Hôm thứ Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Hồng y người Pháp Albert Vanhoye, mô tả ngài là một “học giả Kinh thánh đầy thẩm quyền.”
Đức Thánh Cha đã gửi một bức điện chia buồn vào ngày 30 tháng 7 sau sự ra đi của Đức hồng y hôm thứ Năm.
Ở tuổi 98, Đức Hồng y Vanhoye là vị hồng y cao tuổi thế giới vào thời điểm ngài qua đời.
Trong thông điệp gửi cho cha Manuel Morujao, SJ, bề trên của tu viện Residenza San Pietro Canisio ở Rome, nơi Đức Hồng y Vanhoye đã sống từ năm 2013, Đức Thánh Cha viết: “Khi biết tin về sự ra đi thánh thiện của Đức Hồng Y Albert Vanhoye thân yêu, tôi mong muốn được bày tỏ sự gần gũi của tôi với anh em, với cộng đoàn San Pietro Canisio, với toàn thể Dòng Tên, cũng như các thành viên trong gia đình của cố hồng y và tất cả những ai đã biết và quý trọng ngài, nhớ đến với lòng yêu mến và ngưỡng mộ người anh em này, một con người đã phục vụ Chúa và Hội Thánh hết mình. “
“Tôi nghĩ đến ngài với lòng biết ơn về công việc hăng say của ngài với tư cách là một tu sĩ nhiệt thành, một người con tinh thần của Thánh Inhaxiô, một giáo sư lão luyện, một học giả Kinh thánh có thẩm quyền, một hiệu trưởng đáng kính của Viện Kinh thánh Giáo hoàng, một cộng tác viên siêng năng và khôn ngoan của Giáo triều Rôma.”
“Tôi cũng nghĩ đến tình yêu của ngài đối với sứ vụ rao giảng Lời Chúa, mà ngài đã thực hiện với lòng quảng đại, được thúc đẩy bởi một ước muốn nhiệt thành là loan báo Tin Mừng.”
Đức Hồng y Albert Vanhoye sinh ngày 24 tháng 7 năm 1923, tại Hazebrouck, miền bắc nước Pháp. Năm 1941, ở tuổi 18, ngài đi bộ dọc theo nước Pháp để vào tập viện Dòng Tên ở Le Vignau, Tây Nam nước Pháp.
Theo trang web của Tỉnh Dòng Tên ở Tây Âu, đây là một hành động nguy hiểm vì một phần của Pháp khi đó đã bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Vanhoye bí mật rời khỏi vùng bị chiếm đóng để tránh bị bắt, nhờ đó tránh bị đưa sang làm việc cho Đức Quốc xã.
Sau khi lấy bằng đại học và nghiên cứu triết học và thần học tại Enghien, Bỉ, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 7 năm 1954. Năm 1956, ngài được gửi đến Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh ở Rôma, nơi ngài hoàn thành bằng tiến sĩ về Thư gửi tín hữu Do Thái. Ngài tuyên khấn trọn đời với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên tại Roma, Kinh Thành Vĩnh cửu vào ngày 2 tháng 2 năm 1959. Năm 1962, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư của Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh, được biết đến với tên gọi là trường Biblicum.
Ngài là trưởng khoa từ năm 1969 đến năm 1975, và hiệu trưởng của viện từ năm 1984 đến năm 1990. Đức Hồng y Vanhoye là thành viên của ủy ban soạn thảo hiến pháp tông đồ năm 1979 Sapientia Christiana liên quan tới các trường đại học và phân khoa của giáo hội.
Trong tư cách là thư ký của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, ngài đã giúp hình thành tài liệu năm 1993 “Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội” và văn bản năm 2001 “Người Do Thái và Thánh Kinh của họ trong Kinh thánh Ki-tô giáo.” Ngài từng là cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Ki-tô giáo, Bộ Giáo dục Công giáo và Bộ Giáo lý Đức tin (CDF).
Tỉnh Dòng Tên ở Tây Âu nói rằng Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, người sau này trở thành Giáo hoàng Benedict XVI, đã luôn tham vấn Vanhoye “bất cứ khi nào một văn bản của Giáo hoàng đề cập đến Kinh thánh hoặc một cuốn sách bình luận về Kinh thánh có trục trặc.” “Đức Hồng Y Ratzinger đánh giá cao người lao động không mệt mỏi này, khiêm tốn và chỉ mong muốn lợi ích của Giáo hội.”
Vào ngày 22 tháng 2 năm 2006, Đức Benedict XVI công bố cha Vanhoye được đề cử làm hồng y. Đức Thánh cha gọi ngài là “một nhà chú giải vĩ đại” và nói rằng ngài đã đặt tên Vanhoye là một trong ba tân hồng y trên 80 tuổi “vì lòng quý trọng đối với các công việc phục vụ mà họ đã cống hiến cho Giáo hội với lòng trung thành gương mẫu và sự cống hiến đáng ngưỡng mộ.”
Vanhoye nhận được chiếc mũ đỏ vào ngày 24 tháng 3 năm 2006, sau khi đã được miễn trừ yêu cầu được tấn phong làm giám mục trước đó.
Năm 2008, Đức Bênêđíctô đã mời Đức hồng y thuyết giảng trong cuộc tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm dành cho các thành viên của Giáo triều Rôma. Vanhoye tập trung những suy niệm của mình vào Đấng Ki-tô, thầy cả tế lễ, như được mô tả trong Thư gửi tín gửi Do Thái.
Trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm đó với L’Osservatore Romano, Đức Hồng y Vanhoye nói rằng Thư gửi tín hữu Do Thái là “cuốn sách duy nhất của Kinh thánh triển khai đặc biệt về chức vụ tư tế của Đức Ki-tô.” Tác giả của bức thư sử dụng thuật ngữ archierèus, có nghĩa là “người đứng đầu- linh mục.” “Được áp dụng cho Đức Kitô, thuật ngữ chỉ sự hoàn thành hoàn hảo của khái niệm linh mục trong Chúa Kitô. Đức Kitô là trung gian hoàn hảo giữa Chúa Cha và chúng ta. Ngài đưa chúng ta vào sự hiệp thông của Ngài với Đức Chúa Cha, ”
Đức Hồng y Vanhoye nói. Hồng y Leonardo Sandri, tổng trưởng Bộ Giáo hội Phương Đông và phó niên trưởng Hồng Y đoàn, cử hành Thánh lễ an táng cho Đức Hồng y Vanhoye tại Vương cung thánh đường Thánh Peter lúc 11 giờ sáng giờ địa phương vào ngày 31 tháng 7. Sự ra đi của Đức Hồng y để lại Hồng Y đoàn với 220 thành viên, 123 người trong số họ đủ điều kiện tham gia mật nghị Hồng y.
Duc Trung Vu, CSsR