Chương I
SALVE REGINA, MATER MISERICORDIE
KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG, MẸ TÌNH THƯƠNG
Tiết thứ nhất
Maria, Trinh Vương Thương Xót
Nữ vương tình thương
Nương theo những luận chứng trên; ta quả quyết Mẹ Maria thật là Nữ Vương. Một yếu tố quan trọng cần thiết đem về cho tất cả chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là một Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm ban ơn lành cho loài người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo Hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương thương xót.
Thánh Albertô Cả nhận xét: danh từ Nữ Vương (regina) vừa có nghĩa là thương cảm, vừa có nghĩa là săn sóc lớp người đau khổ trên đời, khác với danh từ Nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa là nghiêm nghị, khắc nghiệt. Triết gia Senaca viết: “vẻ huy hoàng của các bậc hoàng đế, các vị Nữ Vương hệ tại cứu trợ những người đau khổ”. Các bạo vương thường lạm dụng quyền hành để mưu tư lợi, nhưng các vị hoàng đế lại phải hay chú tâm đến công ích của thần dân. Vì lý do đó, trong lễ nghi phong vương, người ta đổ trên đầu vị hoàng đế được tôn phong một thứ dầu, tượng trưng tình thương, để nhắc nhở cho nhà vua rằng, trên ngai vàng, ngài phải có một tâm hồn đầy trắc ẩn và khoan dung đối với thần dân hơn mọi yếu tố khác.
Theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của các bậc đế vương là phải ân cần phát huy tình thương, nhưng có một luật trừ là, trong trường hợp cần thiết vẫn phải dùng đến công lý để xét xử những kẻ phạm pháp. Luật trừ này không áp dụng cho Mẹ Maria. Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nắm giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bố đức và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo Hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ là Trinh Vương Thương Xót.
Đọc những lời sau đây của thánh vương Đavit: “Một lần Thiên Chúa phán, hai lần tôi đã được nghe: ấy là: uy lực thuộc phần Thiên Chúa. Cả ân nghĩa cũng thuộc quyền Người (Tv 61,12)”. Cha Gioan Gerson, chưởng ấn thời danh của trường đại học Bale giải thích rằng: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền vào tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”. Theo ngài thì quyền tối cao được thi hành bằng công lý và tình thương này, Chúa đã chia ra làm hai dành cho Mẹ Maria sử dụng; vì ý định của Chúa là tất cả tình thương ban cho loài người đều do tay Mẹ Maria định đoạt, và ban ra tuỳ sở ý: Trong cuốn Thánh thư các tông đồ, Đức Hồng Y Tôma xác nhận đặc ân này của Đức Mẹ như sau: “Khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng, và sau đó sinh hạ Con Thiên Chúa ra trên trần gian, Mẹ đã được hưởng một nửa nước Thiên Chúa: Mẹ được tôn lên làm Nữ Vương tình thương, y như Chúa Kitô là Vua công lý”.
Tuyển nhiệm Chúa Kitô làm Vua công lý, Cha hằng cữu đã lập Ngài làm phán quan đoán xét cả thế gian, như có lời tiên tri ca tụng: “Lạy Thiên Chúa, xin ban quyền xét xử của Người cho vua, và cho hoàng tử, đức công minh của Người”.(Tv 72,1). Nhưng một nhà chú giải thời danh đã lập lại rằng: “Vâng, lạy Chúa, Chúa uỷ nhiệm con thi hành công lý, vì quyền sử dụng tình thương, Chúa đã uỷ thác vào tay Thái hậu cả rồi”.
Thánh Bonaventura cũng rất có lý khi thay đổi ý nghĩa câu trên của nhà Thánh vịnh là: “Lạy Chúa, xin trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, còn tình thương, xin trao vào tay Nữ Vương, Thái hậu của Ngài”. Đức cha Ernesto, Tổng giám mục Praga, cũng diễn tả cùng tư tưởng đó. Đức cha viết: “Cha hằng hữu đã trao toàn quyền thẩm phán cho Con Cha, còn nhiệm vụ phát huy tình thương thì trao toàn quyền cho Mẹ Maria”. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu, như vậy, là thẩm phán và trừng phạt; và nhiệm vụ của Mẹ Maria chỉ là thương cảm và uỷ lạo mà thôi. Chính vì thế, chính vì mục đích tuyển nhiệm Mẹ Maria làm Nữ Vương tình thương mà theo lời vua Đavit, có thể nói, Chúa đã xức dầu tấn phong cho Maria, tràn đổ trên Mẹ ‘thứ dầu hoan lạc’ (Tv 45,8). Thật hoan hỉ biết bao cho lũ con cháu Adam nghèo khổ chúng ta, khi tưởng đến trên trời chúng ta có một vị Nữ Vương cao cả hằng trào đổ xuống trên chúng ta ‘một thứ dầu trắc ẩn và lân tuất dư đầy’ như lời thánh Bonaventura đã nói.
Tác phẩm “Vinh Quang Đức Maria” của Thánh Anphong sô