Công nhân lo lắng vì công ty không trả tiền lương và tiền thưởng tết

Thái Hà (02.02.2016) – GNsP – Cứ cuối năm tại Việt Nam, trên các mặt báo Nhà nước thường xuyên loan tin nhiều hỏa hoạn xảy ra tại các công ty, hay những cuộc đình công của công nhân liên tiếp nổ ra trải dài từ Bắc vào Nam, mấu chốt vẫn là giới chủ tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân, hoặc không trả tiền lương cuối năm, hoặc không thưởng tiền tết cho công nhân.

Hơn 1000 công nhân thuộc Cty TNHH YS VINA, KCN Trường Xuân-Tp Tam kỳ-Quảng Nam, đình công trước cổng công ty vào chiều ngày hôm qua (01.02.2016), yêu cầu ban giám đốc trả tiền lương cuối năm và thưởng tiền tết cho công nhân trước tết. Một công nhân làm việc tại công ty này được gần 1 năm cho GNsP biết:

“Bên phía công ty nói là chỉ trả cho tụi em 50% tiền lương cuối năm, tiền thưởng tết chia thành 3 đợt trong ba tháng, mỗi đợt chỉ nhận được 30% tiền thưởng nên tụi em phản đối. Tết tụi em được thưởng 1 tháng lương cơ bản là hơn 2.600.000 VNĐ. Chỉ mới đình công chiều hôm qua thôi. Sau khi đình công thì bên phía công ty thông báo cho tụi em biết là chiều ngày mai (03.02.2014) họ sẽ trả 50% tiền lương cuối năm và tiền thưởng tết. Được nghỉ tết từ ngày 04-14.02.2016. Nếu như công ty thất hứa không trả tiền lương và thưởng tiền tết thì mọi người sẽ tiếp tục đình công.”

Theo Bộ Luật Lao Động (BLLĐ), giới chủ phải trả lương cho công nhân đúng thời hạn quy định nếu không phải trả thêm lãi suất, tại Điều 96 quy định: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

12509636_935874046498470_1920508958016077183_n-768x461

Hơn 1000 công nhân thuộc Cty TNHH YS VINA đình công trước cổng công ty vào chiều ngày 01.02.2016, yêu cầu ban giám đốc trả tiền lương cuối năm và thưởng tiền tết cho công nhân trước tết.

Công nhân này cũng cho biết thêm, chế độ tại Cty TNHH YS VINA rất hà khắc, công nhân bị trừ lương với lý do không thỏa đáng, thậm chí công nhân nghỉ việc có phép cũng bị trừ gần một nửa tháng lương. Tuy nhiên, bên phía Công đoàn công ty không đứng ra bảo vệ các công nhân mỗi khi họ gặp khó khăn. Công nhân này cho hay:

“Làm việc ở đây bị chèn ép nhiều vấn đề lắm, tăng ca quá giờ có khi làm hơn 11-12 tiếng một ngày. Công nhân chỉ sơ xuất một chút là bên phía công ty lập biên bản để trừ lương của công nhân. Người nào nghỉ có phép cũng bị trừ vào lương khoảng 500 ngàn, còn ai mà nghỉ làm không có phép sẽ bị trừ vào lương gần 1 triệu đồng. Vừa rồi em bị ốm, em nghỉ không phép thì công ty đã trừ vào lương của em mất một triệu đồng. Nhiều người rất phẫn nộ nhưng không ai dám lên tiếng. Công nhân đã từng đình công phản ánh chuyện này nhưng không thành nên đành chấp nhận thôi. Công đoàn trong công ty không lên tiếng gì cho công nhân, họ luôn bảo vệ cho công ty chứ không bảo vệ cho công nhân.”

“Nhiều người trong công ty nói rằng chỉ cần trả lương cho họ đầy đủ thôi, họ sẽ không làm việc tại công ty với chế độ hà khắc như thế nữa, bởi vì họ đã gây khó khăn cho mình thì năm tới sẽ không đi đến đâu.” Công nhân này nói.

Công ty trừ lương của công nhân là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Lao động, bởi lẽ BLLĐ quy định: “…Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.” (Điều 101 BLLĐ).

Công ty may YS VINA có trụ sở tại Quảng Nam, chuyên sản xuất hàng hóa may mặc và xuất khẩu qua nước ngoài.

Cũng rơi vào tình trạng trên, hơn 600 công nhân thuộc Cty Asty Việt Nam, Hải Phòng đồng loạt nghỉ việc yêu cầu trả tiền lương, thưởng tiền tết hợp lý hơn.

Việc sa thải công nhân của các công ty vào cuối năm do hỏa hoạn, công ty làm ăn khó khăn… để tránh tình trạng thưởng tiền tết ‘thâm niên’ khiến nhiều công nhân điêu đứng khi công ăn việc làm của họ trong tình trạng bấp bênh. Tuy nhiên, bên phía nhà nước không có động thái gì bảo vệ quyền lợi cho các công nhân, mặc dù mỗi công ty đã thành lập riêng một công đoàn với mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động khi họ bị xâm phạm, nhưng công đoàn chỉ thành lập cho có lệ, nhiều nơi công đoàn chỉ là ‘cánh tay nối dài của công ty’.

Huyền Trang, GNsP

Nguồn: tinmungchonguoingheo.com