Dân tộc Việt Nam đã từng chịu “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” và “giặc Mỹ xâm lược” gần 30. Thế nhưng chưa có một loại giặc nào khiến người dân Việt phải bỏ “chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời” dắt díu nhau trốn chạy từ “miền Bắc tăm tối mưa phùn” để vào niềm Nam vào “ một ngày năm bốn”, và cuối cùng phải “ bỏ nước ra đi” vào “ một ngày bảy lăm” như chạy giặc Cộng Sản.
Không bút mực nào tả hết được những tang thương mất mát mà người dân phải gánh chịu qua hai lần di tản, nhất là những cuộc vượt biển đầy hiểm nguy, tai ương, chết chóc rình rập. Thế nhưng từng đoàn người vẫn lao ra đại dương như dấn thân vào một canh bạc mà vật cá cược là chính mạng sống của mình.
Vào những năm đầu giải phóng, với trí óc của một học sinh lớp 7, quả thật tôi không thể hiểu điều gì khiến người ta phải ghê sợ, trốn chạy nhà cầm quyền mới, chế độ mới đến như thế ? Rồi qua những tiết học chính trị, tôi được dạy rằng sở dĩ có tình trạng như thế là do người dân chưa hiểu bản chất ưu việt của chế độ mới, rằng họ bị thế lực thù địch tuyên truyền nói xấu chế độ…
Thế rồi sau 42 năm, dưới sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của Đảng, mỗi người dân từ trẻ sơ sinh cho đến người già đều phải gánh trên lưng 30 triệu đồng nợ công; thực phẩm bẩn tràn lan, mỗi ngày trung bình có khoảng 315 người chết vì ung thư; nạn ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng từ sau vụ xả thải của Formosa, biển chết, rừng chẳng còn do việc xây dựng ồ ạt hàng loạt các đập thủy điện; tình trạng nhân quyền bị xâm phạm nghiêm trọng, sinh mạng người dân như cỏ rác, án oan và nhục hình tra khảo đã cướp đi mạng sống biết bao người dân vô tội; nhà cửa, đất đai có thể bị cướp bất cứ lúc nào; nền giáo dục thì sản sinh ra một thế hệ vô cảm, giả dối, thiếu nhân bản; giặc Trung Quốc hoành hành ngoài biển đảo, người Trung Quốc thì xuất hiện khắp nơi trên nước Việt…
Trong một cuộc “phỏng vấn mật” vào năm 1988, Đức GH JP II đã phân tích chủ thuyết Cộng Sản như sau: “Những người Cộng Sản đã vẽ ra một hệ thống đựa trên ý tưởng Mac-xít về cách mạng nói rằng nhân danh độc quyền của giới bần cố nông. Sau này người Cộng Sản giải thoát mình khỏi giới bần cố nông và cất đi quyền của giới vô sản, rồi họ lại vẽ ra hệ thống độc quyền đảng trị, tạo ra tầng lớp độc quyền dành cho các đảng viên, và hệ thống này còn tiếp tục cho đến nay. Qua nhiều thập niên, lý thuyết này tạo nên một lớp người giai cấp mới, giai cấp trưởng giả mới”.(2)
Đó là lý do khiến con người ghê sợ người Cộng Sản. Bởi lẽ những người theo chủ nghĩa Cộng Sản “đã không thành công khi muốn đem lại một cuộc đổi mới xã hội thật sự, nhưng đã trở thành một mối đe dọa mạnh mẽ và một thách đố kinh hoàng cho toàn thế giới” (3). Nhân loại đã nói không với chủ nghĩa Cộng Sản, điều này khiến dẫn tới sự sụp đổ hàng loạt của khối Cộng Sản chủ nghĩa Đông Âu và Liên Bang Xô Viết.
Do vậy :
“Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bảy lăm, đúng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương”
Tuy nhiên, trong niềm tin vào Chúa Quan Phòng, tất cả là hồng ân. Vì thế nói như Đức Ông Nguyễn Quang Sách thì những người ở lại là những người cùng vác thánh giá theo chân Chúa. Ở lại “dùng chính bản thân làm phương tiện tranh đấu, với Phúc Âm trong tay, với lời kinh trên môi” (4) để đẩy lùi sự ác và Thiên Chúa sẽ chiến thắng. Bởi lẽ “ chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vì những suy yếu nội tại của chính nó.” (5)
Bài viết đã được đăng tại trang Tin Mừng Cho Người Nghèo :https://www.facebook.com/tinmungchonguoingheo/posts/1335568839895870
Link tham khảo :
(1) Lời bài hát “Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa” của nhạc sĩ Phạm Duy.
(2) ĐGH John Paul phân tích chủ thuyết Cộng Sản trong cuộc “ phỏng vấn mật” vào năm 1088)
http://forums.vietbao.com/yaf_postst5463_Phan-tich-cua-DGH-… ).
(3) & (5) “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, xuất bản năm 1995 – Đức Giáo Hoàng John Paul II.
(4) Đức Giáo Hoàng nói với giới trẻ Ban Lan khi đến tu viện Black Madona ở Czestochova.