Nếu tòa đời không tôn trọng công lý, không có lẽ phải, còn có tòa án của Thiên Chúa. Mọi vấn đề sẽ được xét xử theo lẽ công minh, chính trực của Chúa.
Hôm nay 29/6/2017, tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù vì “tội” đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, vì dám bày tỏ chính kiến công khai phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo, đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam sau khi gây ra thảm họa cho các tỉnh Miền Trung, dám vạch ra những sai trái, bất công của nhà cầm quyền cộng sản.
Bản án này khiến người dân trong nước và cộng đồng Quốc tế “bàng hoàng”, vì mức độ tàn nhẫn, quá nặng nề, ít là đối với chị, một người mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ, mà còn cho thấy cách hành xử tùy tiện, phi nhân tính của nhà cầm quyền đối với những người bị liệt vào hạng “phản động”, dù là vì họ lo lắng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, an nguy của dân tộc, muốn xây dựng xã hội và quyền con người được tôn trọng.
Chẳng lẽ một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị, chỉ vì yêu nước, thương nòi, dám quên mình, đứng lên đấu tranh cho lẽ phải lại trở nên là mối nguy hiểm cho an ninh tổ quốc, cho an toàn và trật tự xã hội?
Chợt nhớ đến câu chuyện quan tòa bất lương và bà góa trong Tân ước trong Tin mừng Lc 18, 1-8.
Ông quan tòa được Đức Giêsu mô tả rất tự phụ, ngang ngược. Với quyền tài phán, ông sẵn sàng làm lệch cán cân công lý để thao túng và trục lợi. Ông không hề kính sợThiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì. Đừng nói việc có ngày phải ra trước tòa công bình của Thiên Chúa, với ông, hai tiếng lương tâm không tồn tại, danh dự và sự liêm sỉ chỉ là bèo bọt.
Kinh Thánh gọi hạng người ấy là “quân gian ác”. Ai lọt vào tay hạng người ấy, đừng mong cãi lý, chẳng có cơ hội để bênh vực mình, huống chi đó là một bà góa. Về phương diện xã hội, bà góa là hạng người thất thế, thấp cổ bé họng.
Nhưng bà góa nghĩ rằng vụ kiện của bà đúng, nên bà đã kiên trì kêu cứu. Vì không muốn bị quấy rầy liên tục, ông quan tòa “gian ác” đã phải cứu xét vụ việc của bà.
Ông quan tòa trong dụ ngôn của Đức Giêsu xem ra còn biết điều, ít ra là để bớt phải nghe lời cầu xin nằng nẵng của bà góa, khác với những ông quan tòa hôm nay trong vụ xử “Mẹ Nấm” lạnh lùng tuyên án, cho ra bản án đã bị kết tội trước.
Nhưng Đức Giêsu lại có ý khác khi đề cập đến ông quan tòa bất lương trong dụ ngôn. Nếu ông ta, tuy bất lương mà còn phải làm theo lời nài nỉ của bà góa để được yên thân, thì Thiên Chúa, vốn là Đấng Tốt Lành,“chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.
Nếu tòa đời không tôn trọng công lý, không có lẽ phải, còn có tòa án của Thiên Chúa. Mọi vấn đề sẽ được xét xử theo lẽ công minh, chính trực của Chúa.
Nếu mọi quyền bính xuất phát từ Thiên Chúa để thực thi đường lối công bình của Chúa, thì những thẩm phán tiếm quyền, những quan tòa không thực thi theo lẽ công chính sẽ bị chính Người phán xét:
“Tới bao giờ các ngươi còn xử án bất công, hay còn thiên vị phường gian ác?
Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn;
minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng,
giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân.
Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu, cứ bước đi, giữa tăm tối mịt mù, khiến nền tảng địa cầu phải lung lay nghiêng ngả” (Tv 82, 2-7).
Nếu không tin Thiên Chúa quan tâm đến người cầu nguyện và lời cầu nguyện không có hiệu quả, điều đó thật bi thảm, tuyệt vọng. Nhưng “mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).
Bản án bất công cho “Mẹ Nấm” đã tuyên. Nhưng những năm tháng đày đọa “Mẹ Nấm” trong tù ngục ấy, là chuỗi ngày liên lỷ cầu xin: “Tâu Thượng Đế, xin Ngài đứng dậy mà xét xử địa cầu, vì chính Ngài làm chủ muôn dân” (Tv 82, 8).
Và như Đức Giêsu đã nói, họ sẽ được tuyên phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”; còn về những kẻ gian ác: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ bị sầu khổ, khóc than” (Lc 6, 21b.25b).
Giuse Ngô Văn Kha C.Ss.R
Nguồn: dcctvn.org