Một sớm đầu thu không gian chìm trong vắng lặng u tịch, Hà Nội lắng nhẹ trong giấc ngủ yên lành. Làn gió mơn man dịu mát tạo nên một cảm giác thật dễ chịu khoan khoái. Tiếng chuông Nhà thờ gióng rả ngân vang báo hiệu giờ Kinh Lễ,thúc giục con người thức tỉnh khởi sự một ngày mới.
Đâu đó những bước chân tiếng gọi nhau í ới của nhóm anh chị em ca đoàn Giê-ra-đô, họ hẹn nhau tới nhà xứ chuyển đồ ra xe khởi sự buổi thiện nguyện tại Giáo điểm Nà Phặc, Bắc Kan. Đó là sáng kiến của nhóm trẻ trong ca đoàn,anh chị em đã bỏ hòm nuôi heo cả năm trời nay đã nhơn nhớn cộng thêm sự đóng góp hỗ trợ đáng kể của cá nhân,thân nhân trong và ngoài để ca đoàn có thể thực hiện được ý nguyện tốt đẹp này.
05:00 khoảng 30 anh chị em ca đoàn tập trung trước hang đá Đức Mẹ cầu nguyện xin Mẹ cùng đồng hành với đoàn con cái Mẹ. Cha Bề trên chính xứ Giu-se Trịnh Ngọc Hiên ban phép lành và chúc đoàn lên đường bình an. Xe rời thành phố lúc giao thông còn khá vắng thưa,chỉ có những người buôn bán xe chở rau,hoa quả,thực phẩm là vội vã cho kịp buổi chợ sớm. Xe chúng tôi lướt nhanh trên đường cao tốc qua thành phố Thái Nguyên. Những đồi chè xanh mơn mởn lúc ẩn lúc hiện trong làn sương sớm mai mỏng nhẹ chờn vờn vấn vít nơi đôi tay thoăn thoắt của những cô gái dường như đang hái cả những hương lộc mà trời đất phú ban cho cây chè nơi đây trở nên đặc sản mê lòng người. “Chè Thái,gái Tuyên” là thế…
Đường lên Bắc Kan đèo núi quanh co nhỏ hẹp dân cư thưa thớt. Những cung đường khúc khuỷu xẻ núi xuyên rừng tuyệt đẹp tạo nên cảm thức nhẹ nhàng thư thái. Xe vừa tới nơi,cha Giu-se Nguyễn Văn Thật đã chờ sẵn niềm nở đón đoàn,ngài giới thiệu vắn tắt về Giáo điểm truyền giáo Nà Phặc,Giáo phận Bắc Ninh, nơi mà Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt năm 2008 giao cho các cha DCCT trông coi. Khu đất không rộng lắm nằm ngay mặt lộ. Ngôi nhà thờ nhỏ bưng ván gỗ,mái tranh lót bạt để chống dột chứ không tránh được gió to bão tố. Bên cạnh là mấy gian nhà khung ngỗ lợp tôn các cha mới dựng lên để có chỗ cho anh chị em sinh hoạt nghỉ ngơi cơm nước. Dãy nhà nơi các cha ở gồm cả nhà kho,nhà bếp mấy gian cho lữ khách đường xa nghỉ lại. Tất cả đều tuềnh toàng đơn nghèo,cơ sở vật chất chẳng có gì là giá trị ngoài tấm lòng vàng của các cha.
Vào Nhà thờ,đoàn chúng tôi được các cha giới thiệu sự hiện diện của gần 60 anh chị em dân tộc Dao đang tìm hiểu về Đạo Đức Chúa Trời. Các cha chia sẻ rằng: Vùng truyền giáo rộng lớn này hầu hết là người dân tộc H’mong,Tày,Nùng,Dao chưa biết Chúa,họ ở rất xa có khi 4-5 chục cây số. Thời gian đầu các cha đến bản làng vào từng nhà thăm họ rồi dần dà mời họ đến chỗ các cha chơi nói chuyện,mời cơm vv. Qua một thời gian qua lại các cha nói về Chúa về Mẹ cho họ và mời họ dự Thánh lễ. Nay cứ sáng thứ bảy,Chúa nhật là anh chị em tới tìm hiểu học đạo,nghe các cha kể truyện,xem phim ảnh về đạo. Sau khi dâng Lễ xong các cha lo cơm nước cho họ tươm tất chu đáo và có cả những món quà mang về nữa chứ,khi thì quần áo,đồ dùng,lương thực thực phẩm…vv.
