Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh viếng “Đồi Khổ nạn” và thăm Đan viện Thiên An

GNsP (07.04.2017) – Đáp lời mời của Đan viện Thiên An – Thừa Thiên Huế, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh thực hiện một cuộc viếng thăm Đan viện vào các ngày 03-04/04/2017.

Trưa ngày mồng 03/04/2017, Đức cha Micae đã có một bữa cơm thân mật với toàn thể Đan viện tại nhà cơm Đan viện. Sự hiện diện của Đức cha Micae trong bữa cơm của Đan viện đó là niềm an ủi, khích lệ cho các Đan sĩ sống đời Đan tu nơi một Đan viện heo hút, lánh xa thế tục nhưng vẫn không thoát khỏi vòng vây độc ác của thế tục.

Trong suốt thời gian qua, Đan viện Thiên An đang phải hứng chịu những mũi dùi tấn công của nhà cầm quyền, nhằm tước đoạt toàn bộ khu đất hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An từ những năm 1940. Dĩ nhiên Thiên Chúa luôn ở cùng con cái của Người, như sự hiện diện của một vị Giám mục đầy lòng nhân ái luôn băn khoăn về những nỗi bất công của xã hội, đã là một sự hiện diện cụ thể của Lòng Xót Thương Thiên Chúa dành cho các Đan sĩ.

Nét mặt vui tươi, những bước đi linh hoạt, phong cách bình dị của vị Giám mục 80 tuổi đã hoàn toàn chinh phục các Đan sĩ trong bữa cơm lần đầu tiên đón tiếp ngài. Đan viện ngày hôm nay tại nhà cơm đầy tiếng vui cười trong Mùa Chay Thánh, là một sự kiện lạ lùng mà theo Luật, tất cả Mùa Chay là mùa thinh lặng tĩnh tâm của Đan viện, bởi hôm nay Đan viện đón một người “được Thiên Chúa sai đến”. Qua con người này, Đan viện sẽ đón nhiều niềm vui bất ngờ khác.

Sau một giấc nghỉ trưa và những giờ viếng Chúa, Đức cha Micae ra vườn cam của Đan viện, và đến viếng đồi có chứng tích cây Thập tự cùng Tượng Chịu nạn bị đập vỡ bởi nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế cách đây ít lâu. Chiều hôm ấy, sau những giờ cầu nguyện ngoài đồi bên cây Thập tự bị đập phá, Đức cha Micae chia sẻ với cha Bề trên Đan viện, một số Đan sĩ và những thân hữu hiện diện tại đồi về tâm tình của Đức cha trước hình ảnh đầy tang thương này. Ngài đề nghị, nếu cha Bề trên và các Đan sĩ đồng thuận, từ nay ngọn đồi này mang tên “Đồi Khổ Nạn”. Cha Bề trên Antôn Nguyễn Văn Đức và các Đan sĩ hoan hỉ đón nhận danh hiệu mới dành cho một miếng đất nhỏ bé thực sự đã và đang đi vào cuộc khổ nạn với Chúa. Trong tâm tình ấy, Đức cha dùng cơm chiều trong căn chòi bên chân đồi cùng với những người hiện diện trong cuộc viếng thăm chiều hôm ấy.

Tại Đan viện Thiên An, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đến viếng “Đồi Khổ Nạn” – có chứng tích cây Thập tự cùng Tượng Chịu nạn bị đập vỡ bởi nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế. (Từ phải qua trái: Bề trên Đan viện Thiên An, cha Antôn Nguyễn Văn Đức, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý cùng quý thân hữu).
Tại Đan viện Thiên An, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đến viếng “Đồi Khổ Nạn” – có chứng tích cây Thập tự cùng Tượng Chịu nạn bị đập vỡ bởi nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế. (Từ phải qua trái: Bề trên Đan viện Thiên An, cha Antôn Nguyễn Văn Đức, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý cùng quý thân hữu).

Tối ngày 03/04, Đức cha Micae có một cuộc gặp gỡ với toàn thể Đan viện tại phòng hội Đan viện. Bắt đầu những lời yêu cầu của cha Bề trên và các Đan sĩ, Đức cha lần lượt chia sẻ những tâm tình, kinh nghiệm và ước vọng của Đức cha.

