Chuyện nhân gian

Thái Hà (20.08.2016) – Theo bản tin của Vatican (news.va  được Tìn Mừng cho Người Nghèo (GNsP) dịch lại, thứ năm 11.8.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng bữa trưa với 21 người tỵ nạn Syria tại khu Nhà Khách Santa Marta. Trong bữa ăn trưa, cả người lớn và trẻ em đều có dịp được trò chuyện với Papa Phanxicô về cuộc sống họ mới khởi sự tại Ý. Những người tỵ nạn này hiện đang sống ở Roma và được cộng đoàn Thánh Egidio bảo trợ. Trong dịp Đức Phanxicô viếng thăm hòn đảo Lesbos vào ngày 16.4.2016 (ảnh chụp), ngài đã mang họ về Roma cùng với ngài. Nhóm đầu tiên đã đến Roma với ngài trên cùng chiếc bay dành riêng cho Giáo Tông, còn nhóm thứ hai đến Roma sau đó, vào giữa tháng 6 theo đề nghị của ngài.

Các trẻ em Syria trong bữa ăn trưa với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm, 11.8.2016
Các trẻ em Syria trong bữa ăn trưa với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm, 11.8.2016

Một lần nữa qua hình ảnh của một vị Giáo Tông, chứ không phải là một vị “Giáo Hoàng” như lâu nay vẫn quen gọi sai, chúng ta học được bài học yêu thương, đơn sơ, bình dị và chân tình rất cụ thể của một vị Cha chung như cách mọi người gọi ngài là Papa, Pape, Pope… Kể từ ngày nhận sứ vụ ngai tòa Phêrô, Papa Phanxicô đã có những chọn lựa cung cách sống gần gũi với mọi người, đặc biệt người nghèo, để nói lên tinh thần của Phúc Âm là Tin Mừng cho người nghèo.

Như chúng ta biết, vị Giáo Tông này đã không vào biệt điện dành riêng cho ngài nhưng đã sống ở nhà nghỉ Santa Marta. Từ đó ngài có dịp sống chung với những người cư trú tại đây, sinh hoạt với những người giúp việc, rồi mỗi sáng nếu không đi đâu, ngài sẽ dâng Thánh Lễ với họ, giảng dạy Lời Chúa cho họ. Không tách biệt với cộng đồng, Papa Phanxicô di chuyển đến văn phòng làm việc bằng chuyến xe buýt chung với các nhân viên của Vatican.

Với các phương tiện truyền thông hiện đại, vô tình ống kính đã ghi lại hình ảnh cổ tay áo của Papa Phanxicô đã bị sờn vải trong chuyến viếng thăm Mehico. Chắc chắn với cương vị của ngài, chuyện thay một chiếc áo mới chẳng phải là xa vời không với tới, thậm chí đó là chuyện quá nhỏ, nhưng vị Giáo Tông này đã sống một cách giản dị ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất.

Chiếc cặp cầm tay trong mọi cuộc di chuyển đã là một hình ảnh trong chuỗi những hình ảnh đánh động mọi người. Tự tay ngài cầm lấy vật dụng cá nhân, mặc dầu ở cương vị của mình, có thể nhờ một tùy viên mang giúp.

Địa chỉ năng lui tới thăm viếng và cử hành Thánh Lễ của Papa lại là nhà tù, chứ không phải Đại Giáo Đường với đông đảo quần chúng, với cờ hoa rợp trời, kèn đồng vang dội. Đó là một ngôi nhà của tội nhân, với những căn phòng đơn sơ mộc mạc được canh gác nghiêm ngặt, ở đó ngài gặp gỡ những kẻ phạm pháp, những kẻ hèn mọn bị khinh miệt và tách biệt khỏi xã hội con người. Ngài đến đấy với tâm tình “mỗi khi bước qua ngưỡng cửa nhà tù, tôi ý thức chính mình là tội nhân, nơi đây phải là chỗ dành cho mình, nhưng Chúa thương tôi, tôi đến đây để tạ ơn Chúa và chia sẻ với những người ngồi tù thay tôi”, ngài đã trả lời như vậy khi được hỏi về lý do tại sao lại hay viếng thăm nhà tù.

Và nhiều hành động với cung cách sống như vậy nữa nơi vị Giáo Tông của thời đại này. Không cần nói nhiều chúng ta đều biết, thế gian đã chọn lựa khác ngài, chọn sự vinh quang, hưởng thụ, sang trọng cho có đẳng cấp, họ không chọn phục vụ, không chọn khó nghèo đơn sơ, không chọn gần gũi cộng đồng, đặc biệt là người nghèo khi họ có quyền có chức, cho dẫu chính họ xuất thân từ hạng người nghèo khổ. Cứ nhìn vào cuộc sống của các quan chức ở Việt Nam sẽ thấy rất rõ, chức và quyền cộng với tinh thần thế tục đã gây biết bao đau khổ cho người khác, đặc biệt là người nghèo. Trên các phương tiện truyền thông, vụ bắn chết viên Bí thư Tỉnh Ủy và Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Yên Bái vào ngày 18.8 vừa qua đã góp thêm những hình ảnh phơi bày sự tệ hại của tinh thần thế tục.

Đó là thế gian, đó là những người từ chối hoặc không có dịp tiếp cận Tin Mừng, nhưng chúng ta thì sao ? Hàng ngày chúng ta nghe đọc Lời Chúa, hằng ngày chúng ta lên tòa giảng, lên lớp giáo lý nói Lời Chúa, chúng ta chọn cung cách sống như thế nào ? Hãy nhìn vào những trang thiết bị, những cơ sở vật chất, những phương tiện di chuyển, những cách xử dụng phòng ốc, những chọn lựa trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chọn điều gì ? Tu Viện hay pháo đài khi chúng ta xây dựng tường rào ? Tu Viện hay khách sạn khi chúng ta chọn lựa kiểu dáng và vật liệu xây dựng? Nơi ở của những người tự đánh giá là “con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” hay biệt điện dành riêng cho ông hoàng bà chúa ?

Đừng tiếp tay với thế gian vốn đã quá gian xảo và lọc lừa, trước mặt Chúa chúng ta hãy thật lòng tự vấn lương tâm, thực hành sám hối và thay đổi cách sống trước khi những tai họa sẽ giáng xuống trên đầu chúng ta, nếu cứ… “đi lại làm điếm” với thế gian này.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 19.8.2016

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.