Thái Hà (02.05.2016) – Có mặt trong cuộc xuống đường bảo vệ môi trường của người dân Hà Nội trong ngày Chúa nhật hôm qua, xin được ghi lại vài câu chuyện nhỏ:
Xuống đường
9 giờ 00, sáng Chúa nhật, 01.5, từ Hồ Hoàn Kiếm tiến về hướng Nhà Hát lớn, chưa tới nơi đã thấy đoàn biểu tình đang từ mặt tiền Nhà Hát lớn tiến về phía bờ hồ. Còn cách một đoạn nhưng tôi đã cảm nhận không khí hào hùng của đoàn người. Lấy điện thoại ra quay khi đoàn biểu tình tới. Nổi bật giữa đoàn biểu tình, một băng rôn thật to, in ấn công phu, có 4 người cầm. Tôi vẫy tay, nở nụ cười tươi chào. Một trong số 4 người cầm băng rôn giơ tay vẫy lại. Ông hô lớn, ‘Xuống đường! Nhập đoàn đi’
Thấy cái ‘loa phường” của đám an ninh lải nhải phía sau, nhưng tôi quyết định bỏ điện thoại vào túi để hòa mình vào dòng người. Bước vào dòng người thấy mình mất hút, nhưng điều kỳ lạ là trong người cảm thấy thật tự hào. Đâu còn e dè, đâu còn sợ hãi. Xung quanh không quen ai, nhưng mọi người đều trở nên thân thiện. Một lòng, một ý hô khẩu hiệu. Lâu lâu ai nấy quay sang nhau làm quen vài câu.
Về nhà ngẫm lại, hành động từ vỉa hè bước xuống đường đôi khi cũng không dễ. Đó là hành động thoát khỏi cảnh sợ hãi, e dè. Phải bỏ qua những toan tính nhỏ mọn mới có thể bước xuống, cùng nhau hô vang tiếng nói của lương tri mách bảo. Chợt nghĩ, hành động ‘bước xuống’ thật cần thiết trong tiến trình thay đổi tương lai của dân tộc.
Vì tương lai dân tộc
Phía an ninh căng dây thừng, cho ô tô chặn ngang đầu phố Tràng Tiền để đoàn biểu tình không tiến ra phía bờ Hồ Hoàn Kiếm, nhưng vô ích. Đoàn biểu tình như dòng thác, cứ thế tiến về phía trước. Đoạn góc hồ Hoàn Kiếm, có vài chú em cảnh sát cơ động đứng giữ barie chắn ngang vỉa hè. Vài tiếng quát lớn: bỏ hàng rào ra, không người ta lại dẫm lên cỏ! Thấy chú em cảnh sát cơ động không một lời đáp. Mặt ngơ ngác quay đi chỗ khác. Tôi tiến lại gần chú em (mặt non choẹt), vỗ vai, nói nhỏ: “Bỏ ra cho người ta đi. Vì quê hương đất nước, vì tương lai dân tộc mình, chú em đừng làm gì!” Thấy mặt chú em vẫn cứ ngơ ngác quay đi chỗ khác, không lời đáp.
Trên mạng facebook, thấy có đoạn video quay cô Trang Nhung Nguyễn đứng trước hàng rào an ninh tại Sài Gòn đanh thép yêu cầu an ninh mở lối để cho mọi người ra về. Tôi khâm phục cô này! Nhìn mặt mấy chú an ninh lại thấy tội nghiệp. Mặt cũng đờ đẫn. Không ai dám nhìn đối diện vào Trang Nhung và nhìn vào máy quay. Ngẫm lại, tôi tin một ngày nào đó, mấy chú an ninh sẽ biết tự trọng, không vì vài đồng lương,nhưng biết vì ‘tương lai Dân tộc mình’
Mệt vậy ăn thua gì?
Theo đoàn biểu tình gần nửa chặng đường, tôi quay sang người bên cạnh than: “mệt quá! mỏi chân thật!” Một bà đi ngay sau nói với: ” Có gì mà mệt, ăn thua gì! Thời của cô, phải cực nhọc, vất vả các chú không biết đâu. Mình xuống đường hôm nay là ích lợi cho mình. Cá mình ăn, muối mình ăn nó nhiễm độc. Mai lại ung thư cả loạt.”
Qay lại nhìn người phụ nữ có dáng vẻ tần tảo, tay đang giơ cao khẩu hiệu, gương mặt toát lên đầy vẻ khí thế, . Hơi xấu hổ chút, mình im lặng, cùng đoàn người tiếp tục tiến về phía trước.
Không rơi lệ sao được!
Khoảng 10 giờ 30, khi đoàn biểu tình đã trở lại trước nhà Hát Lớn. Mọi người hô khẩu hiệu, hát vang bài ‘Dậy Mà Đi’. Nghỉ một lát, mọi người đang hô “Đả đảo Formosa”, chợt nghe thấy giọng người đàn ông, kèm theo nỗi nghẹn ngào. Mọi người im lặng, nghe anh nói: Biển của chúng ta ô nhiễm hết rồi. Cá chúng ta ăn, muối chúng ta ăn, không khí chúng ta hít thở. Tất cả đều ô nhiễm. Anh này chừng 40 tuổi, mặc áo phông trắng.
Người đàn ông này có lẽ quá xúc động để rồi khi diễn tả thông điệp mình muốn nói đã phải rơi lệ. Nhưng chợt nghĩ lại, không rơi lệ sao được, khi mà nhà cầm quyền thì trốn tránh trách nhiệm, chỉ biết quyền lợi phe phái để mặc, đùn đẩy, lấp liếm thông tin. Không rơi lệ sao được, khi mà tương lai chính chúng ta, con cháu, dân tộc chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong bởi Trung Cộng và những mưu trò của Trung cộng, nhưng có quá nhiều, quá nhiều người vẫn thờ ơ?
Hướng Việt