Thái Hà (10.07.2017) – Ngày 3/7/2017 vừa qua, sau khi cùng 30 vị Hồng y, Tổng gám mục nhận giây Palium vào ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ(29/6/2017), trong chuyến công du tại Paris sau đó, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Huế, hiện đang là Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn tờ Église d’Asie.
Ấn tượng ban đầu
Bài phỏng vấn ngay lập tức đã gây ấn tượng mạnh trong công luận nói chung, cách riêng đối với cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam.
Đây được coi là bài phỏng vấn rất trung thực và khá thẳng thắn, không e dè về hiện tình đất nước Việt Namtừ cả hai phía người hỏi cũng như người trả lời.
Nhiều vấn đề có thể không lạ với những người luôn quan tâm tới Giáo hội, nhưng cũng sẽ rất lạ đối với đại bộ phận người dân nói chung, cách riêng đối với các giáo dân Công giáo,đã được Đức Tổng Giám mục trả lời không úp mở, như: Tương quan giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vai trò của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli; vụ việc xảy ra tại Đan viện Thiên an; nguyên nhân sự thiếu vắng sự hiệp thông giữa các giáo xứ tại Huế với các Đan sĩ Thiên an; vụ việc các Blogger hay các linh mục bị cấm xuất cảnh;thảm họa môi trường biển miền Trung; những can thiệp từ phía nhà nước để Hội đồng Giám mục không tái bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Thái Hợp vào Ủy ban Công lý và Hòa bình và lời đề nghị khiếm nhã cho ngài nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển khỏi địa phận Vinh; những chuyến viếng thăm chưa bao giờ được Hội đồng Giám mục chào đón của các quan chức nhà nước vào các kỳ họp Hội đồng Giám mục;đặc biệt là việc can thiệp quá sâu của nhà nước vào tiến trình bổ nhiệm các giám mục tại các giáo phận…
Những vi phạm quyền tự do tôn giáo
Có thể nói, đây là lần đầu tiên một vị đại diện Hội đồng Giám mục chính thức công khai trên công luận những tin tức trước đây thường bị coi là nhạy cảm về mặt chính trị, trong đó có các vấn đề liên quan tới quyền tự do tôn giáo.
Nếu chỉ đọc tiêu đề bài phỏng vấn trên Église d’Asie rằng “đã có sự nồng ấm hơn trước đây trong mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước”, thì người đọc có cảm tưởng đang có một sựlạc quan thiếu thực tế trong nhãn quan của vị lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Mặc dù ghi nhận đã có sự “nồng ấm”, “cởi mở” và “hiểu biết” hơn của một số lãnh đạo nhà nước trong lãnh vực tôn giáo, nhưng trong thực tế, theo Đức Tổng Giám mục, không hề có tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Kể lại câu chuyện 16 năm chờ đợi và chỉ được chịu chức linh mục vào năm 1992 khi đã ở tuổi 42 – một độ tuối quá già so với bình thường, cùng với những khó khăn xảy đến cho Giáo hội vào thời điểm hiện tại với Đan Viện Thiên An, Đức Tổng Giám mục đã khéo léo cho độc giả thấy việc vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đã là hệ thống.
Theo Đức Tổng Giám mục, tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn là thứ tự do dưới chiếc vòng kim cô “xin-cho” nhưng nay được nhà nước mặc cho một tên gọi khác là “đăng ký”. Ngài nói:
“Ngày 1 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục đã gửi “các nhận xét thành thực và thẳng thắn” của mình liên quan đến “Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, lên các nhà cầm quyền.
Nói một cách tổng quát, với đạo luật này, người ta thấy nhiều thụt lùi, chứ không phải tiến bộ; chúng tôi không luôn được hưởng sự tự do đích thực. Thí dụ, có nhiều lãnh vực trong đó Giáo Hội không có quyền dấn thân vào, như sức khỏe, giáo dục, y tế v.v… Người ta vẫn chưa ra khỏi não trạng của hệ thống gọi là “xin cho”.”
Đối với ngài, việc nhà nước đồng ý cấp phép mở Học viện Công giáo thì cũng không có gì là mới mẻ, cũng chẳng là ân huệ, đây chỉ là “việc phục hồi điều chúng tôi đã mất trong mấy chục năm qua mà thôi”, vì “trước khi người Cộng sản nắm quyền năm 1975, Giáo hội Công giáo đã có hai đại học Công giáo ở Sài Gòn và Đà Lạt, nhưng tất cả đã bị người Cộng sản cấm, đóng cửa; các chủng viện và các đại học bị trưng dụng.”
Liên quan tới việc bổ nhiệm các Giám mục Đức Tổng Giám mục cho biết Tòa Thánh không được tự do như điều 377 Bộ Giáo luật qui định trong việc bổ nhiệm Giám mục:
“Nhà Nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm. Khi một ứng viên được đề cử làm giám mục, họ cần sự chấp thuận của Nhà Nước. Trên thực tế, không có quá nhiều vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm tại các giáo phận ở tỉnh. Nhưng có vấn đề với việc bổ nhiệm giám mục ở ba tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn.”
