Chúa Giêsu yêu chúng ta nhiều đến nỗi Ngài sẵn sàng hy sinh chính Ngài bằng cách chết trên Thập Giá vì chúng ta. Chúa Giêsu không chỉ chịu đau khổ và đổ từng giọt Máu Rất Châu Báu của Ngài để cứu rỗi toàn thể nhân loại, mà Ngài còn chịu đựng tất cả những đau đớn tột cùng đó cho bạn và cho tôi.
Các thánh chỉ ra rằng nếu bạn là người duy nhất sống trên thế giới thì Chúa Giêsu đã phải trải qua tất cả những đau đớn khủng khiếp nhất trong Cuộc Khổ Nạn đau thương của Ngài chỉ vì bạn. Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta: “Chúa Giêsu đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2:20)
Trong “Nhật Ký – Lòng Chúa Thương Xót trong Linh Hồn Tôi,” Thánh Faustina nói rằng chúng ta có thể thực sự hiểu ý nghĩa của tình yêu bằng việc sẵn sàng chịu đau khổ vì người mình yêu. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài sẵn lòng chịu khổ nạn không chỉ một lần mà nhiều lần cho mỗi người chúng ta. Ngài là Con Chiên vô tội chịu đau khổ vì tội nhân. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho bạn và cho tôi lớn lao biết bao!
Ở mức độ con người và tự nhiên, tất cả chúng ta đều biết mình trải qua đau khổ thế nào khi thể hiện tình yêu to lớn dành cho ai đó nhưng người đó lại lạnh lùng và thờ ơ với chúng ta, thậm chí có thể làm ngơ chúng ta.
Vì vậy, đó là mối quan hệ của chúng ta với người yêu vĩ đại nhất – Chúa Giêsu Kitô. Ngài yêu chúng ta bằng ngọn lửa thiêu đốt Thánh Tâm Ngài. Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12:49) Ngọn lửa bùng cháy trong Trái Tim Chúa Giêsu cho bạn và cho tôi hầu như không thể dập tắt được, nhưng chúng ta có thể đáp lại ngọn lửa tình yêu này bằng cách nào?
Chúa Giêsu đã phàn nàn với Thánh Margaret Maria Alacoque khi Ngài cho thấy Thánh Tâm Ngài có vòng gai bao quanh và ngọn lửa bùng lên: “Đây là Trái Tim đã yêu thương quá nhiều và chỉ nhận được sự lạnh lùng, vô ơn và thờ ơ. Hãy an ủi Trái Tim Ta.”
Một trong những cách mà chúng ta có thể an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu, một Trái Tim tràn đầy tình yêu và lòng thương xót, là yêu những gì Ngài yêu, bằng cách dâng những hy sinh, dù nhỏ nhoi, để hoán cải và cứu rỗi những tội nhân đáng thương. Chúa Giêsu không nhìn quá nhiều vào sự vĩ đại của hành động, nhưng đúng hơn, vào cường độ của tình yêu trong hành động. Hãy nhớ câu chuyện đồng xu của bà góa trong Kinh Thánh.
Thật vậy, các linh hồn bất tử có thể được cứu khỏi lửa hỏa ngục và đạt được sự cứu rỗi đời đời nếu giống như những đứa trẻ ở Fatima, chúng ta có thể hình thành thói quen dâng những hy sinh nhỏ cho Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria với ý định trong sạch và tình yêu lớn lao. Thánh GH Gioan Phaolô II đã gọi Giaxinta là “Linh Hồn Hy Sinh Bé Nhỏ” vì em đã làm đúng như vậy!
Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra một danh sách những hy sinh nhỏ mà bạn có thể thực hiện và chia sẻ với gia đình mình. Mỗi hy sinh nhỏ bé là một biểu hiện cụ thể của tình yêu của bạn dành cho Chúa Giêsu và là điều mà Chúa Giêsu yêu thích nhất: sự hoán cải và sự cứu rỗi của những tội nhân đáng thương cho đến muôn đời. Đó là những hy sinh với tình yêu được dâng lên Chúa Giêsu để cứu rỗi các linh hồn.
1. KHOẢNH KHẮC ANH HÙNG
Thánh Josemaria Escriva, Đấng sáng lập Opus Dei, đề nghị: Ngay khi nghe đồng hồ báo thức, hãy đứng dậy và đọc kinh sáng. Thánh Gioan Vianney nói rằng người nào bắt đầu một ngày tốt đẹp, rất có thể sẽ sống một ngày tốt đẹp và kết thúc nó tốt đẹp!
2. KIỀM CHẾ CÁI LƯỠI
Tất cả chúng ta nên đọc thư của Thánh Giacôbê 3 – chương hay nhất nói về tội lỗi của cái lưỡi. Một sự hy sinh lớn lao mà chúng ta có thể thực hiện, đặc biệt là khi cảm thấy thất vọng và tức giận, là làm theo lời khuyên của Thánh Giacôbê: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận.” (Gc 1:19)
3. NÓI LỜI TỬ TẾ
Đừng bao giờ để cho một ngày trôi qua mà không tạ ơn Chúa và không cảm ơn người khác. Lời cảm ơn là gia vị đem lại hương vị đặc biệt cho cuộc sống gia đình.
