Cảm nhận từng hơi thở ngắn, hụt hơi… buộc phải dồn hết sức lực lấy hơi… để thở, để sống. Lắng nghe giọng nói thều thào, đứt quãng, thiếu hơi… đang rên xiết. Thấu cảm từng tiếng nói nghẹn ngào, bối rối, đầy sự lo lắng gào thét qua điện thoại… kêu cứu. Đứng lặng người khi chứng kiến người tím tái, đôi mắt trợn ngược vì hơi thở… thiếu oxy trầm trọng cho dù đang được hỗ trợ thở bằng bình oxy. Trái tim quặn thắt đau đớn, nấc nghẹn trong cổ họng, đầm đìa trong khóe mắt khi nhận những mẩu tin ngắn thông báo người thân mới qua đời do trở nặng… Thậm chí, có gia đình, trong cùng một ngày, cả bố lẫn mẹ và người con đều lìa trần. Hoặc, chưa đầy nửa tháng, người cha người mẹ đột ngột qua đời và người em thì đang trở nặng trong nhà thương, để lại những tổn thương mất mát quá lớn cho người ở lại…
Chính tôi đã nức nở qua điện thoại, kêu xin bác sĩ cứu mạng sống bạn tôi đang trở nặng trong bệnh viện dã chiến. Lúc đó, bạn tôi chỉ còn 10% khả năng sống do nhiễm trùng phổi quá nặng. Suốt nửa tháng nay, Quý Y Bác sĩ vẫn đang vất vả ngày cũng như đêm để cứu lấy sức sống mỏng manh cho bạn tôi. Gia đình bạn tôi, gia cảnh khá khó khăn, điều đau lòng hơn cả Bố bạn ấy qua đời vào đầu tháng 9, nửa tháng sau Mẹ bạn đã… buông tay giã từ cõi sống. Cả hai bác có nhiều bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, thấp khớp… Thời điểm bạn tôi liên lạc với tôi, bác trai đã rơi vào tình trạng mê sảng, Sp02 dưới 85, chúng tôi tìm mọi cách để đưa bác đi cấp cứu, với mọi nỗ lực và cố gắng nhưng bác đã qua đời tại nhà thương 115. Còn bác gái qua đời tại bệnh viện dã chiến quận 9.
Từng hơi thở ngắn, từng tiếng nói hụt hơi, tiếng khóc nghẹn thảm thiết, nỗi đau mất người thân của bạn bè “ám ảnh” tôi suốt hơn hai tháng qua khi Sài Gòn rơi vào khủng hoảng của đỉnh dịch covid – viêm phổi Vũ Hán.
Trong thời gian này, gia đình bạn bè, một vài tình nguyện viên thân cận của tôi bị dương tính. Họ lo âu. Tôi cũng lo âu. Tôi thầm nghĩ, “ách” của họ sao mà nặng nề quá, cả đại gia đình họ đều nhiễm bệnh, họ là trụ cột chính trong gia đình nhưng riêng họ lại có nhiều triệu chứng nặng nhất so với các thành viên khác. Tôi hết sức lo lắng. Lúc đó, tôi không biết phải làm gì để giúp gia đình các bạn của tôi? Lúc ấy, tôi chỉ biết phó dâng tất cả mọi sự trong tay Chúa. Và, tôi nhận ra việc quan trọng cần phải làm là: kết nối bác sĩ, vấn an và khích lệ tinh thần họ mỗi ngày, gửi thuốc và những thứ thiết yếu.
Tôi âm thầm, lặng lẽ làm công việc đó không chỉ cho những người bạn của tôi mà cho cả những người bạn mà tôi không hề quen biết, chưa một lần gặp gỡ thông qua sự giới thiệu của người này người kia. Ấy vậy mà, bệnh nhân liên lạc với tôi liên tục, cả lúc nửa đêm cũng phải tìm cách gửi bình oxy cho bệnh nhân trở nặng, tìm xe cấp cứu, vấn an gia đình bệnh nhân đang hết sức hoang mang.
Nhưng điều quan trọng hơn cả -trong sự quan phòng của Chúa- tôi có một vài “địa chỉ” của Quý Y Bác Sĩ Công Giáo về hưu cũng như đang làm việc tại các nhà thương, phòng khám… rất tốt lành, thương người nghèo và tận tâm với nghề. Họ là Quý “Ông Bà Chủ Quán Trọ Nhân Hậu” không quản ngại thời gian, ngày cũng như đêm, tận tình chăm sóc chu đáo các vết thương thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân. Qua các việc làm đó, tôi xác tín, chính Thiên Chúa đang hiện diện và can thiệp trực tiếp cứu giúp, chữa lành cho các bệnh nhân trong cơn đại dịch này nhờ vào sự hy sinh vô vị lợi của Quý Y Bác Sĩ, điều dưỡng… kết quả nhiều gia đình bạn bè tôi vượt thắng cơn bạo bệnh.
Tôi suy nghĩ về sự nhiệt tâm của Quý “Ông Bà Chủ Quán Trọ Nhân Hậu”, tôi nghĩ ngay đến vai trò của cá nhân tôi trong thời điểm Sài Gòn lâm bệnh nặng là hình ảnh của một “chú Lừa”, sẵn lòng để “Người Samari” đưa người bệnh lên “lưng”, “đưa về quán trọ” cho “Chủ Quán Trọ” chăm sóc cho bệnh nhân. Tôi e rằng, tôi tự nhận mình là “chú Lừa” trong Dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” là kiêu ngạo, ngạo nghễ, nhưng thật lòng tôi lại thấy vui vì: tôi xác định được tôi là ai trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, để tôi đón nhận, làm tròn vai trò của mình trong giới hạn nhỏ bé của chính mình.
Đến một ngày, “chú Lừa” cụp đôi tai lại. Tôi dương tính với covid. Tôi đón nhận căn bệnh hết sức bình tĩnh, rất lạc quan, luôn tươi cười, phó thác mọi sự vì chính tôi cũng từng khích lệ, vấn an các bệnh nhân với tinh thần như vậy. Tôi hoan hỉ vui mừng và tạ ơn Chúa: “thế là từ nay, với kháng thể của F0, Chúa cho con lừa mặc áo giáp kiên cố, để lại sẵn sàng lên đường, làm con lừa mới…”
Huyền Trang, ngày 01/10/2021