Kinh Chúa Thánh Thần – gần 400 năm tuổi

Trước Công đồng chung Tridentinô (1545-1563), khá nhiều thánh lễ có Ca tiếp liên (Latin : Sequentia) : đó là bài kinh được hát sau lời Ca ngợi Phúc Âm (Gospel acclamation) hay Alleluia, trước bài Phúc Âm. Trong các bài Ca tiếp liên đó, có bài Veni Sancte Spiritus (= Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến). Bài này còn được gọi là Ca tiếp liên Vàng (Golden Sequence) vì tư tưởng phong phú, từ ngữ súc tích, cho thấy người sáng tác phải có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần rất nồng nàn, tin tưởng cậy trông Chúa Thánh Thần rất sâu xa, chân thành, cảm nhận được sự gần gũi thân mật của Chúa Thánh Thần. Người ta cho rằng tác giả của lời kinh hoặc là đức Innocente III (làm Giáo hoàng từ 1198 đến 1216 ; ngài cũng còn được coi là tác giả của một bài Ca tiếp liên khác : bài Stabat Mater = Mẹ đứng đau thương, được hát trong thánh lễ kính Đức Mẹ sầu bi, ngày 15-9, và theo truyền thống, hát mỗi khi đi đàng Thánh Giá). Hoặc cũng có thể tác giả của Veni Sancte Spiritus là đức Hồng y Stephen Langton, Tổng giám mục giáo phận Canterbury (đức Hồng y còn là người giữ vai trò trung tâm trong thoả thuận giữa vua Anh là Gioan với đức Giáo hoàng Innocente III, dẫn đến việc ký Đại Hiến chương Magna Charta năm 1215, hạn chế “thần quyền” các vua chúa dân sự, song vẫn bảo đảm các thường quyền cho các vị đó ; ngài cũng được coi là người đã chia các sách Kinh Thánh thành đoạn, câu như được dùng ngày nay).

Công đồng Tridentinô đã quy định lại nghi thức Thánh Lễ, chỉ giữ lại một số lễ có Ca tiếp liên, trong đó có cả hai bài nói trên, cùng với các bài Victimae Paschali Laudes (= Các tín hữu hãy dâng lời ca tụng) trong Thánh Lễ Chúa nhật Phục sinh, bài Lauda Sion (= Sion hãy ngợi khen) trong Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa, bài Dies Irae (= Ngày nổi giận) trong Thánh Lễ cầu cho các đẳng linh hồn ngày 2-11.

Hình 1 : kinh Veni Sancte Spiritus trong Missale Romanum, bản in năm 1572

Bài Ca tiếp liên đó chính là bài kinh được nhiều nhà thờ thuộc các giáo phận Bắc hoặc gốc Bắc cho đến nay vẫn còn đọc trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có dạng sau đây (hoặc có thể khác một đôi chữ) :

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, xin xuống sáng thật cho chúng con. Đức Chúa Thánh Thần là Cha thật chúng con, hay nuôi những kẻ khó khăn, là Chúa rộng rãi, là ngàn mọi phúc đức, là sáng láng hay soi hết lòng người ta, xin xuống cho chúng con. Cha rất nhân hay yên ủi kẻ âu lo, vào trong linh hồn chúng con cho được vui mừng, khỏi khó nhọc mà được nghỉ, khỏi sốt mà được mát, khỏi khóc lóc mà được vui thật ; lại xin sáng cực trọng vào trong linh hồn kẻo còn tối. Đức Chúa Thánh Thần chẳng có phù hộ thì chẳng được phúc gì, cùng chẳng được khỏi tội lỗi. Chớ gì Cha rất khoan, rửa linh hồn chúng con kẻo còn dơ, tưới nước cực thanh kẻo còn khô, lấy thuốc thánh sủng chữa dấu tích trong linh hồn chúng con cho đã ; chớ gì uốn sự cứng trong linh hồn chúng con cho dịu, che lòng lạnh cho ấm, bảo đàng thật kẻo lạc mà sa hỏa ngục vô cùng. Cha rất khoan chớ gì xuống cho chúng con bẩy ơn cả cho rày được công thật mà ngày sau được rỗi linh hồn và vui vẻ vô cùng ở trên trời. Amen.

