Thánh Don Bosco có những lời khuyên rất hữu ích cho các bậc cha mẹ và giáo viên đang nản lòng vì con trẻ của mình.
Một trong những điều khó khăn nhất khi nuôi dạy một đứa trẻ là biết cách và biết lúc nào đưa trẻ vào khuôn khổ.
Thánh Don Bosco biết chính xác những gì các bậc cha mẹ và giáo viên phải trải qua bởi ngài đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho những thiếu niên ngỗ ngược. Ngài đã đưa về hàng trăm thiếu niên trong tình trạng khó khăn, dạy dỗ và dành hết sức lực biến các em thành những con người ngay thẳng góp phần xây dựng cho xã hội.
Và khi phải lo cho quá nhiều em, ngài cần đến sự giúp đỡ của những người khác, là các giáo viên phụ tá.
Trong lá thư gởi cho các giáo viên của mình, thánh Don Bosco đã đưa ra một “hệ thống giáo dục ngăn chặn” rất chi tiết để cho các học sinh vâng lời không phải vì sợ hay giả vờ, nhưng là vì đã cảm thấy được thuyết phục. Trong hệ thống này tuyệt đối không dùng đến vũ lực và thay vào đó mọi hành động để bắt nguồn từ lòng nhân ái
Đây là 7 lời khuyên mà thánh Don Bosco gửi cho các giáo viên của mình, và vẫn rất phù hợp cho thời nay, có thể giúp cho các bậc cha mẹ và giáo viên đang nản lòng, có cách để đưa con mình theo đường tốt đẹp.
1/ Trừng phạt phải là phương cách cuối cùng
Trong quãng đời làm người giáo dục, tôi rất thường gặp phải chuyện này. Chắc chắn mất kiên nhẫn thì dễ hơn kiểm soát nó, và phạt một đứa bé thì dễ hơn thuyết phục nó, dễ hơn vô cùng. Và chắc chắn chiều theo lòng kiêu hãnh của chúng ta mà trừng phạt những ai chống đối thì dễ hơn là chịu đựng họ với một sự ân cần kiên định. Thánh Phaolô thường than rằng một vài người trở lại đạo lại quá dễ dàng quay về với những thói quen ngoại đạo của họ. Nhưng ngài chịu đựng và uốn nắn với sự kiên trì và nhiệt thành vô cùng. Đây chính là sự kiên nhẫn mà chúng ta cần để dạy dỗ cho các thiếu niên.
2/ Nếu như muốn được các học sinh tôn trọng thì người giáo dục phải cố gắng làm cho các học sinh yêu mến mình. Khi làm được việc này, thì các em thấy những lúc mình làm mất lòng giáo viên đó cũng như một hình phạt vậy, thúc đẩy các em phải cải thiện và không bao giờ đi lùi.
Nếu muốn mình được nể trọng, thì người giáo dục phải làm sao để các em mến mình trước. Và để giữ được sự quý mến này thì người đó phải thể hiện, trong lời nói và hơn nữa là trong hành động, lòng yêu thương và ân cần quan tâm đối với các học sinh của mình.
3/ Chúng ta sửa phạt với sự kiên nhẫn của một người cha. Đừng bao giờ sửa phạt các em nơi công cộng, nhưng phải kín đáo, đừng để cho những người khác thấy. Chỉ trong trường hợp ngăn chặn và sửa đổi những vụ việc có nghiêm trọng, tôi mới cho phép các thầy sửa phạt công khai.
4/ Tuyệt đối cấm đánh các em, bắt các em quỳ trong những tư thế gây đau đớn, kéo tai, và những hình phạt tương tự khác. Luật cấm những việc này, và hơn nữa chúng là những thứ gây phẫn uất cho các em và hạ thấp uy thế của người giáo dục.
5/ Người giáo dục phải bảo đảm tất cả các em điều biết về kỷ luật, những tưởng thưởng và hình phạt trong đó, để chắc chắn không một ai có thể viện cớ rằng mình không biết.
Nói cách khác trẻ con cần có những giới hạn, và chúng phản ứng rất tốt với những giới hạn đó. Không một ai thấy mình được an toàn nếu như đi trên đường với đôi mắt nhắm, và nếu thế chúng sẽ vấp ngã suốt.
6/ Phải chính xác về những vấn đề bổn phận, kiên định trong việc theo đuổi sự thiện, can đảm khi ngăn chặn việc xấu. Luôn luôn ân cần và cẩn trọng. Tôi bảo đảm với các thầy chỉ có kiên nhẫn mới đem lại thành công thực sự.
Mất kiên nhẫn thì chỉ làm cho các em khó chịu và khiến những em cá tính nhất thấy bất mãn. Kinh nghiệm lâu năm dạy cho tôi rằng kiên nhẫn là phương cách duy nhất, ngay cả cho những em ngỗ ngược và vô trách nhiệm nhất. Nhiều lúc sau khi đã kiên nhẫn thử nhiều cách mà không được gì, tôi đã cho rằng cần dùng đến những biện pháp mạnh, nhưng chẳng bao giờ chúng thành công. Và cuối cùng tôi luôn thấy rằng sự nhân ái cuối cùng sẽ chinh phục những điều mà sự khắc nghiệt không thể làm được. Nhân ái là phương thuốc toàn năng, dù cho tác động chữa lành của nó nhiều lúc khá chậm.
7/ Khi dạy dỗ cho các em, hãy làm một người cha thực sự. Chúng ta không được để cơn nóng giận làm lu mờ phán đoán của mình.
Nếu có những lúc cơn giận bùng phát ra một cách vô thức thì ngay lập tức dùng sự thanh thản của tâm trí để xóa tan những đám mây mờ mất kiên nhẫn. Chúng ta phải tự chủ toàn bộ cái đầu, con tim và cái miệng của mình. Khi một em mắc lỗi, thì trước hết phải có sự cảm thông, rồi suy nghĩ về em đó với lòng hy vọng, sau đó các thầy mới có thể sửa đổi các em một cách tốt đẹp.
Những lúc khó khăn, một lời cầu nguyện khiêm nhường với Chúa thì ích lợi hơn xa một cơn thịnh nộ lôi đình. Chắc chắn học sinh của các thầy sẽ không được lợi ích gì từ sự mất kiên nhẫn các thầy, và nó cũng không đem lại bài học gì cho các em khác chứng kiến chuyện đó.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch