Caravaggio đương thời, được/bị xem là một kẻ càn quấy, huênh hoang, ngông cuồng và ưa gây hấn; một kẻ nát rượu, mê cờ bạc, thích giao du với bọn người bất hảo và rất hay đánh nhau…
Không phải ai cũng tin như vậy. Nhìn lại bối cảnh đương thời, trong khi ai cũng đang say sưa với các tiêu chuẩn thẩm mỹ Phục Hưng “vẽ người như Thần” và ai cũng tỏ ra có các dáng dấp quý tộc hoặc thèm muốn các quan hệ giới quý tộc… thì Caravagio cứ như là sự trêu ngươi. Ông quá tự tin vào tài năng và quá triệt để với cách nhìn hiện thực của mình. Ông không quan tâm đến các nguyên tắc “kiểu thức hóa”, và bất cần cả các tiêu chuẩn “chắt lọc”, “thăng hoa” mang tính hình thức đang là thời thượng. Ông cứ mang nguyên cái vẻ xù xì, thô kệch cả về thể chất lẫn cảm xúc của những con người thật chung quanh lên tranh.
Cách suy nghĩ khác quá xa so với tầm thời đại, và cái sự quá trung thực, có lẽ, mới là nguyên cớ chính đẩy ông vào tình trạng “đọa đầy” cả về thân xác lẫn tâm hồn trong đời sống hiện thực. Ông trở thành một kẻ “lập dị”, ương bướng, rất gần với “sự xấu xa”, và rất dễ bị “chụp mũ cho những điều xấu xa”. Tranh của ông đương thời, tuy vẫn được nể phục, nhưng không được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, người ta cũng đã có thể nhận thấy các dấu vết ảnh hưởng ông ở các nghệ sĩ lớn ngay sau ông như Rubens, Jusepe de Ribera, Bernini, và Rembrandt. Và, thời gian cũng đã ủng hộ ông. Từ đầu thế kỷ 20, ông đã được phát hiện lại, và được nhìn nhận như một thiên tài.
Những bức tranh chủ đề Công Giáo “phi lý tưởng hóa” một thời bị cho là “thô lỗ” của ông đã được nhìn nhận trở lại như là những kiệt tác. “Sự nghi ngờ của Thánh Tôma” của Caravaggio là một trong những tác phẩm đã được phát hiện lại trong sự thán phục như vậy.
Chúng ta hãy nghe E.H Gombrich mô tả bức tranh này: ”Ba vị Tông Đồ đang nhìn chăm chăm vào Chúa Giêsu, một người trong bọn họ chọc ngón tay vào vết thương ở cạnh sườn Người, trông khá kỳ quặc. Ta có thể hình dung một bức tranh như vậy đã xúc phạm đến những kẻ mộ đạo ra sao vì tỏ ra bất kính và thậm chí báng bổ. Họ đã quen thấy các Tông Đồ với dáng vẻ cao trọng trong những nếp áo đẹp đẽ, nhưng ở đây, các ngài lại giống những người lao động bình dân, với những gương mặt phong trần và những vầng trán nhăn nheo. Nhưng Caravaggio có lẽ sẽ trả lời rằng các ngài thật sự là những kẻ lao động tuổi tác, những con người bình dân. Còn về cái cử chỉ không xứng hợp của Tôma kém lòng tin, thì Kinh Thánh đã tường thuật rất rõ. Chúa Giêsu đã nói với ông: “Đưa tay ngươi ra đây, và hãy xỏ vào cạnh sườn ta; và đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” (Gioan xx, 27)” (Câu chuyện nghệ thuật-E.H. Gombrich)
Trong đoạn mô tả trên, E.H. Gombrich cho chúng ta thấy tình thế “cần biện bạch” của bức tranh khi mới ra đời. Tuy nhiên, trong sự “biện bạch” ông cũng chỉ dừng lại ở nhãn quan “duy thực”, vẫn tin Caravaggio là một họa sĩ “duy thực” triệt để. Ông vẫn cho cái cách của Caravaggio là “sao chép thiên nhiên một cách trung thành, bất kể nó xấu hay đẹp…”, “và ông làm mọi điều có thể để các nhân vật trong bản văn cổ trông thật hơn và dễ cảm nhận hơn…” (sách đã dẫn)
Các nhà phê bình “Ký hiệu học nghệ thuật” sau này, đã nhìn nhận nghệ thuật Caravaggio hơi có phần khác. Người ta nhận thấy, sự tương phản mạnh trong cách thể hiện ánh sáng trong tranh ông, không chỉ nhằm tạo kịch tính mà là một yếu tố ngôn ngữ có tính tư tưởng. Cái phong cách hiện thực trần trụi trong tranh ông cũng không còn được nhìn nhận như “cái nhìn quỷ ám” hay tầm thường… mà được xem như một sức mạnh có khả năng biểu hiện cái đẹp của sự thật và chân lý. Hãy xem lại tác phẩm.
Trong tranh, Chúa Giêsu không có vòng hào quang trên đầu như thường thấy, và gương mặt Người bị che khuất trong tối. Nổi bật trong tranh là hình ảnh hai bàn tay Chúa Giêsu, một tay vén áo, một tay cầm tay Thánh Tôma đưa vào vết thương trên cạnh sườn của Người. Và thêm nữa là hai vầng trán sáng: vầng trán nhăn nheo của Thánh Tôma ở phía trước, và vầng trán hói của Thánh Phêrô ngay phía sau.
Người ta nhận thấy trong cách bố cục này, Caravaggio muốn truyền tải mấy thông điệp chính:
Một, Chúa Giêsu đã cầm tay Thánh Tôma đưa vào vết thương trên cạnh sườn của Người. Người muốn các Thánh Tông Đồ “phải thấy” dấu vết sự khổ nạn của Người. Và cả với chúng ta cũng vậy. Sự nhận biết Thiên Chúa từ nay, không phải từ hình ảnh trần thế của Người, mà từ ý nghĩa của sự khổ nạn vì Công Cuộc Cứu Chuộc của Người. Trong thực tế đời sống tôn giáo, nhiều khi chúng ta đã quên đi điều này!
Hai, hai vầng trán sáng của Thánh Tôma và Thánh Phêrô, là một cách giải thích căn nguyên của sự nghi ngờ – của các Thánh và của cả chúng ta. Đó là sự nghi ngờ của đầu óc, của lý trí trần tục hạn hẹp. Cũng có thể nói ngược lại: chính sự hạn hẹp của đầu óc, của lý trí trần tục là căn nguyên của sự nghi ngờ. Và đó, không phải là cách tiếp cận Thiên Chúa!
Ba, cái dáng dấp thô kệch cùng hình ảnh thể hiện hành vi hơi có phần thô lỗ, tầm thường ở các Thánh Tông đồ này, càng nhấn mạnh cho cái tư cách trần tục của họ (và của chúng ta) trước Thiên Chúa. Sự nghi ngờ ở đây, đã được thể hiện như một sự thô lỗ, tầm thường và hạn hẹp…!
Đã đến lúc chúng ta quay trở lại với những câu chuyện trong Kinh Thánh xoay quanh chủ đề “sự nghi ngờ của Thánh Tôma” và suy gẫm về nó. Chúng ta hẳn thấy, Caravaggio đã nghiền ngẫm Kinh Thánh với những suy tư sâu sắc như thế nào.
(NGUYÊN HƯNG-trích từ “Nghệ thuật Công giáo”)