Dù bị nhà cầm quyền cộng sản ngăn chặn, rất đông những người bạn, gia đình và cả những người có cảm tình với anh đã kéo đến tòa, dĩ nhiên là phải ở bên ngoài, chịu sự theo dõi, hạch sách của nhà cầm quyền và bị tra tấn bởi hai máy phát âm thanh cực lớn có nguy hại cho sức khỏe.
Trong số những người vượt bao khó khăn đến ủng hộ anh, như minh chứng sự vô tội, cổ vũ cho khí phách kiên định, cho lý tưởng anh đã chọn là dấn thân cho quê hương, vì một nước Việt Nam tươi sáng, có sự hiện diện lặng lẽ của người mẹ. Hình ảnh ấy gợi nhớ Người Mẹ đứng kề bên thập giá Đức Giêsu chịu đóng đinh khi xưa, cùng với người môn đệ và những người thân quen (x.Ga 19,25)
Người mẹ nào không muốn những điều tốt đẹp cho con, muốn sống một cuộc sống tràn ngập yêu thương, bình an và hạnh phúc bên con?
Người mẹ nào mà không có những trăn trở, lo lắng, những nỗi đau vì con? Vì con, họ ẩn mình trong bóng tối, sẵn sàng gánh những gánh nặng lo toan, cam chịu mọi sự xảy đến với mình, miễn con được toại nguyện, được thành nhân và thành danh!
Nếuhạnh phúc đòi hỏi sự đấu tranh, thì hạnh phúc cũng đòi phải có sự chấp nhận hy sinh. Nếu không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, thì nỗi đau của những người mẹ lại luôn như nhau, bởi nó xuất phát từ trái tim yêu thương dành hết cho con.
Hạnh phúc và những nỗi đau yêu thương ấy hình như có liên kết chặt chẽ với nhau và tỷ lệ thuận với nhau về mức độ vô biên của chúng, mà sự chịu đựng diễn tả sức bền của yêu thương, sự hy sinh cho thấy chiều cao hạnh phúc và những nỗi đau thăm dò độ sâu của tình người mẹ.
Trong bức tranh ảm đạm của phiên tòa bất công, vô pháp, trái lẽ Trời và nghịch lòng người ấy, trong sự ồn ào, náo động của những con người công cụ, cùng với những phương tiện trấn áp, khủng bố tinh thần, đang hừng hực bảo vệ cho bạo quyền ấy, hình ảnh người mẹ khắc khổ, mệt mỏi, bị thương tích, ngồi bệt bên vệ đường với ánh mắt dõi xa làm chạnh lòng mọi người.
Bà nhìn về cõi mông lung với tâm hồn rối như tơ vò; bà nhìn về quá khứ hoặc nhìn về tương lai? Người mẹ với nỗi đau ấy hình như đã hòa quyện, như hòa quyện cả quá khứ với tương lai, trở nên “Nỗi Đau – Người Mẹ”. Cái khoảnh khắc lắng đọng ấy dường như xóa mờ hiện tại. Hiện tại với bà chỉ là làn ranh mong manh, vô hình, nhấp nhô theo từng nhịp thở khó khăn, đồng điệu với những người mẹ đâu đó trên cõi Việt Nam tang thương này, nơi mà những người con của họ cũng đang phải chịu tù đày vì những bản án bất công do nhà cầm quyền cộng sản gây ra.
Bản án đã tuyên, Người Tù Nhân Lương Tâm bị giải về trại giam, minh chứng cho một chính thể bạc nhược, gian dối và sắp suy vong. Mọi người cũng ra về, sự uất ức mang trong lòng khiến họ càng vững tin vào những giá trị chân lý mà anh Oai đã làm sáng tỏ, vào công lý mà họ phải kiên trì đấu tranh, vào sự liên đới mà họ muốn thức tỉnh mọi người.
Duy người mẹ ấy vẫn bền bỉ dõi theo con, vẫn ở với con trong chốn tù ngục đầy gian khổ, từng ngày một. Nỗi đau của người mẹ ấy dù bi thảm và cuộc sống của bà mai ngày dù bi đát, nhưng không phải là tận cùng, bế tắc và tuyệt vọng, vì bà có đức tin và có niền hy vọng vào Chúa.
Đêm nay, trong giờ Kinh Đêm, có lẽ bà sẽ đọc trong tâm tình mà bà hiểu, được cảm thông và chia sẻ từ Tấm Lòng Từ Mẫu của Mẹ Maria, Người đứng kề Thập giá Chúa Kitô. Bà sẽ thấy mầu nhiệm đau khổ, sự dâng hiến những đau khổ, sự kết hiệp với những đau khổ của Chúa Kitô thật gần gũi, thiết thân, và bà được Mẹ Chúa ân cần, ưu ái mời đi vào…
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.
Nguồn: dcctvn.org