Thái Hà (01.08.2019) – Một lần lang thang vào Nhà sách Đức Mẹ hằng cứu giúp, Dòng Chúa cứu thế (DCCT) Việt Nam (38 Kỳ Đồng, Sài gòn), tôi vô tình bắt gặp cuốn sách “Hồi ký mùa thu – Cuộc đời Thánh Anphongsô” do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành, nguyên tác của tác gỉa Joseph Oppliz, CSsR, bản dịch của Linh mục Bùi Quang Tuấn, DCCT.
Đọc xong cuốn sách tôi mới biết, hóa ra Thánh Anphongsô không chỉ là Đấng sáng lập DCCT mà thánh nhân trước khi đi tu đã là một luật sư, tiến sĩ luật trẻ nổi tiếng của nước Ý.
Thú thật, là một luật sư nên tôi vui mừng khoe với một số anh em luật sư Công giáo là trong Giáo hội Công giáo có một vị thánh vĩ đại nhưng lại là một luật sư. Tôi giới thiệu với anh em vị luật sư đó là thánh Anphongsô, anh em rất ngạc nhiên và nói rằng chưa nghe đến điều này.
Quả thật, nhiều người chỉ biết Ngài là Đấng sáng lập DCCT mà thôi. Vì vậy, đã nhiều lần tôi thao thức muốn viết để giới thiệu cho nhiều người tìm hiểu về Ngài, đặc biệt không chỉ với các luật sư Công giáo mà còn cho cả những luật sư có tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo. Lý do là vì trong thời gian thánh nhân hành nghề luật sư (từ năm 1713 đến năm 1723, đã rất xa chúng ta), thánh nhân đã đề ra “7 luật” (chữ của tác giả dịch, tôi xin phép được gọi là bảy nguyên tắc hành nghề luật sư, theo thuật ngữ mà thời nay sử dụng) đáng để mọi người suy nghĩ.
Bảy nguyên tắc đó là:
1. Không một luật sư nào được phép nhận cãi cho những vụ bất công có thể làm thương tổn danh dự và lương tâm mình.
2. Không bao giờ được bào chữa những vụ hợp lý bằng những phương thức nghịch lý. Phải thành thật, ngay chính; hãy dùng những lý luận sắc bén và hãy luôn có thái độ kính trọng trước tòa.
3. Phải nghiên cứu kỹ các hồ sơ để có thể trình bày cách hiệu quả nhất. Hãy thi hành như thể đang làm điều mình ưa thích nhất.
4. Hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng là Cha của sự công bằng.
5. Nếu một trường hợp vượt ngoài trí năng hoặc nếu không thể có được sự chuẩn bị cần thiết, người luật sư không được nhận giải quyết trường hợp ấy.
6. Nếu bị thua hay làm thiệt hại thân chủ do sự bất cẩn hoặc thiếu suy xét của mình, người luật sư phải bồi thường những thiệt hại đó. Người luật sư cũng phải bồi hoàn cả những chi phí không cần thiết.
7. Công bằng và thẳng thắn phải là bạn đồng hành thường xuyên và cũng là “con ngươi” trong mắt của người luật sư.
Khách quan mà nói, trong bảy nguyên tắc trên, nguyên tắc thứ tư có thể hiểu là dành cho các luật sư có niềm tin vào Thiên Chúa, còn sáu nguyên tắc còn lại áp dụng cho tất cả các luật sư. Các nguyên tắc này cho thấy thánh nhân đòi buộc trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các luật sư rất cao khi nhận lãnh công việc mà thân chủ (khách hàng) ký kết với mình. Điều này quả là khó khăn đến nỗi chính thánh nhân phải thú nhận “dám đảm bảo với các bạn rằng không mấy luật sư sẽ sắp hàng để nhận lấy một bản “copy” của tờ “7 luật” này đâu”. Tuy nhiên, luật sư Anphongsô đã thực hiện “7 luật” này, còn chúng ta thì sao?
Hiện tại và trong tương lai, đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh cùng với sự phát triển của Đất nước. Thế nhưng, hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều bất cập, pháp luật chưa thực sự được tôn trọng và tuân thủ, nhiều hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, quyền lợi hợp pháp của người dân còn bị xâm hại, đạo đức bị xưống cấp, hoạt động của luật sư còn nhiều hạn chế. Do đó, những tiêu chuẩn đạo đức về bản lĩnh của người luật sư mà thánh nhân đề cập trong bảy nguyên tắc trên cần được các luật sư quan tâm rèn luyện. Làm sao để thực hiện được “7 luật” của thánh Anphongsô, xin các luật sư và mọi người cùng tham gia trao đổi về lĩnh vực này để đất nước chúng ta có thêm nhiều luật sư giúp ích cho nước cho dân.
Luật sư Giuse Nguyễn Văn Quynh
Bài viết đăng trê VRNs ngày 28.07.2011