Hôm 19.04 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gọi tắt là OCDE *, đã công bố báo cáo về người trẻ các quốc gia trong khối này, theo đó đa số người trẻ lớp tuổi 15 tại các nước nói trên tỏ ra hài lòng với cuộc sống của mình.
Trên một bậc thang từ 1 đến 10, đa số người trẻ ở lớp tuổi 15 thuộc các quốc gia trong khối OCDE cho biết họ tự đặt ở cấp độ bình quân là 7,3. Gần 12% không hài lòng và tỷ lệ này lên đến trên 20% tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Đại Hàn. Ngược lại, tại Hòa Lan chẳng hạn, chỉ có chưa đến 4% tỏ ra không hài lòng với cuộc sống của mình; tại Pháp 7,4% không hài lòng. Người trẻ thuộc nam giới thì hài lòng nhiều hơn người nữ.
Các tiêu chuẩn quyết định trong cuộc nghiên cứu này là: kết quả học đường; tương quan với bạn bè và với các giáo sư; cuộc sống trong gia đình và những điều được làm trong thời giờ rảnh rỗi giải trí.
Đối với một số người trẻ, học đường là một nơi chốn khổ sở. Hơn 10% tổng số học sinh tại 34 quốc gia trong số 53 nước thành viên khối OCDE, cho biết đã bị bạn bè cười nhạo ăn hiếp nhiều lần trong tháng, nhiều khi còn bị đánh đập hành hạ. Trong số các học sinh thường bị ăn hiếp, 42% cho rằng mình không có chỗ đứng trong trường học.
Báo cáo của OCDE còn có một chi tiết khác đáng chú ý, đó là hiện tượng càng ngày người trẻ càng dành nhiều thời giờ hơn để lướt mạng internet. 26% dành 6 tiêng đồng hồ lướt mạng mỗi ngày trong lúc cuối tuần và 16% vào mạng hơn 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày suốt tuần.
Đây là hạn thời gian bị xem là quá đáng, có thể làm cho người trẻ trở nên cô độc hơn đối với môi trường học đường, ít thời giờ dành cho việc học hỏi chuẩn bị tương lai hơn và thường họ đi học trễ hơn. Trong số các nguyên nhân gây ra sự mệt nỏi cho người trẻ, có sự lo lắng sợ bị điểm xấu hay áp lực để được điểm cao.
(AFP 19.04.2017)
Mai Anh
Nguồn: vi.radiovatican.va
* OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia.”