Có những lần anh chị em ùn ùn kéo nhau tới cả 4-5 trăm người tham dự,hôm ấy tưởng vỡ trận không biết lấy gì cho họ ăn khi gạo thì hết,thực phẩm lại thiếu.Thế là Đức Mẹ ra tay cứu giúp,chẳng biết thế nào mà có người chở xe đến cho ba tạ gạo. Sau khi dâng Thánh lễ chúng tôi chuyển đồ xếp bên kho để các cha phân phát cho anh chị em nghèo khó rồi cùng mọi người dùng cơm trưa. Bữa cơm buffe miền ngược được 2 souer dòng Hiệp Nhất chuẩn bị thật chu đáo. Các cha và chúng tôi nhanh chóng hoà xen cùng anh chị em người Dao lấy cơm đồ ăn rồi tản ra vừa ăn vừa bắt chuyện với anh chị em dân tộc. Đa phần họ làm nương rẫy,ruộng đồng rất ít ỏi giáp hạt lại thiếu đói triền miên,một số làm rừng cũng chẳng được bao nhiêu,học hành chút ít để biết cái mặt chữ thôi chứ lấy đâu tiền mà ăn học. Phận người,miếng cơm manh áo,kiếp nghèo mãi cứ đeo đẳng…
Cơm nước xong chúng tôi cùng thu dọn. Anh chị em được các cha huấn luyện,họ tự giác rửa khay chén xếp đặt gọn gàng rồi ra sân trước để lấy quà. Nào là quần áo lớn bé,nam nữ còn mới còn tốt có thùng quần áo còn mới nguyên tha hồ chọn lựa,thậm chí có người mang cả bao tải đóng về,hỏi ra họ mang về cho người ở nhà…
Họ ra về trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui,ấm áo no lòng,tâm hồn thơ thới dường như khám phá được kho tàng. Thật vậy,rồi đây chính Chúa sẽ khai trí mở lòng họ để họ nhận biết rằng,dưới vòm trời này tôi cũng là con của Đức Chúa Trời.
Chúng tôi còn tiếp tục ở lại,vì lúc này cha con mới có dịp hàn huyên. Chẳng biết cha Thật kiếm đâu ra mấy thùng bia mát lạnh,nước ngọt,bánh trái…Vốn dĩ cha Giu-se luôn chu đáo,rộng rãi hết mực chăm lo cho anh em trong nhà cũng như cá nhân,hội đoàn mỗi khi cộng tác với ngài trong công việc phục vụ. Còn bản thân ngài lại sống rất mực nghèo khó,đạm bạc.
Cuộc vui bỗng trở nên buổi văn nghệ bỏ túi,đàn hát,vung xoong,nồi chậu thành bộ gõ madein bếp núc thật tưng bừng. Lại thêm nhóm bạn trẻ sinh viên Công giáo đang sinh hoạt ở Thái Hà nhập cuộc góp vui. Các bạn về tiền trạm trước để sắp tới tổ chức vui tết trung thu cho thiếu nhi tại đây. Một số người tranh thủ chụp ảnh trước tượng Đức Mẹ Nà Phặc mặc áo dân tộc Nùng. Mẹ đứng giữa rừng núi Bắc Kan để dõi trông cứu giúp con cái mẹ nơi ba đào lâm luỵ..
Vào nhà thờ chúng tôi chào Chúa, cha Giu-se chúc lành cho đoàn. Chào cha Giu-se chúng tôi ra về mang theo những xúc cảm khó nói nên lời. Cảm phục trân trọng các cha nhiều lắm ! Nhớ lắm,thương lắm Nà Phặc ơi ! Hẹn ngày trở lại để thấy Nà Phặc thay đổi dáng hình,Đức Tin lớn mạnh. Chúng tôi qua giáo xứ Bắc Kan ghé thăm cha Giu-se Nguyễn Văn Tĩnh rồi trở về Hà Nội kết thúc một chuyến đi thiện nguyện đầy ơn ích. Một cuộc ra khỏi chính mình đến với vùng ngoại biên để cảm nghiệm về cuộc sống để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em mình,và khi biết cho đi ấy là lúc ta được nhận lãnh.
Bài viết của anh Giuse Dương Văn Lợi, Ca đoàn Giêrađô