4. CƯỜI VỚI NGƯỜI KHÁC
Một cơn đau đầu dai dẳng, một cơn cảm lạnh kéo dài, một cơn đau bụng dữ dội, tất cả chúng ta đều đã trải qua. Thông thường, chúng ta công khai chúng. Thật khó khăn, nhưng sẽ rất đẹp lòng Chúa, nếu khi chúng ta không cảm thấy bình thường về thể lý mà chúng ta vẫn mỉm cười với chồng, vợ hoặc một thành viên khác trong gia đình! Nỗi buồn và cái cau mày dễ lây lan, nhưng một nụ cười và niềm vui cũng dễ lây lan. Một nụ cười chân thành và rạng rỡ là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc trở thành môn đệ của Đức Kitô!
5. LOẠI BỎ Ý XẤU
Tất cả chúng ta đều có những ý nghĩ khiếm nhã và xấu xa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ làm gì với chúng? Có lần một linh mục hỏi một người đàn ông rằng anh ta có suy nghĩ xấu hay không. Người đàn ông trả lời: “Không, chúng đã làm con vui!” Ngay khi chúng ta nhận thức được bất kỳ ý nghĩ xấu, không trong sạch, khiếm nhã hoặc tội lỗi nào, chúng ta phải ngay lập tức và mạnh mẽ từ chối ý nghĩ đó, cầu xin ân sủng của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Đức Mẹ là Đấng tinh tuyền.
6. CẦU NGUYỆN VÀ KHÔNG NGUYỀN RỦA
Tất cả chúng ta đều đã trải qua nhiều năm đi xe trên đường phố hoặc trong khu dân cư, mọi người cắt ngang phía trước chúng ta. Nếu chúng ta trung thực, đôi khi chúng ta cũng làm như vậy. Phản ứng tức thì của chúng ta là nguyền rủa họ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta cầu nguyện cho họ. Ngài nói rằng chúng ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ chúng ta. Lần tới, khi một người nào đó cắt ngang bạn, hãy đọc một Kinh Kính Mừng cho họ để họ có thể có một chuyến đi bình an. Điều đó thật khó – xác thịt thoái lui, nhưng Thiên Chúa hài lòng khi chúng ta vượt qua sự kháng cự của mình.
7. CẦU NGUYỆN NGAY CẢ LÚC KHÔNG MUỐN
Thật không may, nhiều người làm theo cảm xúc hơn là làm theo niềm tin và lý trí. Các thánh cầu nguyện thường xuyên, ngay cả khi họ không muốn cầu nguyện. Chúa Giêsu đã trải qua sự hoang vắng và buồn bã sâu xa trong Vườn Cây Dầu, nhưng Ngài càng cầu nguyện sốt sắng hơn. Xin Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời của chúng ta, đặc biệt là trong lời cầu nguyện!
8. ĐỌC KINH THÁNH MỖI NGÀY
Kỷ luật tinh thần của việc đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách hay nhất, có thể là sự hy sinh thực sự đối với nhiều người. Bắt đầu với Phúc Âm và đọc một chương mỗi ngày. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ bắt đầu nhận biết, yêu mến và mong muốn theo sát Chúa Giêsu hơn trong cuộc sống. Không thể yêu một người mà chúng ta không biết rõ. Chúng ta biết Chúa Giêsu bằng cách đọc và suy gẫm Kinh Thánh – Lời Chúa.
9. CHU TOÀN TRÁCH NHIỆM VÀ CÔNG VIỆC
Tất cả chúng ta đều được Chúa giao cho công việc để thực hiện mỗi ngày. Đó có thể là học tập nếu chúng ta là học sinh, hoặc thực hiện công việc của một người nội trợ, một nhân viên nhà máy hoặc văn phòng, một giáo viên, y tá hoặc bác sĩ, v.v… Nếu chúng ta trung thực với chính mình, chúng ta đều biết rằng chúng ta có thể cải thiện đạo đức công việc của mình! Thật dễ biết bao khi đến muộn, làm qua loa và thực hiện công việc nửa vời.
Người ta nói: “Nếu một công việc đáng làm thì nó đáng làm tốt.” Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1 Cr 10:31)
10. NHẬN CHỖ RỐT HẾT VÀ PHẦN NHỎ NHẤT
Vì kiêu ngạo, phù hoa và tham ăn, tự nhiên chúng ta thích nơi danh dự hơn. Ngoài ra, chúng ta thích phần tốt nhất và lớn nhất. Tại sao không tập thói quen tìm kiếm nơi thấp nhất và phần ít nhất. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về sự cao cả thật: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:52)
VĨ NGÔN
Chúng ta đã có danh sách mười cách cụ thể mà chúng ta có thể thực hiện những hy sinh nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Có thể chọn một hoặc hai cách mỗi ngày và trung thành thực hiện. Đừng bao giờ quên rằng tình yêu được thể hiện bằng sự sẵn sàng chịu đau khổ vì người mình yêu. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta biết bao và đã chịu đau khổ vì chúng ta. Thật tốt lành nếu chúng ta sẵn sàng hy sinh và chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, Đấng Yêu Thương Vĩ Đại Nhất!ED BROOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)