Thái Hà (31.03.2017) – Nghe tin cha già Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm, Chánh xứ Thủ Thiêm đau nặng, kính phục người Linh Mục hết lòng với Giáo Hội, ra sức bảo vệ Giáo Hội và sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Giáo Hội, chúng tôi sang thăm ngài như những lần có tin cấp bách về Thủ Thiêm. Sáng thứ ba 28.3.2017, hai cha trẻ của DCCT, Giuse Trương Hoàng Vũ và Phaolô Lê Xuân Lộc, trở về từ Thủ Thiêm, đã ghi lại được những hình ảnh vị Mục Tử khả kính nằm thoi thóp trên giường bệnh, mũi thở ống tiếp ôxy, tay chằng chịt các dây tiếp nước và các hỗ trợ y khoa khác. Hai cha cho biết tình hình nguy ngập, sức khỏe cha già suy kiệt. Từ lâu cha già quý mến hai cha Giuse Vũ và Phaolo Lộc, ngài gọi hai cha trẻ bằng tên gọi thân thương Cu Anh và Cu Em.
Sáng thứ tư 29.3, tôi vội vã thu xếp công việc để đến thăm cha già, chạnh nghĩ đây có lẽ là lần cuối thăm ngài, gặp ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài rồi sẽ ngậm ngùi ra về thôi. Không ngờ vừa đến sân Nhà Thờ Thủ Thiêm, tôi đã nghe tiếng nói cười vui vẻ trong phòng tiếp khách của ngài. Tôi lấy làm lạ và không khỏi vui mừng bước vào, thấy cha già đang tươi cười cùng các vị khách quý đến thăm. Ngài đứng lên đưa tay ra bắt lấy tay tôi lắc lắc, và vẫn nụ cười hồn hậu không chút gì mệt mỏi, ngài bảo tôi ngồi rồi mời nước. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, người khách quý luôn có mặt trong các giờ khắc nặng nề nhất của cha già, của nhiều cha trọng tuổi khác, cũng đang ngồi ngay cạnh cha già.
Cha cho biết, như một phép lạ, bác sĩ đã lắc đầu, quyết định chấm dứt mọi biện pháp cấp cứu, và cho ngài về từ ngày thứ bảy 25.3. Đến hôm qua, thứ ba 28.3, khi Cu Anh và Cu Em đến thì cha còn rất mệt. Thế mà sáng nay 29.3, cha đã tỉnh lại như chưa bao giờ có cơn đau đớn nào, ngài cưới nói: “Chúa cho khỏe đế tiếp Đức Cha và các cha nè”.
Cha già GB. Lê Đăng Niêm, người kiên trì ở lại giữ ngôi đền thờ ( Nhà Thờ Thủ Thiêm ) mong manh nhỏ bé của Giáo Hội giữa những công trình đồ sộ hùng tráng đang mọc lên chung quanh, ngôi Nhà Thờ “xấu số” không được phép tồn tại vì từ gần 100 năm nay đã tọa lạc ở bờ sông yêu kiều bên kia một thành phố rực sáng.
Khi khu bán đảo hoang vu còn sơ khai, ngôi Nhà Thờ đã hiện diện cùng với những cư dân cặm cụi khai phá, nhiều thế hệ đã sinh ra, bước vào Nhà Thờ, sống trọn cuộc đời với bao niềm vui nỗi buồn, cho đến khi thân xác được đưa vào Nhà Thờ lần cuối, rồi ở lại trong lòng đất ấm áp tình quê. Nay thì hòn đảo lọt vào con mắt lơ láo hừng hực của bạc tiền thì người ta định không cho nhà thờ tồn tại thêm nữa, phải chấm dứt mạch sống nhân sinh, phải quét sạch quá khứ mà xây ảo vọng cho tương lai, một tương lai không có quá khứ, không có hồn đất, không có hồn người.
Cha già kiên cường quyết giữ đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ của lòng người. Không phải bám giữ một ngôi đền đồ sộ như Giêrusalem, không phải tự hào như ngôi đền trên núi Garizim, nhưng là ngôi đền thờ Chúa trong Chân Lý và Sự Thật, trong Công Bằng và nhân phẩm ( Tin Mừng Ga 4, 5 – 42 về câu chuyện Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacóp ).