Bản kinh trên đây chính là dạng đã sửa đổi vài chỗ từ bản dịch Ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus ra tiếng Việt của cha Majorica. Khi cha Girolamo Majorica (1591-1656) sang truyền giáo tại nước ta, ngài đã học thông thạo tiếng Việt, soạn nhiều sách về các lẽ đạo, hoặc dịch các sách từ tiếng Latin sang tiếng Việt. Trong các tác phẩm của ngài viết bằng Chữ Nôm còn được lưu lại, có quyển Kinh những lễ mùa Phục sinh – Quyển chi tam 經仍礼務復生 – 卷之三 . Bản kinh Chúa Thánh Thần lần đầu tiên đã xuất hiện trong quyển kinh nguyện này. Dưới đây là bản phiên âm ra chữ Quốc Ngữ theo nguyên văn Chữ Nôm, cùng đánh số câu để dễ đối chiếu :

1). Chúng tôi lạy ơn Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to

2). là Cha thật chúng tôi, hay nuôi những kẻ khó khăn, là Chúa rộng rãi ngàn mọi phúc đức, là sáng láng vô cùng hay soi hết lòng người ta, xin xuống cùng chúng tôi.

3). Cha rất nhân đến an ủi âu lo, vào trong linh hồn chúng tôi cho được vui thật,
4). khỏi khó nhọc mà được nghỉ, khỏi sốt mà được mát, khỏi khóc lóc cho được vui thật,

5). lại xin sáng xuống cực trọng vào trong linh hồn chúng tôi kẻo tối.

6). Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to chẳng có phù hộ thì chẳng có phúc gì, cùng chẳng được khỏi tội lỗi.

7). Chớ gì Cha rất khoan rửa linh hồn chúng tôi kẻo còn dơ, tưới nước cực thiêng kẻo còn khô, lấy thuốc gʼra-sa chữa dấu tội chúng tôi cho đã.

8). Chớ gì uốn sự rắn vào trong linh hồn cho được dịu, che lòng lạnh cho được ấm, bảo đàng thật kẻo lạc mà sa xuống địa ngục.

9). Cha rất lành, chớ gì xuống cho chúng tôi bảy ơn cả

10). cho rầy được ơn thật, mà ngày sau được rỗi linh hồn, và vui mừng vô cùng ở trên trời.

Hình 2 : kinh Chúa Thánh Thần trong tác phẩm của cha Majorica

Nguyên văn Latin :

1). Veni, Sancte Spiritus,/ et emitte cælitus / lucis tuæ radium.

2). Veni, pater pauperum,/ veni, dator munerum,/ veni, lumen cordium.

 3). Consolator optime,/ dulcis hospes animae,/ dulce refrigerium.

4). In labore requies,/ in aestu temperies,/ in fletu solacium.

5). O lux beatissima,/ reple cordis intima / tuorum fidelium.

6). Sine tuo numine,/ nihil est in homine,/ nihil est innoxium.

 7). Lava quod est sordidum,/ riga quod est aridum,/ sana quod est saucium.

8). Flecte quod est rigidum,/ fove quod est frigidum,/ rege quod est devium.

9). Da tuis fidelibus,/ in te confidentibus,/ sacrum septenarium.

10). Da virtutis meritum,/ da saliitis exitum,/ da perenne gaudium.

