FB: Nguyễn Khánh
Thái Hà (12.08.2016) – Hôm nay sau 46 năm sống trong tủi nhục, trong sự khinh bỉ của bà con làng xóm, “người tử tù” 80 tuổi Trần Văn Thêm đã được minh oan trong một buổi lễ kéo dài gần một giờ đồng hồ.
Hội trường của UBND huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) sáng 11-8 chật ních người. 8h30 phút, ông Trần Văn Thêm được hai người cháu dìu vào hội trường trong sự chào đón trọng thị của những người dân có mặt trong khán phòng.
Lần lượt lãnh đạo của Bộ công an và Toà án nhân dân đọc quyết định đình chỉ và xin lỗi người cựu tử tù. Suốt cả buổi lễ ông Thêm không khóc, ông chỉ trầm ngâm và thỉnh thoảng cười…
46 năm trước, vì gia đình rất nghèo, ông Thêm thường xuyên phải đạp xe đạp thồ hàng đi khắp các tỉnh từ Bắc Ninh – Hà Nội – Vĩnh Phú (cũ)… để buôn thuốc lào, buôn mắm, muối kiếm sống. Năm 1970, trong một chuyến đi buôn, khi ông Thêm cùng người em họ là Nguyễn Khắc Văn dừng chân nghỉ tại một căn lều tạm cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) thì xảy ra vụ cướp.
Trong lúc xô xát với nhóm cướp này, ông Văn bị đánh chết, ông Thêm cũng bị thương nhưng lại bị cho rằng dàn dựng vụ cướp và là người đã giết chết ông Văn để cướp của. Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về tội giết người. Một năm sau, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án sơ thẩm.
Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương. Ngày 29 Tết năm 1975, người tử tù Trần Văn Thêm được thả về địa phương với một lý do: “Cho về nhà do có vết thương ở đầu”. Các cơ quan chức năng thời đó dẫu biết ông vô tội nhưng không dám đối mặt với sự thật và không đưa ra một quyết định oan sai…Ông trở về nhà trong thân phận tủi nhục của một kẻ giết người và trong sự dè bỉu của làng xóm.
“Giờ tôi chết cũng yên lòng rồi…” ông Thêm nói ngắn gọn với tôi như vậy trước khi được người cháu trai dìu lên xe để trở về nhà. Kể từ ngày hôm nay, người đàn ông này đã chính thức được minh oan và được trả lại tự do về tinh thần sau gần nửa thế kỷ dài đằng đẵng. Không ai có quyền được nói mong ông tha thứ – bởi câu nói đầy phẩm giá đó chỉ có ông Thêm mới đủ lòng tự trọng để nói ra. Gần 50 năm trời – nỗi đau nào ai thấu ?
Nguồn: Fb Nguyễn Khánh