Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Nguyễn Trãi (1380-1442) mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo như sau:
Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân,
Điếu phạt vi sư mạc tiên khử bạo.
Như nói chuyện Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bằng,
Sơn xuyên chi cương vực ký thù,
Bắc Nam chi phong tục diệc dị.
Trong Việt nam Sử lược, học giả Trần Trọng Kim cung cấp một bản dịch mà nhiều người nói là của cụ Bùi Kỷ: “Việc nhân nghĩa cốt yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn bất hủ, lời lẽ hùng tráng mà ý kiến cũng rất sâu sắc. Được sáng tác vào năm 1427 khi nước ta vừa giành lại được độc lập từ tay quân Minh, Bình Ngô Đại Cáo có giá trị của một bản tuyên ngôn độc lập. Nó xác nhận văn tài xuất chúng và ý thức chính trị phi thường của Nguyễn Trãi, một trong những anh hùng kiệt xuất nhất trong suốt dòng lịch sử của nước ta. Hầu hết mọi người Việt nam đều chỉ biết đến Bình Ngô Đại Cáo qua bản dịch của Trần Trọng Kim (hay Bùi Kỷ?). Bản dịch đó cũng là một tuyệt tác. Tuy nhiên, phù hợp với văn phong của thời các cụ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, nó chú trọng đến lời văn và âm hưởng nhiều hơn là ý, và địch giả đã bỏ qua một chi tiết có tầm quan trọng rất lớn trong sự tồn tại của đất nước ta mà Nguyễn Trãi đã nêu ra. Sơn xuyên chi cương vực ký thù được dịch là Sơn hà cương vực đã chia thay vì núi sông bờ cõi riêng biệt hay lãnh thổ có núi ngăn chia, bỏ qua mất cụm từ sơn xuyên, có nghĩa là núi sông nhưng cũng có thể có nghĩa là cách núi. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh sự kiện Việt nam và Trung Quốc cách nhau một dãy núi. Câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo có thể dịch sát nghĩa hơn như sau:
“Chính trị chuyên mưu tìm hòa bình, chiến tranh chỉ là để khử trừ bạo ngược. Nước Việt nam là một nước văn hiến, lãnh thổ có núi ngăn chia, phong tục Bắc Nam khác nhau…”
Bỏ qua vách núi là bỏ qua một yếu tố rất quan trọng của nước ta. Chính nhờ núi mà nước ta còn đến ngày nay. Dọc theo biên giới Trung Quốc là cả một vùng núi non dày đặc, dày gần một trăm cây số. Dọc theo biên giới Lào là dãy Trường Sơn. Hai dãy núi này kết hợp với nhau làm một tường thành kiên cố che chở và cô lập các đồng bằng miền Bắc và miền Trung nước ta. Chính nhờ núi mà Trung Quốc đã không thể thôn tính và đồng hóa nước ta, và cũng nhờ núi mà nước Lào đã không bị Việt hóa.
Trước đây khi nước ta chưa thực sự hình thành, thế lực còn đơn sơ đến độ một đạo quân nhỏ cũng đủ đề chinh phục, Trung Quốc đã đặt được sự thống trị lên quận Giao Chỉ, nhưng số người Tàu đủ mạo hiểm để vượt núi qua nước ta lập nghiệp đã rất giới hạn. Vì thế mà một ngàn năm Bắc thuộc đã không thể biến Việt nam thành một vùng hoàn toàn hội nhập vào Trung Quốc. Khi người Việt nam trở thành đông đảo với thời gian và giềng mối xã hội trở thành gắn bó, ta đã đuổi được quan cai trị người Tàu rồi bảo vệ được nền độc lập. Từ khi giành hẳn được độc lập, năm 939 ta chỉ bị rơi vào ách Bắc thuộc hai mươi năm, từ 1407 đến 1427, trong một bối cảnh suy đồi đặc biệt. Cuộc chiến tranh giải phóng do Lê Lợi cầm đầu đã rất vẻ vang, nhưng khách quan mà nói lực lượng Trung Quốc xa hậu cứ và khi phải đương đầu với cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc đã không chứng tỏ một quyết tâm đặc biệt nào đề duy trì nền thống trị.
