Thái Hà (10.09.2017) – Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. (Mt 18,15-20)
Thời trẻ, Tổng thống Mỹ Abrahm Lincoln thường viết những bài báo phê bình, sửa sai những người nổi tiếng lúc bấy giờ. Lần nọ, ông viết bài phê bình một chính khách. Bài báo khiến người chính khách kia tức giận đến nỗi quyết một phen sống mái với Lincoln. Cuối cùng sự việc cũng được hòa giải. Qua lần đó, Lincoln nhận ra rằng góp ý, sửa sai người khác không đơn giản mà cần phải có nghệ thuật.
Hôm nay, Đức Giêsu nói đến bổn phận và cách sửa lỗi người anh em. Thứ nhất, người môn đệ Đức Giêsu có bổn phận phải sửa lỗi cho người anh em, chứ không được làm ngơ để họ tiếp tục sai lạc.
Thứ hai, khi sửa lỗi phải thật khôn ngoan. Đức Giêsu hỏi rõ tâm lý của những người phạm lỗi. Họ dễ mặc cảm và tự ái. Do vậy, việc sửa lỗi đòi hỏi phải tế nhị, chân thành và đi từ việc kín đáo đến công khai, từ riêng tư đến cộng đoàn, từ “mình anh với nó” tới “đem theo một hay hai người”, rồi mới “thưa Hội Thánh”. Mục đích của việc sửa lỗi là là giúp người anh em thoát khỏi sai lầm, va vấp để sống tốt hơn. Tuy nhiên, con người có tính tự ái và mặc cảm. Vì thế, một lời nói không khéo léo, một thái độ không phù hợp sẽ làm tình hình càng trở nên xấu hơn. Do đó, bên cạnh sự khéo léo, chân thành của bản thân, chúng ta cần cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta biết lựa lời để nói sao cho khéo léo, đồng thời xin Người mở trí, mở lòng cho người kia biết lắng nghe lời góp ý chân thành của ta. Có như vậy, việc sửa lỗi mới đẹp lòng Chúa và mang lại hiệu quả.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khôn ngoan góp ý và sửa lỗi cho anh em với sự chân thành và bác ái. Amen.
Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…