Trong Latin thì gọn, nhưng cha Majorica dịch sang tiếng Việt khá dài, có thể là vì ngôn ngữ Việt lúc bấy giờ nếu không diễn tả dài dòng, thì có lẽ sẽ gây khó hiểu hoặc hiểu sai. Thí dụ như câu 2). với hai chữ là “pater pauperum” (= cha của những kẻ nghèo), mà lời kinh Việt ngữ được cha Majorica dịch ra dùng đến mười chữ là [là] Cha thật chúng tôi, hay nuôi những kẻ khó khăn”. Lại có những chữ bỏ qua không dịch, như trong câu đầu tiên có : “Veni, … [et] emitte cælitus lucis tuæ radium”, hoặc câu 9). “tuis fidelibus, in te confidentibus” (xin xem bên dưới) ; đồng thời lại thêm vào những chữ mà trong nguyên văn Latin không có, như trong câu 7). : “riga quod est aridum” (= tưới, tắm, làm ướt chỗ, nơi, kẻ… khô ráo, khô khan) thì bản dịch của cha Majorica là : “tưới nước cực thiêng kẻo còn khô” ; hoặc cũng câu 7). này “Chớ gì Cha rất khoan” là những chữ không có trong nguyên văn Latin. Tương tự thế trong câu 9). : “Cha rất lành”. Ngoài ra, có thể cha Majorica sợ người giáo dân lúc đó hiểu không thấu đáo chăng, nên trong câu 7). : “… sana quod est saucium” (= xin hãy chữa lành kẻ đau yếu, bị thương tích) được dịch là : “lấy thuốc gʼra-sa chữa dấu tội chúng tôi cho đã”…

Khoảng cuối thế kỉ XIX, trong sách Thánh Giáo Kinh Nguyện 聖 教 經 願 , in năm 1866, do  監牧樞槎昭傳梓 Giám mục Giu-se Chiêu truyền từ”, lời kinh trên đây đã được đổi lại với dạng hơi khác đôi chút, nguyên văn được phiên âm ra chữ Quốc Ngữ như sau :

Kinh Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to

1). Chúng tôi lạy ơn Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to xin xuống sáng thật cho chúng tôi.

2). Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to là Cha thật chúng tôi, hay nuôi những kẻ khó khăn, là Chúa rộng rãi, là ngàn mọi phúc đức, là sáng láng hay soi hết lòng người ta, xin xuống cho chúng tôi.

 3). Cha rất nhân hay an ủi kẻ âu lo, vào trong linh hồn chúng tôi cho được vui mừng ;

4). khỏi khó nhọc mà được nghỉ, khỏi sốt mà được mát, khỏi khóc lóc mà được vui thật ;

5). lại xin Sáng cực trọng vào trong linh hồn kẻo còn tối.

6). Đức Chúa (S)pi-ri-to San-to chẳng có phù hộ thì chẳng được phúc gì, cùng chẳng được khỏi tội lỗi.

7). Chớ gì Cha rất khoan rửa linh hồn chúng tôi kẻo còn dơ, tưới nước cực thanh kẻo còn khô, lấy thuốc gʼ-ra-sa chữa dấu tích trong linh hồn chúng tôi cho đã.

8). Chớ gì uốn sự cứng trong linh hồn chúng tôi cho dịu, che lòng lạnh cho ấm, bảo đàng thật kẻo lạc mà sa địa ngục vô cùng.

9). Cha rất khoan, chớ gì xuống cho chúng tôi bảy ơn cả ;

10). rầy cho công thật, mà ngày sau được rỗi linh hồn, và vui vẻ vô cùng ở trên trời. A-men.

Hình 3 : kinh Chúa Thánh Thần trong sách Thánh Giáo Kinh Nguyện của đức Giám mục Giu-se Chiêu

Giuse Chiêu, chữ Nôm trong nguyên bản là 樞槎昭 , là tên Việt Nam của đức Giám mục Joseph Simon Theurel, Hội Thừa sai Paris. Ngài sinh ngày 27-10-1829 tại nước Pháp, thụ phong Linh mục ngày 5-6-1852, Giám mục ngày 6-3-1859, hiệu toà Achanthus (Acanthe), làm phó Đại diện Tông toà địa phận Tây Đàng Ngoài từ 1859 đến ngày 24-7-1866, Đại diện Tông toà Tây Đàng Ngoài từ 24-7-1866 cho đến khi tạ thế ngày 3-11-1868 tại Kẻ Sở. Ngài thông thạo tiếng Việt, đã soạn quyển tự điển Dictionarium annamitico-latinum, được nhà xuất bản Ninh Phú in lại vào năm 1877 sau khi ngài qua đời. Vì thế, hai chữ 傳梓 truyền từ ở trang tựa sách có thể hiểu là chính ngài đã dọn lại các kinh trong quyển Thánh Giáo Kinh Nguyện này. Các chỗ sửa lại kinh Veni Sancte Spiritus trong bản này :