Các đạo quân xâm lăng phải vượt qua những đường mòn chật hẹp dài cả trăm cây số nên vận tải lương thực rát khó khăn, và làm mồi ngon cho các cuộc phục kích. Muốn xâm nhập nước ta, quân Trung Quốc thường phải đi đường biển đổ bộ xuống vùng Nghệ An, rất xa địa điểm xuất phát xét theo phương tiện di chuyển ngày xưa, hay cửa Bạch Đằng, tuy gần hơn nhưng vẫn còn phải đi một chặng đường hiểm trở đề tiến về Hà Nội.
Nhờ thường xuyên đánh thắng quân xâm lăng phương Bắc, chúng ta thường tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, mà ít khi chịu khiêm tốn đề nhìn nhận rằng sự tồn tại của nước ta chỉ được bảo đảm nhờ vách núi dày đặc và hiểm trở. Nhiều nhà lý luận nặng đầu óc dân tộc đã biện bạch rằng dân ta đứng vững được nhờ có một nếp sống riêng, một nền văn hóa dân tộc cao, một tinh thần dân tộc cao và một tinh thần chiến đấu đặc biệt kiên cường.
Những yếu tố đó đều đúng nhưng chỉ đúng một phần mà thôi. Ta đã phóng đại và huênh hoang quá đáng.
Thực ra tinh thần dân tộc của ta không lấy gì làm mạnh và khả năng chiến đấu của ta tuy khá nhưng không thể nói là phi thường.
Về văn hóa, ta đã bắt chước người Tàu một cách mê mải và vô điều kiện. Nếu văn hóa của ta vẫn còn khác văn hóa Tàu thì cũng chỉ vì ta bắt chước chưa xong mà thôi. Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn là ở bản chất.
Sau này khi lệ thuộc người Pháp, chúng tà cũng đã mê mải chạy theo văn hóa Pháp. Nhiều người còn muốn quên hẳn gốc gác Việt nam.
Những người “vong bản” này không hẳn là những người “phản quốc”, ngay cả “phản quốc” hiểu theo nghĩa cộng sản. Năm 1980, tôi có dịp nghe một bài nói chuyện của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. Ông Phạm Văn Đồng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc chiến tranh cam go chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Đồng là người đã giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất tại Việt nam trong gần 40 năm. Trong các lãnh tụ cộng sản, ông là người được các đảng viên kính trọng nhất sau ông Hồ Chí Minh. Ông được coi là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu có văn hóa cao. Điều đặc biệt là ông Phạm Văn Đồng, mặc dầu đảm nhiệm chức vụ chính trị quan trọng đã tỏ ra đặc biệt ưu tư tới tiếng Việt ông viết một loạt bài dưới đề tựa “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Và tôi đã nghe ông Đồng nói những gì? Bài nói chuyện của ông có ít nhất 20% là tiếng Pháp. Ông chêm tiếng Pháp bất cứ lúc nào ông có thể chêm được. Có khi ông nói cả những câu hoàn toàn bằng tiếng Pháp mà hầu hết cử tọa không hiểu. Tôi hỏi một người bạn đảng viên khá cao cấp đã nhiều lần nghe ông Đồng thuyết trình, anh ta cho hay ông Đồng lúc nào cũng nói như vậy vì ông ấy học giỏi và quen miệng nói tiếng Pháp. Thực ra bác sĩ Đặng Văn Hồ (mà tôi gọi bằng chú do một liên hệ gia đình gián tiếp), bạn học của ông Đồng, cho tôi hay ông Đồng chưa học hết trung học bản xứ và đã từng nói với bác sĩ Đặng Văn Hồ rằng: “Mày đậu tú tài thì học tiếp tao không có tú tài thì đi làm cách mạng”. Như thế vốn liếng tiếng Pháp của ông Đồng tuy có thực nhưng không nặng đến nỗi sau hơn một nửa thế kỷ đấu tranh chống Pháp ông vẫn còn phải chêm tiếng Pháp luôn miệng như vậy. Tôi học và sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn hẳn ông Đồng, tôi cũng sinh sống tại đất Pháp lâu năm, nhưng không có nhu cầu phải pha thêm tiếng Pháp trong khi viết và nói tới mức độ như ông Đồng. Ông Đồng chêm tiếng Pháp vì ông thích tiếng Pháp, cho rằng nói tiếng Tây là sang. Và ông nghĩ như vậy, bởi vì những người chung quanh ông cũng nghĩ như vậy, người Việt nam rất vọng ngoại về mặt văn hóa.
