Thái Hà (20.05.2016) – Không biết từ bao giờ, đối với riêng tôi cụm từ “hạnh phúc vững bền” trong tình cảm lứa đôi nơi thế gian, hình như đã đi vào huyền thoại. Nó xa vời và mỏng manh hơn đóa phù dung, nó vụt đến và vụt đi nhanh hơn ngôi sao băng trên bầu trời đêm vắng lặng. Tôi cứ ngỡ rằng phận người mong manh yếu đuối dễ đổi thay là thế, thì sự gắn kết nơi nó cũng vì thế mà chẳng lấy chi bền vững được.
Nhưng không! Kể từ khi tôi có một chuyến đi thăm giáo Họ Phương Trù, trực thuộc giáo xứ Dân Trù, giáo phận Bắc Ninh với phái đoàn Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Miền Bắc, chính nhờ lòng xót thương của Thiên Chúa, qua Mẹ Hằng Cứu Giúp nhân từ, đã bẻ cong cái suy tư mà bấy lâu nay với tôi nó vốn cứng như một chân lý. Trong chuyến đi này, tôi đã may mắn được đến thăm gia đình chú Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hòa – một gia đình giáo dân có hoàn cảnh khá đặc biệt tại đây.
Vợ chú Hòa là cô Anna Đào Thị Hòa, hai vợ chồng cô chú không chỉ cùng tên thôi, mà còn cùng tuổi nữa, cô chú đều sinh năm 1955, năm nay cả hai cô chú đã cùng nhau bước sang tuổi 61. Thật là một sự hòa quyện tuyệt vời ngay từ những điều rất nhỏ nhặt! Tôi băn khoăn không hiểu sự trùng hợp này là ngẫu nhiên hay là thiên ý nữa?
Cùng đồng hành với nhau qua bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời, có lẽ hai từ vất vả thôi không đủ để diễn tả nổi những gì cô chú đã và đang trải qua. Trong suốt buổi tâm sự ngắn ngủi nhưng đầy nước mắt sụt sùi của cô Hòa, được biết cách đây hơn 20 năm cô đã gặp một tai nạn, tạo nên một bước ngoặt khá lớn cho bản thân cô và gia đình. Hồi đó, trên đường đi làm về, trong một ngày trời mưa gió, cô bị ngã, phải gió vì ngấm lạnh, lại xung huyết nữa nên cô đã bị liệt toàn thân. Chú và cả gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa cho cô trong suốt hai mươi năm, gần như phương pháp nào cũng từng thử qua, nhưng vẫn không thay đổi được cục diện.
Vào thời điểm đó, gia đình cô chú đã có được 5 người con, bé nhỏ nhất trong nhà khi ấy còn chưa đầy 3 tuổi. Thiên Chúa thật là khéo thử thách tình yêu và lòng trung thành của con người trong một hoàn cảnh trái ngang như thế. Thời gian đầu mới đổ bệnh, vào những ngày trời nóng, cô rất hay bị ngất xỉu thất thường, nhưng chú đã hết lòng chăm sóc cô trong mọi sự. Ban ngày thì chú ngược xuôi đi kiếm tiền nuôi đàn con nheo nhóc, và thêm tiền thuốc thang cho vợ, tối đến lại về ngồi bên vợ thức gần như suốt đêm để chăm lo, chia sẻ với khó nhọc trong bệnh tình của vợ. Chú không dám nằm xuống ngủ, vì sợ cô có bề nào thì chú lo cho cô không được kịp thời. Cô vẫn còn nhớ như in giọng nói của chú mỗi sáng trước khi đạp xe đi làm dặn dò các con: “Anh em các con ở nhà bồng bế nhau, trông nom mẹ. Bố phải đi làm kiếm tiền học cho các con và tiền thuốc cho mẹ”. Suốt hơn hai mươi năm trời đã qua đi, không một câu nặng lời, không một lần than trách, chú đã luôn sát cánh bên cô như vậy.
Về phần cô, thời gian đầu mới bị bệnh cô cũng vô cùng thất vọng và buồn khổ, cô từng ao ước thà Chúa cất cô đi thì tốt hơn là để cô tiếp tục sống trong hoàn cảnh như vậy, để thêm gánh nặng cho gia đình, vất vả cho chồng con. Bởi là một người mẹ, mà: “Ngay cả cái kim sợi chỉ là thứ bé nhất cô cũng chẳng có được để cho các con”. Nhưng nhờ niềm tin tưởng và cậy trông mãnh liệt nơi Thiên Chúa quan phòng, lại có người đàn ông kiên cường, đầy tình yêu thương ấm áp của đời mình, luôn đồng hành bên cạnh, cô đã rất can đảm để chống chọi với bệnh tật, và những khổ đau về cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy nằm liệt giường như thế, nhưng cô đã không nài nỉ van xin Chúa cho được khỏi bệnh, thay vào đó lời nguyện của cô lại là: “Xin Chúa ban cho con có được trí khôn và sự minh mẫn khi nằm trên giường bệnh. Để con có thể nhận biết và đồng hành cùng gia đình con trong lời cầu nguyện với mọi biến cố. Nếu đẹp ý Chúa thì xin Chúa cất bệnh của con đi, còn không thì Chúa muốn định cho con cách nào con cũng bằng lòng vâng theo”. Không những thế, mà mỗi ngày trên giường bệnh, cô đều dâng lên Mẹ 200 hạt kinh mân côi, và hiệp ý với nhà thờ giáo họ đọc kinh tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi ngày. Trong gia đình dòng họ, khi biết ai có chuyện gì xảy ra, cô cũng hợp ý cầu nguyện dâng lên cho Chúa và Mẹ.