Cha già biếu khách một món quà quý, tạp chí “Người Đô Thị” số 58 ra vào tháng 3.2017 ) của “Viện Nghiên cứu và phát triển hạ tầng” thuộc Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam. Ngay bìa của tạp chí, nổi bật là hình ảnh ngôi Nhà Nguyện của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, công trình đang đứng trước nguy cơ bị giải tỏa của nhà cầm quyền Quận 2 cho việc dành đất xây dựng khu bán đảo Thủ Thiêm thành một thành phố mới.
Một số các Giáo Sĩ và Giáo Dân đồng tình với cha già cương quyết lên tiếng với nhà cầm quyền và sát cánh cùng cha già để bảo vệ di sản văn hóa nghệ thuật Công Giáo và của cư dân Sàigòn đã từng vang bóng một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhiều cuộc đối diện căng thẳng đã xảy ra giữa các nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và các cơ quan chức năng của nhà cầm quyền, mọi chuyện được dàn xếp tạm thời nhưng vẫn không hủy bỏ quyết định giải tỏa. Ngôi Nhà Thờ trên trăm tuổi cùng với Tu Viện cũng không nằm ngoài kế hoạch này.
Năm 2016, ngôi chùa có tên là Liên Trì do Hòa Thượng Thích Không Tánh chủ trì gần ngay bên Nhà Thờ Thủ Thiêm đã bị cưỡng chế giải tỏa. Hòa Thượng và các cư sĩ bị dẫn đi, quản chế trong khoa Nhi của Bệnh Viện quận 2, trong khi đó ở Thủ Thiêm, các xe cơ giới nhanh chóng biến ngôi chùa thành bình địa tan hoang, chấm dứt sự hiện diện một công trình tâm linh của cư dân Phật Giáo Thủ Thiêm.
Bên trong tạp chí “Người Đô Thị”, hai bài lần lượt mang tên “Giải tỏa các công trình tôn giáo lâu đời là không thỏa đáng” của Ts. Nguyễn Thị Hậu ( trang 19 ) và “Đề nghị giữ lại các công trình tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm” của Ts. Nguyễn Quốc Tuấn ( trang 21 ) , bên cạnh đó còn trích dẫn “TP. HCM. Nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia” của Gs. Ts. Nguyễn Minh Thuyết và “Đánh giá thận trọng một lần nữa theo luật di sản văn hóa” của Ls. Nguyễn Kiếu Hưng.
Ngoài ra, còn nhiều bài nói về công trình văn hóa tôn giáo trong đô thị. Đặc biệt bài đầu tiên ( trang 5 ) “Quyền khởi kiện dân sự cần được tôn trọng” của Duy Thông bàn thẳng vào sự kiện các Linh Mục và Giáo Dân Giáo Phận Vinh khởi kiện Formosa, Công ty gây ô nhiễm nặng nề biển Miền Trung, với lời kết: “Một khi nguyện vọng của người dân về một phiên xét xử công bằng được đáp ứng, thì quyền khởi kiện dân sự được ghi nhận đầy đủ và công lý được thực thi. Lúc đó, tuyên bố mới nhất của Bộ Tài Nguyện và Mội Trường ‘Biển đã an toàn’ mới thực sự là an toàn”.
Là một tạp chí khoa học do một cơ quan Nhà Nước, trực thuộc một Tổng Hội của nhà nước cầm quyền, nhưng các nhà khoa học đã mạnh dạn lên tiếng về một di sản văn hóa tôn giáo, một sự thật. Tại sao những cư dân của Sàigòn, những người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan trong Đạo, những người có bổn phận gìn giữ tài sản thiêng liêng của tín ngưỡng tôn giáo lại im lặng, vô cảm đến phũ phàng, biến cha già GB. Lê Đăng Niêm và các chị nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành những con người cô đơn ngay trong chính “gia đình” mình ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 30.3.2017
Nguồn: EFATA số 739