Thái Hà (03.06.2016) – Vào hôm thứ Năm vừa qua (13.5.2015), trong cuộc tiếp kiến dành cho 870 Nữ Bề Trên Thượng Cấp của các Dòng Tu Công Giáo, Đức Thánh Cha đã ủng hộ niềm mong ước muốn thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu hơn về chức Phó Tế của nữ giới. Vì sự ủng hộ này của Đức Thánh Cha, nên cứ sự thường, một Ủy Ban sẽ được thành lập trong nay mai để bận tâm tới câu hỏi: các chức vụ có nguồn gốc từ Giáo hội sơ khai được hiểu một cách chính xác là gì trong Giáo hội thời ấy? Và một nam Phó Tế hay một nữ Phó tế được hiểu một cách chính xác là gì? Nhân đây chúng tôi xin thực hiện một cuộc tìm hiểu nho nhỏ về ý nghĩa và nhiệm vụ của các Phó Tế.
Nói chung, các Phó Tế (ở đây chúng tôi xin chỉ nói về các Nam Phó Tế) được ban Bí Tích Thanh Tẩy, được giảng dậy, nhưng không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được phép ban Bí Tích Cáo Giải. Các Phó Tế đứng ở bậc thứ nhất của ba bậc chức Thánh trong Giáo hội; chức Linh mục và chức Giám mục đứng ở hai bậc sau đó. Ngoài ra, từ năm 1968, trong Giáo hội Công Giáo còn có thêm một chức được gọi là chức „Phó Tế vĩnh viễn“: Vị Phó Tế này được phép lập gia đình và được phép hành nghề dân sự.
Theo nguyên ngữ Hy-lạp, Diakonos – Phó Tế – có nghĩa là „Người Phục Vụ“; trong các bức thư của Tân Ước, chẳng hạn như trong thư Rô-ma 16,1, cụm từ Diakonos ám chỉ tới một người nam, kể cả nữ, mang một „chức vụ“ trong cộng đoàn. Tư tưởng Thần Học có tính nền tảng dựa trên quan điểm rằng, sự sống và cái chết của Chúa Giê-su chính là một sự phục vụ đối với chúng ta, và vì thế, sự phục vụ nên trở thành thái độ chính yếu của người Ki-tô hữu và của người dấn thân trong Giáo hội. Đó là một tư tưởng mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không ngừng tái nhấn mạnh. Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật lại cho biết, các Tông Đồ của cộng đoàn sơ khai đã bổ nhiệm một số nam giới để họ „phục vụ bàn ăn“, và trong số những người được bổ nhiệm đó, có Thánh Stê-pha-nô. Điều đáng lưu ý ở đây là, Thánh Lu-ca, tức tác giả sách Tông Đồ Công Vụ, đã tránh dùng thuật ngữ Diakon khi tường thuật lại biến cố này.
Trong Tân Ước, không thấy có chỗ nào nói về hoạt động giảng dậy của Diakon – Phó Tế; vì thế các nhà Thần Học nghĩ rằng, các Diakone – Phó Tế – chỉ thi hành sứ mạng trong Phụng Vụ, trong việc quản lý tài sản và trong hoạt động Caritas, và chỉ được thi hành chức vụ sau khi đã trải qua một cuộc sát hạch về năng lực chuyên môn, và có lẽ cũng phải trải qua một cuộc bổ nhiệm chính thức vào chức vụ của mình. Việc các phụ nữ cũng có chức Phó Tế trên toàn Giáo hội thời nguyên thủy, đó là điều đã được chứng thực bởi Rm 16,1-2: „Tôi xin giới thiệu với anh chị em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là Nữ Trợ Tá của Hội Thánh Ken-khơ-rê. Mong anh chị em tiếp đón chị ấy trong Chúa cách xứng đáng, như các Thánh phải đối xử với nhau. Nếu chị ấy có việc gì cần đến anh chị em thì xin anh chị em hãy giúp đỡ, vì chính chị ấy cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa.“ Dịch sang tiếng Hy-ạp, từ „Nữ Trợ Tá“ có nghĩa là „Diakonin – Nữ Phó Tế“. Trong bối cảnh rộng hơn, vấn đề đã trở nên rõ ràng rằng, bà Phê-bê chắc chắn cũng đã hoạt động truyền giáo; ngoài ra, những mô tả về công việc đầu tiên của một Nam Phó Tế hay của một Nữ Phó Tế thì hoàn toàn mù mờ.
