Thái Hà (30.08.2016) – Thời gian gần đây có quá nhiều sự kiện quan trọng xảy ra trên đất nước này, tránh né thế nào cũng không che được cặp mắt, bịt được đôi tai. Những sự kiện không chỉ là những biến động xã hội cho bằng sức ảnh hưởng vượt xa nhiều thế hệ, Sự việc cá chết ở vùng biển của 4 tỉnh miền Trung là thì dụ điển hình. Khi tháng 4 xảy ra hiện tượng cá chết, người ta còn sử dụng báo đài để bịt miệng bằng cách không một tờ báo nào đăng tin liên quan, mọi thông tin truyền đi trên mạng xã hội bị ghép tội là lề trái, là tuyên truyền chống phá Nhà Nước. Đến khi không thể bịt được nữa thì người ta lại lái thông tin theo một hướng khác. Hàng loạt quan chức cao cấp có đến hàm bộ trưởng bày trò ăn thủy hải sản và tắm biển để khẳng định… biển sạch. Cuối cùng thì sự thật phải phơi bày ra, cái nguy hiểm chết người của các chất độc được chính thủ phạm nhìn nhận, loại chất độc thải ra Biển Đông sẽ gây tác hại cho nhiều thế hệ loài người có liên quan đến biển.
Trước đó và đã lâu, dân oan từ khắp các nơi kéo về các thành phố lớn khiếu kiện, họ nằm la liệt ở các trụ sở tiếp dân, tạm trú trong các công viên, sống lây lất trên các vỉa hè. Thỉnh thoảng lại nổ ra các cuộc chống đối mang tính bạo lực, các nhân viên công lực tổ chức thành mặt trận để vây đánh, người dân lắm kẻ u đầu sứt trán, kể cả tử thương, rồi hàng loạt án tù nặng được tuyên cho những người mang tội vi phạm luật điều 88, điều 258… Đó đây xuất hiện các cuộc tự thiêu, thắt cổ tự tử, để bày tỏ thái độ uất ức, bất mãn với các quyết định xử lý của nhà nước.
Cao điểm là các sự kiện ở Biển Đông, việc Tàu Cộng bồi đắp các quần đảo chiếm được của Việt Nam, xây dựng các công trình quân sự và dân dụng, tung các tàu chiến, tàu hải giám, kể cả tàu đánh cá ra Biển Đông, đe dọa, tấn công, đâm chìm các tài đánh cá Việt Nam, thậm chí ra lệnh cấm đánh bắt cá ngay trong hải phận của Việt Nam. Chỉ trong mấy năm gần đây đã có hàng ngàn ngư dân bị tử nạn trên biển hoặc mất tích. Trên bờ, các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng ở hai thành phố đầu đất nước bị đàn áp mạnh mẽ, những hình ảnh đánh đập, bắt bớ, gian cầm… truyền đi với tốc độ chóng mặt trên mạng.
Quá nhiều điều không hay chút nào xảy ra trên đất nước này. Đứng trước những biến cố đó Hội Thánh Việt Nam nói gì ?
- Năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( HĐGMVN ) đã có thư cho Nhà Nước Việt Nam, nêu quan điểm đòi hỏi bức thiết xóa bỏ cơ chế bất công tha hóa con người.
- Năm 2008 trong văn bản có tên Quan Điểm, HĐGMVN nói về đất đai khiếu kiện kéo dài, không được giải quyết thỏa đáng, đề cập đến quyền tư hữu phải có, cũng trong văn bản này, Hội Thánh đề cập đến sự gian dối và bạo lực có mặt ở khắp nơi, tàn phá xã hội.
- Năm 2013, trong thư góp ý sửa đổi Hiến Pháp, HĐGMVN đã nói về những quyền căn bản của con người, quyền làm chủ của nhân dân, đã đề nghị bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái nào, nhấn mạnh đến quyền tối cao của Quốc Hội do dân bầu ra, xác định nguyên tắc “Tam Quyền phân lập”.
- Năm 2014, trong văn bản Nhận Định về Biển Đông, Chủ tịch HĐGMVN đã chỉ ra Tàu Cộng với những hoạt động trái phép ở Biển Đông có nguy cơ gây ra chiến tranh, những hiệp ước giữa hai đảng Cộng Sản ký kết không mang lại lợi ích gì, ngược lại, đẩy Việt Nam vào tình trạng lâm nguy.
- Năm 2015, trong nhận định và góp ý Dự Thảo 4 luật Tín Ngưỡng, HĐGMVN cho rằng Dự Thảo đi ngược Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, là một bước thụt lùi so với quá khứ và mạnh mẽ đề nghị soạn lại theo xu hướng tự do, dân chủ và tiến bộ.
Trong tuần lễ 19 Thường Niên vừa qua, liên tục bài đọc một trong Thánh Lễ hàng ngày chúng ta nghe đọc trong sách Edêkien, câu chuyện tiếp nối từ chương 1 đến các chương tiếp theo. Năm 586, thành Giêrusalem bị tàn phá cùng với thể chế Do Thái bị vỡ vụn. Dân bị phát lưu đày, bị tước hết mọi khả năng chính trị, chỉ vì dân ấy đã dấn sâu vào con đường tội lỗi đánh mất ân sủng của Thiên Chúa, gian dối trong cách ăn nết ở, thỏa hiệp với ngoại bang, thờ các thần ngoại giáo, tước mất quyền sống của người nghèo, gây bất công lan tràn mọi nơi. Edêkien trong nỗi đớn đau của một tư tế, mất nước, mất đền thờ, bên bờ sông Kêbar của dân ngoại Babylon, kiên nhẫn thi hành sứ vụ: “Hỡi con người, đứng dậy, đi đến nhà Israen và người sẽ nói với nó qua các lời của Ta”.
Chẳng lẽ đến lúc câu chuyện cuộc đời vị Ngôn Sứ này, câu chuyện bên dòng sông Kêbar lại trở thành định mệnh ngay trên chính đất nước chúng ta ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ bảy 13.8.2016