Câu trả lời của bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề đạo đức xuống cấp tạo ra một làn sóng phản đối và chê bai ông. Nhưng trên một góc độ khác, cả câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, và câu trả lời của bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đều khẳng định, đạo đức xã hội ta xuống cấp.
Mấy ngày nay, rất nhiều người lí giải nguyên nhân đạo đức xuống cấp. Rất nhiều vấn đề cụ thể đượcnêu ra. Nhưng theo tôi, đó chỉ là cái ngọn. Chúng ta cần nói đến một nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn, mà có vẻ như nhiều người còn né tránh, không muốn đụng đến.
Từ 73 năm qua, đất nước chúng ta được dẫn dắt bởi một chủ thuyết, ban đầu ở một vùng, rồi lan rộng ra toàn miền Bắc, và 43 năm nay là cả nước. Trước đó, đội ngũ dẫn dắt đã khéo léo giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, nên lôi kéo được nhiều trí thức, nhân sĩ yêu nước đi theo mình. Tuy nhiên, càng về sau, đội ngũ dẫn dắt này càng xa rời dân tộc dân chủ, hướng tới một mục tiêu không có thật. Nói cho đúng, đó là một mục tiêu được vẽ ra. Cả dân tộc đều bị dẫn dắt đi theo một mục tiêu vẽ.
Từ cấu trúc thượng tầng cao nhất của xã hội, chúng ta đã không có một phương hướng phát triển cụ thể, thì việc cái xã hội này mất phương hướng là chuyện rất bình thường, dễ hiểu. Sự mất phương hướng không chỉ ở các tầng lớp nhân dân, quần chúng, mà ở ngay các quan chức cao cấp.
Sự mất phương hướng của các quan chức cao cấp thể hiện như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Thiện đã không biết phương hướng nào để trả lời, vì phương hướng của ông phụ thuộc vào cái gật đầu của cấp trên của ông, nên ông đổ cho kinh tế. Sự mất phương hướng thể hiện rõ nét nhất ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Họ cải cách, cải tiến xà quần, làm cho mọi thứ rối tung lên.
Trong tất cả các Bộ trưởng, cũng đã có vài người xác định được phương hướng cần phải đi, như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, hay Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Nhưng, họ lại bị cấp trên truất quyền điều hành, hoặc họ tự thấy không được quyền đi đúng hướng, nên họ chủ động rút lui.
Cũng có Bộ trưởng xác định được phương hướng, và quyết tâm đi theo phương hướng đó, nhưng dư luận lại không cho. Trong cái mớ hỗn độn vô phương hướng, không mấy ai có đủ khả năng nhìn nhận ra phương hướng cần phải có. Đó là trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay. Thật trớ trêu, khi bà chấp nhận xuôi tay, thì tỉ lệ ủng hộ bà ở Quốc hội lại tăng lên đáng kể.
Ở cấp điều hành, sự mất phương hướng khiến cho các thành viên điều hành không dám tự quyết. Đồng thời, việc mất phương hướng làm cho việc định hướng chủ trương chính sách trở nên khó khăn, dẫn đến sự lợi dụng và lũng đoạn chính sách cho các mục tiêu mang lại lợi ích cho một nhóm người, tạo ra bất công xã hội. Từ đó, hình thành những tập đoàn tham nhũng bao gồm cả những thành viên cao cấp nhất trong bộ máy điều hành.
Việc mất phương hướng ở cấp điều hành dẫn đến việc toàn bộ bộ máy bị rối loạn, phải áp dụng các biện pháp trái với qui luật hòng duy trì sự ổn định, duy trì quyền lực của bộ máy điều hành. Từ đó dẫn đến những chính sách nặng về trấn áp, thiếu nhân văn, vô đạo đức. Đó là cuộc cải cách ruộng đất, đó là những cuộc cải tạo công thương nghiệp đẫm nước mắt và cả máu, ở cả hai miền Nam Bắc.
Những chính sách nặng về trấn áp, thiếu tính nhân văn, và vô đạo đức không chỉ phá hỏng nền kinh tế, mà còn làm sụp đổ các nền tảng đạo đức xã hội.
Trong khi các thành viên cấp cao của bộ máy điều hành nói dối không ngượng miệng, ngụy biện, đánh tráo khái niệm một cách cực kì trơ trẽn, vô liêm sỉ, thì những thành viên cấp thấp của bộ máy lại sẵn sàng hành hung dã man người biểu tình, đánh chết người trong các đồn công an, sử dụng bạo lực tấn công những người không cùng chính kiến, hoặc viết ra những lời thóa mạ tục tĩu trên mạng xã hội…
Khi các nền tảng đạo đức không còn, các chuẩn mực đạo đức bị phá vỡ, thì từ cấp cao nhất đến cấp thấp hơn trong bộ máy điều hành đều tập trung tìm cách vơ vét cho mình, bất chấp liêm sỉ, bất chấp khả năng sinh tồn và sự an nguy của đồng bào, của xã hội, và của dân tộc.
Rồi cứ như thế, các tác động từ bộ máy điều hành lan rộng ra, làm băng hoại đạo đức của toàn xã hội.