Làm dấu Thánh Giá là lòng sùng kính cổ xưa trong Giáo Hội, bắt đầu từ các Kitô hữu thời sơ khai và tiếp tục cho đến ngày nay. Có dấu đơn và dấu kép. Tuy nhiên, tương đối dễ mất mục đích và làm dấu Thánh Giá một cách cẩu thả, không như một lời cầu nguyện.
Đây là ba lời khuyên cơ bản từ Sách Kinh Công Giáo và sách hướng dẫn suy niệm có thể giúp chúng ta đánh giá việc sử dụng truyền thống và làm cho việc đó ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của chúng ta.
1. THÀNH KÍNH
Làm dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, vì thế phải thành kính, nghĩa là thực hiện với lòng biết ơn đối với những ơn lành mà bạn tận hưởng qua cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, và với nỗi buồn chân thật vì tội lỗi của mình. Làm dấu Thánh Giá cho xong lần là bất kính, tự biến mình thành người chế nhạo điều thánh thiêng.
Có bao nhiêu người trong chúng ta làm dấu Thánh Giá một cách vội vã, qua quýt, không cần suy nghĩ? Hãy cố gắng làm dấu Thánh Giá một cách chậm rãi và chý ý, nhớ đến sự hy sinh mà Chúa Giêsu đã làm trên Thánh Giá.
2. THƯỜNG XUYÊN
Nên làm dấu Thánh Giá thường xuyên. Điều này được khắc sâu bởi gương của các Kitô hữu thời sơ khai, họ nhờ Dấu Thánh này mà dâng mình cho Thiên Chúa và cầu xin ơn lành của Ngài trong mọi hành động. Điều đó cũng được khuyến khích nhiều bởi các vị thánh lớn và các giáo phụ, Thánh Ephraim đã nói về vấn đề này: “Hãy che phủ đời mình bằng dấu Thánh Giá như tấm khiên thuẫn, vừa dùng tay vừa dùng cả trái tim mình mà làm. Hãy trang bị cho mình Dấu Thánh này trong khi học hành, ăn uống, đi xe, hoặc làm bất cứ việc gì, bởi vì đó là tác nhân chinh phục sự chết, mở cửa Thiên Đàng và người bảo vệ vĩ đại của Giáo Hội. Đừng quên mang theo “áo giáp” này mọi lúc mọi nơi, cả ngày cả đêm, mọi nơi và mọi lúc. Dù bạn đang làm việc gì, hãy làm dấu Thánh Giá, tự tay mình mang Dấu Thánh Cứu Độ.”
Dấu thánh giá có thể trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của chúng ta, không chỉ khi chúng ta dành thời gian cho việc cầu nguyện, mà còn khi chúng ta thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của mình. Điều này có thể giúp chúng ta thánh hóa mọi khoảnh khắc trong ngày và dâng lên Chúa.
3. CÔNG KHAI
Cuối cùng, hãy làm dấu Thánh Giá một cách công khai, bởi vì chính dấu này chứng tỏ bạn là Kitô hữu, và chứng minh rằng bạn không xấu hổ trước Thánh Giá và sự sỉ nhục của Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh của bạn. Một tác giả đạo đức nói: “Người ta rất tự hào về những huy chương và nhìn ngắm huy hiệu danh dự của thế gian, được trao tặng bởi những người quan trọng trên thế giới, họ cho đó là hạnh phúc và vinh dự. Do đó, đừng từ chối Dấu Thánh Giá, dấu chỉ đức tin của Kitô hữu trước những người khác trên thế gian này. Hãy công khai làm dấu Thập Giá, đừng do dự hoặc ngần ngại.”
Làm dấu Thánh Giá có thể khiến người khác chú ý và có thể chúng ta cảm thấy e ngại, nhất là khi dự đám tiệc, ăn tiệm hoặc nhà hàng. Tuy nhiên, chúng ta nên mạnh dạn và không ngại tuyên xưng đức tin Công giáo của mình, dù chúng ta đang ở bất cứ nơi nào.
Hãy LÀM DẤU, đừng LÀM GIẤU. Bởi vì Chúa Giêsu đã minh định: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10:32-33)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Tháng Chín – 2020