Veni, … [et] emitte cælitus lucis tuæ radium” trong câu 1). được dịch thành : “xin xuống sáng thật cho chúng tôi” ; ở câu 3). “vui thật” của bản Majorica được sửa thành “vui mừng” ; ở câu 5). bỏ “chúng tôi” ; ở câu 7). sửa “nước cực thiêng” ra “nước cực thanh” (bản đăng trên trang mạng của Tổng Giáo phận Hà Nội in là “nước cực thánh”) ; câu 10). “cho rầy được ơn thật” sửa thành “rầy cho công thật”, mất chữ “được” làm cho câu hơi khó hiểu.

Có mấy chỗ dùng từ ngữ đã xưa :

* khoan : tiếng Hán Việt : Thuyết Văn Giải Tự : 屋寬大也 ốc khoan đại dã = nhà rộng to ; Quảng Vận : 愛也 , 裕也 ; 舒也 ái dã, dụ dã [= rộng rãi] ; thư dã [= thong thả, chậm rãi] ; Tăng Vận : 不猛也 bất mãnh dã = không mạnh bạo ; Cha rất khoan = Cha rất rộng rãi, rất hay tha thứ ;

* [nước] cực thanh : [nước] rất trong sạch ;

* dấu tích : tđ Việt – Bồ – La của cha Alexander de Rhodes : “dấu : vide dĕấu” ; “dĕấu : vulnus, eris” (= vết thương) ; “tích, bết tích [= vết tích] : cicatrix, icis. dấu tích, idem” (= cũng nghĩa như vậy [vết sẹo]) ; dấu tích = thương tích ;

* đã : tđ VBL : “đã : sanari” (= được khỏi, được chữa lành) ; “đã đã : jam convaluit, vel cum convaluerit” (= đã bình phục, đã khỏi, khoẻ lại) ; nhiều người vì không hiểu nghĩa của tiếng “đã” này, nên đáng lẽ phải nói “thuốc đắng đã tật”, có nghĩa là “thuốc tuy đắng nhưng chữa khỏi bệnh”, thì lại nói thành một câu vô nghĩa là “thuốc đắng dã / giã tật” ! Trong lời kinh Domine, non sum dignus… bằng tiếng Việt từ rất xưa : “Lạy Chúa tôi, tôi chẳng đáng Chúa tôi ngự vào nhà linh hồn tôi, song le Chúa tôi phán một lời, thì linh hồn tôi liền đã”. Vì thấy từ ngữ đã cũ, nên bản Sách Lễ Hiện Tại (1969) đã đổi lại dạng “… thì linh hồn tôi sẽ lành mạnh” ;

* rỗi linh hồn : tđ VBL : “rỗi : quies, etis (= sự nghỉ ngơi), effugium poenae (= thoát khỏi hình phạt) ; rỗi linh hồn : salus animae (= linh hồn được cứu)”.

* cho rầy được ơn thật : có nghĩa là “hầu cho nay được ơn thật”.

Nhìn chung, qua gần ba thế kỷ kể từ bản kinh của cha Majorica cho đến bản trong Thánh giáo Kinh nguyện, về đại thể không có thay đổi gì nhiều. Đến nay, kinh vẫn còn được đọc với dạng như trong Thánh giáo Kinh nguyện (và cả các sai sót), chỉ đổi hai chữ Latin là (S)pi-ri-to San-to thành Thánh Thần, và gʼra-sa thành thánh sủng. Như thế là đến đầu thế kỉ XXI này, tuổi thọ của nguyên bản kinh Veni Sancte Spiritus trong Latin đã được 800 năm, còn bản dịch tiếng Việt thành kinh Chúa Thánh Thần cũng đã được gần 400 năm !

