Thái Hà (18.02.2017) – Trên website của Giáo Phận Vinh (giaophanvinh.net) hôm 16.02.2017 đăng bài huấn từ của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện ĐTC Phanxicô tại Việt Nam gửi cộng đoàn tham dự Lễ Tạ ơn mừng Hồng ân Tử đạo của Chân phước JB. Malo tại Gx. Vĩnh Hội (Hương Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, bài huấn từ của Đức TGM Leopoldo Girelli do Đức cha Phụ tá Giáo phận Vinh, Phêrô Nguyễn Văn Viên đọc trong thánh lễ, vì Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli bị ngăn cấm, không đến được Vĩnh Hội.
Đức cha Phụ tá Giáo phận Vinh, Phêrô Nguyễn Văn Viên đã nghẹn lời khi đọc lý do không có mặt của Đức TGM Leopoldo Girelli.
Được biết, thánh lễ tạ ơn tại Vĩnh Hội hôm 16.02.2017, nhân kỷ niệm cha Gioan Baotixita Malô, vị tử đạo của nước Lào được phong thánh. Vĩnh Hội chính là nơi vị tử đạo của nước Lào an nghỉ.
Dưới đây là huấn từ của Đức TGM Leopoldo Girelli được đăng trên website Giáo Phận Vinh.
……………………..
Bài Chia Sẻ Của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli
Đại Diện Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Việt Nam
Lễ Chân Phước Gioan Baotixita Malo, Tử Đạo
Xứ Vĩnh Hội, Giáo Phận Vinh
Ngày 16 tháng 2 năm 2017
Kính thưa tất cả mọi người đang qui tụ tại Vĩnh Hội,
Hôm nay thật là dịp rất đặc biệt, rất quan trọng và tôi rất muốn hiện diện nơi đây để cầu nguyện cùng anh chị em. Tiếc rằng, tôi bị ngăn cấm tới Vĩnh Hội, mặc dù hiện tại tôi đang ở Vinh.
Anh chị em qui tụ nơi đây để tưởng nhớ cha thánh Gioan Baotixita Malo, một trong những vị thánh tử đạo của Lào được Giáo Hội tuyên phong vừa qua.
Anh chị em qui tụ ở Vĩnh Hội, vì nơi đây có mộ của ngài, biểu tượng sống động của cuộc tử đạo.
Cha thánh Malo là nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris, công dân của nước Pháp cao quí, người con yêu dấu của Giáo Hội Công Giáo Pháp.
Tôi muốn gửi lời chào tới ngài Rémi Lambert, đại diện Đại Sứ Pháp tại Việt Nam, ngài tỏ lòng trân quí đối với chúng ta bằng sự hiện diện trong thánh lễ này.
Tôi xin cảm ơn Đức Cha Phaolô về việc tổ chức biến cố này. Tôi xin gửi lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Quí Đức Cha, Quí Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), Quí Cha, Quí Thầy, Quí Sơ trong và ngoài nước Việt Nam cũng như tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây và những ai đang thành tâm dõi theo biến cố này qua các phương tiện truyền thông.
Đâu là sứ điệp chúng ta có được từ cha thánh Malo và cuộc tử đạo của ngài?
Chúng ta có thể nhận thấy ở đây 3 chiều kích của sứ điệp. Trước hết, cha Malo yêu mến Châu Á. Cha đã rời đất nước thân yêu của mình đến Trung Quốc và trải qua 18 năm ở đó để loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô và giúp đỡ những người nghèo khổ.
Khi cha bị trục xuất khỏi Trung Quốc, cha đã không rời bỏ đại lục Châu Á này. Cha đã tới Lào và sống ở đó 16 tháng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Cha Malo yêu Châu Á và yêu miền đất Đông Dương này. Cha đã trở nên người Trung Quốc với những người Trung Quốc, trở nên người Lào với những người Lào. Quả thật, một vị tử đạo không chỉ chết cho Thiên Chúa mà còn chết cho những người mà mình hằng yêu mến.
Cha Malo là nhà truyền giáo. Cha là sứ giả của Đức Giê-su Ki-tô, như bao sứ giả khác, cha luôn nay đây mai đó trong toàn bộ cuộc sống loan báo Tin Mừng của mình.
Thật ý nghĩa rằng cha đã chết trên đường đi, do kiệt sức trong hành trình dài và thảm khốc tới Giáo Phận Vinh.
Cha Malo chết vì thân xác tiều tụy. Sự chết của cha không do một hành động tàn bạo. Cha không đổ máu như các vị tử đạo khác, bởi vì, một cách biểu trưng, cha không còn máu trong hệ thống tuần hoàn nữa; do đó, chúng ta có thể nói rằng đây là cuộc tử đạo không đổ máu.
Cha Malo được mai táng bên bờ Sông Ngàn Sâu thuộc tỉnh Hà Tĩnh này. Quả thật, biến cố tử đạo của cha tương tự biến cố thả lưới nhiệm mầu chỗ nước sâu, được thể hiện trong ý nghĩa của cái tên ‘Ngàn Sâu’.
Từ bờ Sông Ngàn Sâu, sự chết của cha trở nên nguồn mạch dồi dào nảy sinh nhiều Ki-tô hữu, như dòng sông tưới nước lên miền đất màu mỡ của tỉnh Hà Tĩnh này.
Tình yêu Châu Á, hành trình truyền giáo và hoa trái tử đạo của Cha Malo để lại cho chúng ta mẫu gương theo thánh ý Thiên Chúa, và sức mạnh để làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô và các giá trị Ki-tô giáo trong hoàn cảnh khó khăn.
Thiên Chúa có chương trình của Người cho Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng Người cần anh chị em cộng tác thực hiện. Tương lai của Giáo Hội lệ thuộc vào anh chị em và đức tin của anh chị em.
Tôi cũng nhận thức được những thách đố mà anh chị em đang gặp phải. Sự trung tín của anh chị em đối với các nguyên lý Ki-tô giáo bị thử thách trên nhiều phương diện, trong đó có tiến trình tục hóa và sự giới hạn tự do khi anh chị em thực hành đức tin của mình.
Xét cho cùng, tình yêu luôn đem đến vinh thắng, tình yêu không bao giờ bị đánh bại: Hãy yêu Thiên Chúa, yêu Châu Á, yêu tổ quốc của anh chị em.
Tình yêu này là thực tại mà cha thánh hiển vinh Gioan Baotixita Malo thông truyền cho chúng ta. Tình yêu là thực tại mà Việt Nam và Lào cần xây dựng tương lai của mình trong bầu khí hòa bình.
Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!
Leopoldo Girelli