Cũng vậy, liên quan tới mối bang giao giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam, ngài cho biết:
“Cho tới nay, phải nói rằng chúng tôi khá thất vọng. Điều chúng tôi chờ đợi là Việt Nam và Vatican sẽ tạo các liên hệ ngoại giao ở cấp sứ thần. Nhưng vị đại diện của Tòa Thánh ở Việt Nam, Đức Cha Leopoldo Girelli, không luôn được quyền cư ngụ thường trực ở Việt Nam. Ngài luôn là “đại diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam”; ngài thường trú tại Singapore và chỉ có quyền ở Việt Nam một tháng rồi phải rời xứ sở.”
Theo Đức Tổng Giám mục, mối bang giao Việt Nam – Vatican đóng băng suốt hơn 30 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập Các tổ Công tác Hỗn hợp bàn về tiến trình bang giao nhưng không đạt kết quả là vì sự “can thiệp của chính quyền Cộng sản Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến mối tương giao giữa Giáo Hội Công giáo và Nhà nước Việt Nam luôn ở thế căng thẳng,đã từng được Đức Tổng Giám mục nhắc tới trong “Bản Nhận định và Góp ý về Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo” ngày 1/6/2017, là “do nhà nước luôn nhìn Giáo hội thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng” (số 4).
Không thỏa hiệp và vai trò của giáo dân
Có một điểm đặc biệt cần ghi nhận liên quan tới sự chậm trễ trong việc bang giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam, đó là Giáo hội “không chấp nhận đánh đổi để được dễ dàng”.
Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, có thể có những chọn lựa mang tính cá nhân hay nhất thời vì lợi ích mục vụ của địa phương từ một vài vị lãnh đạo Giáo hội, nhưng về cơ bản, Giáo hội Công giáo Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với thế quyền trong những vấn đề liên quan tới sự sống còn của Xã hội và Giáo hội.
Sự kiện Hội đồng Giám mục tiếp tục giữ Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp lại nhiệm kỳ thứ 3 trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam hay những “Bản nhận định và Góp ý” rất thẳng thắn của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Hiến Pháp và Luật Tôn giáo thời gian gần đây là những ví dụ điển hình.
Theo Đức Tổng Giám mục, một cách rất chân thành và thẳng thắn, ngài cho biết các cuộc viếng thăm của các quan chức nhà nước, như cuộc viếng thăm của ông Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 10 vừa qua, nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam họp kỳ thường niên đều “không được chào đón trong khuôn khổ Hội đồng Giám mục.” Điều này khẳng định cách dứt khoát, Hội thánh Chúa tại Việt Nam, thà chịu bách hại vì chính đạo chứ không chấp nhận đi ngược lại lợi ích của con người.
Đối với vai trò của người giáo dân, Đức Tổng Giám mục đã dành những tình cảm trân trọng khi nhắc tới những đóng góp tích cực của người giáo dân Việt Nam, nhất là sự can đảm của họ trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử mà “phải can đảm lắm họ mới có thể vượt qua được”.
Theo Đức Tổng Giám mục, chính sự dấn thân hy sinh cách vô điều kiện đã làm nên nét đẹp về một “cảm thức đức tin của Giáo Hội ở Việt Nam”.
Giáo hội Việt Nam lớn lên nhờ máu các thánh tử đạo, thì cũng sẽ tiếp tục sự trường tồn nhờ sự hy sinh của các thế hệ kitô hữu sẵn sàng hy sinh mạng sống vì công lý, sự thật và đức tin. Tiếc rằng, sự sợ hãi do hoàn cảnh lịch sử đưa đến đã làm cho sự hiệp thông trong Giáo hội không còn khả tín, trái lại, nhiều nơi – như Đan viện Thiên an, đã phải cô độc trong công cuộc bảo vệ sự thật và công lý theo lý tưởng của Tin mừng.
Để kết luận
“Chúng tôi không luôn được hưởng sự tự do đích thực”. Các cuộc viếng thăm của các quan chức nhà nước chưa bao giờ “được chào đón trong khuôn khổ hội đồng giám mục”, gợi ý gì cho chúng ta các Kitô hữu?
Trong lá thứ gửi tới cộng đồng dân Chúa ngày 1/6/2017, để thông tin cho cộng đoàn Dân Chúa về Bản nhận định và Góp ý về Luật Tín Ngưỡng Tôn giáo, các Đức Giám mục đã mời gọi các tín hữu “cùng suy nghĩ và cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam thân yêu, đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh”, chúng ta đã làm gì để góp một cánh tay cho sứ mạng chung của Hội thánh?
7/7/2017
Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.