Xin giới thiệu sau đây một vài bản dịch Việt ngữ khác cho bài Ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus này :

I. Bản dịch trong Sách Lễ Hiện Tại (1969) :

1). Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, và từ trời gởi xuống một tia ánh sáng Người.

2). Nguyện xin Cha kẻ khó khăn hãy đến, hãy đến, lạy Đấng ban phát muôn ơn, hãy đến, lạy Đấng soi sáng tâm hồn.

3). Người là Đấng an ủi, là Khách vỗ về tâm hồn, là Đấng bổ dưỡng dịu hiền.

4). Người là an nghỉ trong lao khổ, là mát dịu trong cơn nóng sốt, là an ủi trong lệ sầu.

5). Lạy Mạch Sáng hồng phúc, xin đổ xuống đầy tràn tâm hồn tín hữu Chúa.

6). Nếu không ơn thần lực, con người chẳng có gì, chẳng có gì vẹn sạch.

7). Xin Chúa rửa những nhơ nhớp, xin tưới chỗ khô khan, xin chữa lành vết thương.

8). Xin uốn lòng cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, nắn lại những sai lệch.

9). Xin ban cho các tín hữu, những kẻ tin ở Chúa, bảy ơn thánh của Người.

10). Xin thưởng công nhân đức, xin dắt họ về bến cứu độ, và ban cho muôn kiếp hân hoan (Amen. Alleluia).

II. Bản dịch của Uỷ ban Giám mục về Phụng vụSách Bài đọc mùa Chay và mùa Phục sinh, 1972 :

(CA TIẾP LIÊN)

1). Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra.

2). Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến.

3). Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, là khách trọ hiền lương của tâm hồn, là Đấng uỷ lạo dịu dàng.

4). Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

5). Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

6). Nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

7). Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích.

8). Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

9). Xin Chúa ban cho các tín hữu là những người tin cậy Chúa được ơn bảy nguồn.

10). Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ, và được hoan hỉ đời đời.

III. Bản dịch của Nhóm phiên dịch CGKPV (không rõ năm) ; bản này dịch theo lối văn vần, cứ mỗi ba câu Latin được dịch thành 4 câu ngũ ngôn, do đó tuy đọc lên có vần có điệu, nhưng không thể sát nghĩa so với nguyên văn, vì có những chỗ thừa như : câu 3). : dòng suối mát chảy tuôn ; câu 4). : tay hiền lau giọt lệ ; câu 5). : cho rực rỡ trinh trong ; câu 6). : kẻ phàm nhân cát bụi ; câu 10). : sau giờ phút lâm chung…, do đã thay 3 câu bằng 4 câu. Ngoài ra, có những chỗ khá xa với nguyên tác, thí dụ : câu 5). : trong “O lux beatissima”beatissima là superlat., voc., fem. của hình dung từ beatus, a, um, có thể dịch là “rất có phúc”, “có phúc nhất”, hay văn vẻ thì như một thí dụ của 吳金瑞 Ngô Kim Thuỵ : caelestis aulae beatissimi proceres được dịch là 天廷極有福之朝臣 thiên đình cực hữu phúc chi triều thần = các triều thần rất có phúc trên thiên đình. Vì thế, “o lux beatissima” được dịch là “lạy mạch sáng hồng phúc” (SLHT) hay “ôi sự sáng chứa chan hồng phúc” (sách BĐ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh) là hoàn toàn sát nghĩa, trong đó “hồng”, mặt chữ Nho là 洪 , có thể xem là tương đương với 極 cực (= lớn lao, to tát, nhiều, rất, lắm). Bản dịch của cha Majorica : “xin Sáng cực trọng vào trong linh hồn” cũng phải kể là sát nghĩa. “Hồng” ở hai bản dịch trên chẳng qua chỉ diễn tả nghĩa của hậu tố –issimus, a, um, nếu không có “phúc” là “beat-” thì nghĩa câu thành lơ lơ lửng lửng. Bản dịch CGKPV : “hỡi hào quang linh diệu xin chiếu giãi ánh hồng” vừa sai, vừa thừa, vừa thiếu. Trong nguyên tác Latin không hề có từ nào có thể dịch là “linh diệu”, đồng thời “ánh hồng” chỉ có thể hiểu là “ánh gì đó mầu đỏ” mà không hẳn là “ánh sáng”, nếu gượng gạo thì có thể giải nghĩa là “ánh gì đó lớn lao”, và như thế thì thành rất xa nguyên tác Latin, trong khi không thấy từ ngữ nào dùng để dịch “reple [cordis] intima” và “tuorum [fidelium]”. Tham khảo bản dịch trong Sách Lễ Rôma của anh em Công giáo người Hoa : 5). 具有萬福萬樂的神光 , 求袮對于信仰袮的人們 , 充滿他們的心坎 Cụ hữu vạn phúc vạn lạc đích thần quang, cầu Nễ đối vu tín ngưỡng Nễ đích nhân môn, sung mãn tha môn đích tâm khảm = xin Người đổ đầy lòng những kẻ tin vào Người ánh sáng thần [chữ dư thừa] có đủ mọi phúc lạc. Sau đây là toàn văn bản dịch CGKPV :