Từ những hoàn cảnh của riêng ngài, tiếng Chúa gọi trong lương tâm, từng bước đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua đời thánh hiến, Linh mục, rồi Giám mục. Chịu trách nhiệm với đoàn chiên ở một vùng núi đồi trùng điệp Tây Nguyên, ngài ôm lấy nỗi khốn khổ, nghèo hèn của những Sắc dân Thiểu số. Cả cuộc đời mục tử gắn bó với núi rừng, gắn bó với người nghèo, người bị loại trừ, bị bỏ rơi, Đức cha như cảm nhận ôm lấy vết thương tấy máu của Đức Kitô nơi con cái của ngài. Suốt một đời hun đúc trong một bầu khí như thế, Đức cha trăn trở, bén nhạy với Sự Thật, với lẽ Công Bằng, với sự phát triển toàn diện của con người, hình ảnh của Thiên Chúa.

Chính vì vậy, bằng tất cả những kinh nghiệm làm người, Đức cha đã hướng tầm mắt của ngài ra xa hơn núi đồi Tây Nguyên để lo lắng, băn khoăn cho số phận của những người nghèo, những người gánh chịu bất công, đàn áp, chà đạp trên quê hương đất nước VN. Số phận những con người ấy kéo theo số phận của dân tộc đất nước. Đức cha khuyến khích là người Kitô hữu, hơn nữa là người Đan sĩ, các Đan sĩ hãy ôm lấy vết thương rỉ máu của đồng bào mình, của dân tộc mình, trong lời nguyện cầu và trong thái độ sống của Đan sĩ.

Sáng sớm ngày 04/04/2017, theo lời Thỉnh nguyện của Đấng Bản Quyền Đan viện, Đức cha Micae chủ sự thánh lễ ban thánh vụ Linh mục cho 5 Đan sĩ thuộc hai Đan viện Thiên An và Thiên Hòa.

Thánh lễ truyền chức diễn ra thật ấm cúng và cảm động trong nguyện đường dưới căn hầm của Đan viện. Căn hầm là nguyện đường nguyên thủy của Đan viện từ nhiều năm trước đã là một nguyện đường mang đầy dấu tích khổ đau của chiến tranh, bom đạn. Đã có lúc tưởng rằng, không thể sử dụng lại nguyện đường này nữa. Các Đan sĩ được truyền chức Linh mục tại nguyện đường này như một lời gửi gắm đến những con người đã quyết định hy sinh cuộc đời mình cho Thiên Chúa và Hội Thánh, hãy là những con người mang trong mình những vết khổ đau của anh em trong tư thế tế hiến đời mình. Đời Linh mục của các cha sẽ là một cuộc đời hằn dấu khổ nạn, nhưng tràn đầy hy vọng trong lễ tế thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong lời nhắn nhủ cộng đoàn, Đức cha Micae kêu gọi những người hiện diện hãy nỗ lực quảng bá và thúc đẩy những người trẻ đáp lại Lời Chúa gọi, dâng hiến cuộc đời của mình trong sứ mạng loan báo Tin mừng và thánh hiến cho Thiên Chúa.

Kết thúc thánh lễ, Đức cha Micae cùng dùng sáng với các Đan sĩ, các thân nhân trong bữa ăn sáng đơn sơ, nhẹ nhàng. Đúng là một bữa ăn thanh đạm của nếp sống Đan tu.

Sáng sớm ngày 04/04/2017, theo lời Thỉnh nguyện của Đấng Bản Quyền Đan viện, Đức cha Micae chủ sự thánh lễ ban thánh vụ Linh mục cho 5 Đan sĩ thuộc hai Đan viện Thiên An và Thiên Hòa.
Sáng sớm ngày 04/04/2017, theo lời Thỉnh nguyện của Đấng Bản Quyền Đan viện, Đức cha Micae chủ sự thánh lễ ban thánh vụ Linh mục cho 5 Đan sĩ thuộc hai Đan viện Thiên An và Thiên Hòa.
Thánh lễ truyền chức diễn ra thật ấm cúng và cảm động trong nguyện đường dưới căn hầm của Đan viện.
Thánh lễ truyền chức diễn ra thật ấm cúng và cảm động trong nguyện đường dưới căn hầm của Đan viện.
Các Tân Linh mục chụp hình chung với Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Bề trên Đan viện Thiên An cùng với các Linh mục đồng tế.
Các Tân Linh mục chụp hình chung với Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Bề trên Đan viện Thiên An cùng với các Linh mục đồng tế.