Cách đây gần hai năm cô đã cương quyết nói với gia đình dừng lại hoàn toàn việc chữa trị cho cô, vì theo cô: “Mình không thể vượt quyền Chúa được, nếu Chúa đã không muốn cho tôi khỏi thì thuốc thang thế gian dù tốt đến đâu cũng vô ích mà thôi. Mình dành tâm trí và tiền bạc để lo cho các con, đừng lo chữa bệnh cho tôi nữa”. Câu nói của cô làm tôi chợt nhớ tới lời thánh vịnh: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 118,71). Quả thật, niềm tin của cô khi được tôi luyện qua đau khổ, đã trở nên cứng rắn cách lạ thường! Đến nay, tuy cô vẫn nằm liệt giường, nhưng sức khỏe đã ổn hơn trước kia, cô không còn ngất lên ngất xuống thất thường nữa, sắc mặt cô đã khá hồng hào. Các con của cô chú cũng đã học xong, thành đạt với công việc của mình và đều đã lập gia đình, các con nghe lời khuyên răn của mẹ: “có xuôi chèo thì mới mát mái được các con ạ!”, nên đều cầu nguyện và nhờ ơn Chúa, đã tìm và kết hôn với người bạn đời cùng tôn giáo như lòng cô mong ước nguyện xin.
Khi các con đã lớn và ổn định, cuộc sống của gia đình cô chú cũng bớt phần khó khăn, gia đình cô chú đã cất được một ngôi nhà khá khang trang. Vào hôm chuyển sang nhà mới, chú có nói với cô những lời khiến cô xúc động không cầm nổi nước mắt: “Hòa ơi! Vợ chồng mình vất vả quá, tôi chỉ nuôi được mình rau cháo qua ngày, đến giờ này các con cùng tôi cũng xây được một cái nhà tạm ổn để ở rồi. Chúa cho mình sống ngày nào thì mình sang nhà mới ở với tôi với các con ngày đó. Nếu Chúa cất mình đi thì tôi phải chịu. Mình đã phải hy sinh thay cho gia đình nhiều quá, khi các con ngoan ngoãn khôn lớn thì mình lại chịu bệnh. Nhờ lời cầu nguyện của mình ngày đêm trên giường bệnh mà tôi với các con mới được như vậy đấy”.
Nghe xong những tâm sự của cô, tôi như muốn chìm mình vào thật sâu trong cái thinh lặng bao la của vũ hoàn mà chiêm ngắm một thực tại của Gia Đình Thánh Gia ở trần gian. Cái hạn chế trong ngôn từ của tôi lúc này không thể nào diễn tả nổi cái vĩ đại trong tình yêu hy sinh cao quý ấy – rất đơn sơ, rất bình dị, nhưng lại cũng rất phi thường.
Tôi tự nghĩ, trong tình cảm lứa đôi, nói lời yêu thương nhau thì có lẽ không phải là một điều quá khó, nhưng để sống lời yêu thương ấy cho đến cùng thì không phải đôi bạn nào cũng đủ dũng cảm thực thi cho được. Tôi không tin tưởng vào hạnh phúc lứa đôi, phải chăng vì tôi không đủ can đảm vượt qua thử thách của những trái ngang khổ đau nơi bậc sống gia đình? Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”, phải chăng có những bông hoa hạnh phúc ở trần gian này, phải đi đến tận cùng của thung lũng gai góc tối tăm mới ngắt cho được? Nhưng trong phận người mong manh yếu đuối, làm sao tôi có đủ sức mạnh đây? Nếu không phải nhờ vào sự kiên tâm chịu đựng đau khổ trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa của cả hai người, liệu gia đình cô chú Hòa có vượt qua được mọi sóng gió để đáp cánh bình an như vậy không?
Nhờ có Mẹ Hằng Cứu Giúp mà tôi mới có một cơ duyên tuyệt vời này, để biết rằng “hạnh phúc vững bền” vẫn luôn có thật ngay ở trần gian, ngay ở quanh ta, trong tầm tay của ta thôi, nhưng nó không có một cái giá rẻ tiền. Bởi để có được cái “vững bền” đó có lẽ ta phải bán cả gia tài của mình là cái mong manh nơi phận người, đem gửi vào ngân hàng ân sủng của Đấng Trường Cửu may ra mới đủ chăng? Vậy tôi có nên đánh đổi, để hạnh phúc thật sự có thể nở hoa nơi cuộc đời mình?
Hoa Dại