1). Muôn lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trần gian, tự trời cao gửi xuống nguồn ánh sáng toả lan.

2). Lạy Cha kẻ bần hàn, Đấng tặng ban ân điển và soi dẫn nhân tâm, cúi xin Ngài ngự đến.

3). Đấng ủi an tuyệt diệu, thượng khách của tâm hồn, ôi ngọt ngào êm dịu, dòng suối mát chảy tuôn.

4). Khi vất vả lao công, Ngài là nơi an nghỉ, gió mát đuổi cơn nồng, tay hiền lau giọt lệ.

5). Hỡi hào quang linh diệu, xin chiếu giãi ánh hồng vào tâm hồn tín hữu cho rực rỡ trinh trong.

6). Không thần lực phù trì, kẻ phàm nhân cát bụi thật chẳng có điều chi mà không là tội lỗi.

7). Hết những gì nhơ bẩn, xin rửa cho sạch trong, tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương.

8). Cứng cỏi uốn cho mềm, lạnh lùng xin sưởi ấm, những đường nẻo sai lầm sửa sang cho ngay thẳng.

9). Những ai hằng tin tưởng trông cậy Chúa vững vàng, dám xin Ngài rộng lượng bảy ơn thánh tặng ban.

10). Nguyện xin Chúa thưởng công cuộc đời dày đức độ, ban niềm vui muôn thuở sau giờ phút lâm chung.

(A-men, Ha-lê-lui-a.)

IV. Trong Thiên Chúa Thánh giáo nhựt khoá tịnh Chúa nhựt pháp(SáchMục Lục, bản in sau 1975, không đề năm ; bản cũ trước 1975 mất nhiều trang đầu nên cũng không rõ năm ; cách riêng đối với kinh này, cả hai bản hoàn toàn giống nhau), Đệ thất thiên (= Thiên thứ 7), Đồng niên tổng kinh văn (Các kinh đọc quanh năm), mục III. Ca hát trong mùa Phục sinh, Kinh số 10. Cúi lạy Chúa Thánh Thần. Bản kinh này cũng là bản dịch theo ý của Veni Sancte Spiritus ra lối biền văn có đối. Toàn bản kinh có 10 liên từng hai vế đối nhau. Do phải theo luật làm văn đối ngẫu, nên việc thêm thắt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên cũng xin giới thiệu để thấy các cụ xưa phải thấm nhuần nghĩa lý của nguyên văn Latin mới có thể phóng tác thành bản kinh Việt ngữ :

Liên 1   Cúi lạy Chúa Thánh Thần / Xin đoái loài ngu hạ.