Người trợ giúp trong Phụng Vụ, trong việc quản lý tải sản và trong hoạt động Caritas:
Tại Giáo hội Rô-ma thuộc thế kỷ thứ nhất, chúng ta bắt gặp các Phó Tế như là những người trợ giúp các Giám Mục, trong việc chăm sóc những người nghèo và các bệnh nhân. Từ thế kỷ thứ V, chức vụ này trong Giáo hội Rô-ma đã đánh mất đi tầm quan trọng; nó trở thành một cấp chuyển tiếp cho chức Linh mục. Chỉ tới Công Đồng Vatican II, Giáo hội mới tái khôi phục chức Phó Tế như là chức vụ thuộc „trật tự“ Bí Tích, được thi hành một cách cố định. Nhưng khác với Linh mục và Giám mục, các Phó Tế không có chức năng được dành riêng cho họ.
Ngay cả giới phụ nữ trong Giáo hội sơ khai cũng đã từng hoạt động với tư cách là các Nữ Phó Tế trong những sứ vụ đặc biệt của cộng đoàn, chẳng hạn như trong việc huấn dậy Đức Tin, chăm sóc người nghèo và trong việc cộng tác với các phụ nữ. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà Giáo Sử, các Nữ Phó Tế này không có chức năng nơi Bàn Thờ; nhiều nhà Giáo Sử tin rằng, tình trạng của các Nữ Phó Tế hầu như không thể so sánh với chức vụ của các Nam Phó Tế. Vì thế, cuốn „Từ Điển Thần Học và Giáo hội“ đã đi đến kết luận rằng, „nếu cố gắng để thiết lập chức Nữ Phó Tế cho thời đại hôm nay, thì một sự thực hành mới sẽ bị viện cớ, mà sự thực hành ấy không thể dựa trên truyền thống đồng nhất và liên tục“.
Tại Giáo hội Tây phương La-tinh, các Nữ Phó Tế được xác nhận từ thế kỷ thứ VI tới thế kỷ XIII. Tại Giáo hội Phương Đông, truyền thống về các Nữ Phó Tế tồn tại lâu hơn; tuy nhiên, ở đây cũng có rất nhiều sự khác biệt giữa các Nam Phó Tế và Nữ Phó Tế.
Một cái nhìn tổng quát về các bộ sử học đủ để nhận thức được rằng, chức Phó Tế có một lịch sử khá phức tạp. Cho tới nay, người ta vẫn chưa có đủ các dữ liệu để khẳng định một cách chắc nịch về việc Phó Tế là gì và được phép làm gì. Các cuộc thảo luận lại làm ầm lên rằng: „Phải khẩn trương đưa ra một quyết định có tính huấn quyền trong mối liên hệ đến cấu hình căn bản mang tính Bí Tích của chức Phó Tế“ – cuốn từ điển vừa được trích dẫn ở trên cảnh báo.
Giờ đây, sự suy tư về một chức Phó Tế dành cho nữ giới rơi vào trong tình trạng manh mún này. Các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II đã khước từ một sự bứt phá tương ứng, vì các Ngài lo ngại rằng, điều đó có thể có nghĩa là một sự quyết định trước về những chức vụ khác trong Giáo hội đối với nữ giới. Trong giới Đức ngữ, từ hơn một chục năm nay, người ta đã thảo luận một cách khá sôi nổi về một sự mở ra có thể của chức Phó Tế đối với nữ giới; trong cuộc thảo luận này, vấn đề càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn rằng, sẽ phải có một điều kiện tiên quyết cho sự mở ra này để tháo gỡ sự hiệp nhất giữa ba chức vụ của Giáo hội (Phó Tế – Linh Mục – Giám mục) đã có từ thời Trung Cổ.
Ngay cả Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, mà Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin được liệt vào, cũng đã hết sức bận tâm tới đề tài Phó Tế trong một cuộc hội nghị tại Vatican vào năm 2002.
(theo rv/lthk/kna 13.05.2016 sk)
Đa-minh Thiệu. Nguồn: simonhoadalat.com