Bữa trưa cùng ngày, Đức cha Micae đã mời cha già Tađêô Nguyễn Văn Lý – người tù nhân lương tâm của xứ Huế – và hai cha Phêrô Nguyễn Văn Giải, cha Phêrô Phan Văn Lợi, hai linh mục kiên cường của Công lý và Nhân quyền cùng tham dự. Tuy nhiên, cha Phêrô Giải đi vắng nên không tham dự, các Đan sĩ theo lệnh của cha Bề trên đón cha Tađêô Lý đến Đan viện, nhưng khi đón cha Phan Văn Lợi thì bị ngăn cản. Vì thế, trong bữa cơm tại Đan viện trưa hôm ấy, chỉ có người tù nhân lương tâm già yếu – cha Tađêô Lý – được gặp gỡ và dùng bữa cơm không chỉ với những món ăn đơn sơ của Đan viện mà còn cả những người yêu thương của Đức cha.

Cha già Tađêô Nguyễn Văn Lý, người tù nhân lương tâm của xứ Huế, đang trò chuyện với “Anh Hai Giêsu” trong bước chân mỏi mòn, kiếm tìm Sự thật, Công lý và Công bằng. (“Anh Hai Giêsu” là tên gọi thân thương của cha Tađêô khi ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu trong quãng đời ngục tù của ngài).
Cha già Tađêô Nguyễn Văn Lý, người tù nhân lương tâm của xứ Huế, đang trò chuyện với “Anh Hai Giêsu” trong bước chân mỏi mòn, kiếm tìm Sự thật, Công lý và Công bằng. (“Anh Hai Giêsu” là tên gọi thân thương của cha Tađêô khi ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu trong quãng đời ngục tù của ngài).

Để bù cho sự vắng mặt do ngăn cản đi dự bữa cơm trưa tại Đan viện, của an ninh Thừa Thiên Huế, Đức cha Micae đích thân đến nhà riêng của cha Phêrô Lợi. Ngôi nhà của cha Phêrô bị quản thúc không văn bản của nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế gần 40 năm qua. Sự hiện diện bất ngờ của Đức cha tại căn nhà này, một nơi mà rất nhiều người bị ngăn cản không thể đến thăm cha Phêrô, đã mang lại cho cha Phêrô một niềm vui trong Mùa Chay Thánh. Cuộc viếng thăm và trò chuyện củng cố cho ý chí của cha Phêrô và khẳng định với cha Phêrô về con đường của cha Phêrô đi không hề cô đơn. (Xin xem bài tường thuật của cha Phêrô Phan Văn Lợi tại đây).

Một chi tiết khá thú vị trong cuộc viếng thăm, khi từ giã ra cửa, cùng với những tranh luận có phần căng thẳng với viên an ninh, Đức cha Micae đã ôn tồn bằng một cung giọng đầy lòng thương mến để nói với người an ninh về Sự thật, lẽ phải, tình người. Chỉ sau vài lời của Đức cha, viên an ninh đã thay đổi thái độ từ căng thẳng hung hăng sang nhẹ nhàng, khiêm tốn. “Có một người được Thiên Chúa sai đến” – Đức cha Micae, người của Lòng Thương Xót đã sai đi.

Đức cha Micae, cha Bề trên Đan viện Thiên An, quý Đan sĩ và thân hữu đến thăm hỏi và vấn an cha Phêrô Phan Văn Lợi – một trong những vị linh mục kiên cường của xứ Huế, vào ngày 04.04.2017.
Đức cha Micae, cha Bề trên Đan viện Thiên An, quý Đan sĩ và thân hữu đến thăm hỏi và vấn an cha Phêrô Phan Văn Lợi – một trong những vị linh mục kiên cường của xứ Huế, vào ngày 04.04.2017.
Hai an ninh trẻ mặc thường phục đeo khẩu trang ngăn cản cha Phêrô tiễn Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn ra về.
Hai an ninh trẻ mặc thường phục đeo khẩu trang ngăn cản cha Phêrô tiễn Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn ra về.
Viên an ninh trẻ tính ra tay hành hung cha Phêrô khi ngài yêu cầu tháo bỏ khẩu trang, nhưng các Đan sĩ đã nhanh tay vồ lấy cánh tay của viên an ninh này.
Viên an ninh trẻ tính ra tay hành hung cha Phêrô khi ngài yêu cầu tháo bỏ khẩu trang, nhưng các Đan sĩ đã nhanh tay vồ lấy cánh tay của viên an ninh này.

Đức cha Micae kết thúc chuyến viếng thăm Đan viện Thiên An và những người Linh mục kiên cường của xứ Huế trong hai ngày ngắn ngủi. Với hơn 48 tiếng đồng hồ, một vị Giám mục lớn tuổi đã liên tục không ngừng truyền rao sứ điệp loan báo Tin mừng, chữa lành và nâng đỡ anh em ngài.

Chân thành cám ơn Đức cha Micae và tấm lòng nhân ái của Đức cha.

Pv.GNsP

Nguồn: tinmungchonguoingheo.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.