Liên 2          Sáng thiêng soi xuống, thấu tấm lòng con mọn u mê / Ơn trọng ban ra, trông lượng Chúa Cha chưng cô quả.

Liên 3          Chúa ủi an khéo léo, thấu tai ai nấy đặng toại tình / Người thăm viếng ngoan nguỳ, ngự lòng chúng thảy đều phỉ dạ.

Liên 4          Kẻ vì Chúa dãi dầu mỏi nhọc, trả bội phần êm mát thảnh thơi / Kẻ trách mình khóc lóc lo âu, hưởng mọi nỗi vui mừng xong xả.

Liên 5          Chúa thật Sáng, chói loà phê phủ, giúp phô người chuyên vững lòng tin / Chúa thông soi khóc lóc phàm gian, làm các việc khôn từ thửa vạ.

Liên 6          Kẻ khó khăn, người ô uế, xin Chúa cho trong sạch đượm nhuần / Người yếu ốm, kẻ tích thương, xin Chúa dạy bình an lành đã.

Liên 7          Chưng ấm người dạ tuyết lòng sương / Uốn mềm kẻ gan chì phổi đá.

Liên 8          Kẻ đã đi nẻo lạc quanh co / Chúa đem lại đàng ngay thong thả.

Liên 9          Giáo hữu chí bền trông cậy, bảy ơn thiêng hiệu thiết xin ban / Công linh phước thưởng rõ ràng, một phần rỗi nhơn từ nguyện trả.

Liên 10        Chốn tiêu dao đặng tới chầu chực Ba Ngôi / Nơi trần thế hằng trông ngửa nhờ đức cả.

                    (Amen.)

Một vài từ ngữ :

* loài ngu hạ : ngu = dốt nát, tối tăm ; hạ = hèn kém, thấp kém ; loài ngu hạ = loài ngu dốt hèn kém ;

* trông lượng Chúa Cha chưng cô quả :  : chữ Nho : 孤 , có nghĩa là mồ côi, lẻ loi ; quả : chữ Nho : 寡 , có nghĩa là người ở goá ; cô quả là từ ngữ dùng chỉ chung những người không biết nương tựa nhờ cậy vào đâu ; “chưng” là tiếng dịch Nôm của chữ Nho 之 chi ; cả câu hiểu là : ơn Chúa ban là chỗ trông cậy của những kẻ cô quả ;

* toại tình / phỉ dạ = vừa ý vừa lòng ;

*  ngoan nguỳ : Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của : “ngoan nguỳ : khôn ngoan, nhon lành” ;

* xong xả : HTC : “xong : xuôi xả, huờn thành (= hoàn thành) ; xong xả : id” (= cũng nghĩa như vậy) ;

* phê phủ = phủ phê : HTC : “phủ phê : no đủ dư giả, chẳng thiếu sự chi” ;

* phô : HTC : “phô : tiếng xưng hô nhiều người” ;

* thửa : tiếng dịch Nôm chữ Nho 其 kỳ, có nghĩa là của nó, của họ… ; khôn từ thửa vạ = không kể gì đến tội vạ của nó ; cả câu : Chúa thông soi … = Chúa thấu tỏ lũ người phàm đang khóc lóc, làm cho nó mọi việc mag không kể đến tội vạ nó đáng phải chịu ;

* chưng (ấm) : chưng ở câu này có nghĩa là “đun cho nóng lên” ;

* hiệu thiết : tức là thiết hiệu : 切效 = có công hiệu chắc chắn ;

* chốn tiêu dao : tiêu dao 逍遙 = thong thả, nhàn nhã, không bị ràng buộc ; chốn tiêu dao : nơi không còn vướng bận vào bất cứ nỗi lo lắng nào = cõi trời.

Bùi Ngọc Hiển

Nguồn: tutevungtau.blogspot.com