Đã nói tới người cộng sản thì cũng phải nói đến người quốc gia. Ông Nguyên Văn Thiệu tuy vốn liếng tiếng Pháp chẳng hơn gì ông Đồng là mấy nhưng cũng luôn miệng nói tiếng Pháp. Trong biên lai mà ông ký cho tướng Trần Văn Đôn đễ nhận một triệu đồng tiền thưởng của tình báo Mỹ sau cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông viết “Bon pour 1.000.000 piastres”. Một biên lai giữa người Việt với nhau lại viết bằng tiếng Pháp. Như thế mới sang. Trong thời gian làm việc tại Ngân Hàng Việt nam Thương Tín và Bộ Kinh Tế, tôi đã được đọc nhiều hồ sơ. Hồ sơ nào hầu như cũng pha tiếng Pháp, có hồ sơ hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đó là sau khi Pháp đã ra đi gần 20 năm!
Sức chiến đấu kiên cường của ta cũng cần xét lại. Quả thật ta đã có những chiến công hiển hách, nhưng cũng có những lúc mà sức chiến đấu của ta kể như không có. Bảy người lính Pháp đã có thể vào chiếm tỉnh Ninh Bình, bắt quan quân Việt nam quì gối hạ khí giới. Vài trăm lính Pháp đã có thể hạ được Thăng Long, đánh tan nhiều ngàn quân Việt nam, một lần bắt sống Nguyễn Tri Phương, một lần buộc Hoàng Diệu phải tuẫn tiết.
Hồ Quí Ly chuẩn bị một đạo quân đông đảo và hùng hậu dề đương đầu với quân Minh. Nhưng chỉ một đạo quân nhỏ của Trương Phụ đã đánh tan được toàn bộ quân nhà Hồ và bắt sống Hồ Quí Ly trong một thời gian chớp nhoáng.
Vậy phải giải thích thế nào những chiến công của ta? Quan sát kỹ ta thấy người Việt nam có tâm lý sợ và phục tùng uy quyền. Khi có những cấp chỉ huy cứng cỏi, họ chiến đấu có hiệu lực. Nhưng không nên vội đồng hóa tâm lý sợ và phục tùng cấp trên với ý chí sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh vì đất nước. Trong một đoạn khác tôi sẽ trở lại vấn đề này.
Tôi nói văn hóa đặc thù của ta không có bao nhiêu, tinh thần dân tộc và khả năng chiến đấu của ta chỉ giới hạn hoàn toàn không phải nhằm mục tiêu hạ nhục dân tộc ta. Để làm gì?
Tôi chỉ muốn lưu ý rằng khả năng tự vệ của dân tộc ta thực ra chỉ vừa phải, chúng ta đã tồn tại được chủ yếu là nhờ có núi làm biên giới thiên nhiên. Ngày nay, trong thế giới hiện đại này, núi không còn là mộc che thân của ta nữa và biển lại là cửa vào xâm nhập lý tưởng; sự xâm nhập không còn bằng quân sự mà bằng văn hóa, kinh tế, thương mại, sách báo, phim ảnh, âm nhạc. Ta phải hết sức lo lắng để giữ nước vì bài toán giữ nước đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta không còn trông vào núi được nữa. Muốn giữ nước từ đây ta phải có khả năng tự vệ thực sự, tinh thần dân tộc thực sự, lòng yêu nước thực sự.
Làm thế nào đề có những yếu tố đó phải là ưu tư của mọi người quan tâm tới đất nước.
Nguyễn Gia Kiểng
trích trong tác phẩm: Tổ Quốc Ăn Năm. Đăng lại từ vinadia.org